Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Mô hình dưa chuột ứng dụng công nghệ cao

Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất luôn là giải pháp tối ưu nhằm hướng tới một nền nông nghiệp phát triển bền vững. Trong chuyên mục “Nhà nông cần biết” hôm nay, chúng tôi muốn giới thiệu tới bà con mô hình sản xuất dưa chuột ứng dụng công nghệ cao với nhiều ưu điểm: Tiết kiệm thời gian và công sức lao động; Giúp hạn chế tối đa sâu bệnh hại;  Tăng chất lượng và năng suất cây trồng;…Mô hình do Trạm thực nghiệm và chuyển giao kỹ thuật Chương Mỹ thuộc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội thực hiện.



 

Hệ thống nhà màng giúp hạn chế tối đa côn trùng, sâu bệnh hại xâm nhập cũng như khắc phục các yếu tố bất thuận của thời tiết. Hệ thống nước tưới tự động bằng công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel là phương pháp hiệu quả giúp cây trồng hấp thu tối đa dưỡng chất, đồng thời hạn chế thất thoát nước cho cây trồng. Mỗi cây dưa chuột ở đây được trồng trong một bầu giá thể bằng phân trùn quế trộn xơ dừa. Đất, nước, dinh dưỡng được quản lý theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm đảm bảo mang đến nguồn dưỡng chất dồi dào và đồng đều nhất cho toàn bộ cây trồng. Môi trường sạch, đất, nước sạch, nhờ vậy mà cây trồng được tạo điều kiện tốt nhất để sinh trưởng và phát triển, tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng. Đây chính là những ưu điểm của “Mô hình sản xuất dưa chuột ứng dụng công nghệ cao” do Trạm thực nghiệm và chuyển giao kỹ thuật Chương Mỹ  (Trung tâm Khuyến nông Hà Nội) thực hiện năm 2021.

Mô hình thực nghiệm có quy mô 2 nhà màng với tổng diện tích là 700 m2, trồng 1.400 bầu. Mô hình sử dụng giống dưa May-a, nhập khẩu của Israel. Thời gian từ khi ngâm ủ hạt giống đến khi thu hoạch là 30 ngày, với kích cỡ quả đạt 15 -18 quả/kg (quả baby). Với hệ thống tưới nước nhỏ giọt đến từng bầu cây, bà con có thể bổ sung dưỡng chất cho cây bằng cách hòa sẵn vào trong bể nước, chỉ cần mở đầu van thì dinh dưỡng theo các đường ống dẫn trực tiếp đi vào từng gốc cây, vừa giúp giảm thiểu chi phí nhân công, vừa đảm bảo mỗi cây đều đủ dinh dưỡng phát triển. Lượng nước, số lần tưới và tỉ lệ dinh dưỡng cho cây tăng dần theo chu kỳ sinh trưởng của cây trồng. Thạc sỹ Đỗ Đức Huyên – Trạm trưởng Trạm thực nghiệm và chuyển giao kỹ thuật Chương Mỹ cho biết: Những ưu điểm vượt trội khi bà con sản xuất trong nhà màng, nhà lưới và áp dụng khoa học công nghệ, đó là:

- Chủ động thời vụ;

- Tiết kiệm thời gian và công sức lao động;

- Giúp hạn chế tối đa sâu bệnh hại;

- Tiết kiệm chi phí sản xuất;

- Tăng chất lượng và năng suất cây trồng.

Tuy nhiên, để thực hiện mô hình, bà con cần nghiên cứu, đầu tư về công nghệ sản xuất và xây dựng hệ thống nhà màng, nhà lưới với quy mô tối thiểu từ 300m2 trở lên cho 1 nhà màng. Để cây đạt năng suất tốt, ngoài giống tốt bà con cần lưu ý đến chế độ dinh dưỡng ở từng tời điểm sinh trưởng của cây.

Trung bình mỗi cây đạt năng suất từ 2 – 2,5 kg quả. Với giá bán hiện nay là 25.000 đồng/kg, mô hình cho lợi nhuận từ 70 - 80 triệu đồng/1.000m2/năm (3 vụ). Mô hình đã cho thấy nhiều ưu điểm và hiệu quả của việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, phù hợp với phát triển sản xuất nông nghiệp đô thị tại Hà Nội. Để được tư vấn kỹ thuật, bà con có thể liên hệ: Trạm Thực nghiệm và chuyển giao kỹ thuật Chương Mỹ - Trung tâm Khuyến nông Hà Nội. Điện thoại: 098.297.7478./.

Lưu Phượng