Đến nay, huyện Mê Linh đã được Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đánh giá có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023.
Cuối tháng 3/2024, xã Liên Mạc trở thành địa phương đầu tiên của huyện Mê Linh đủ điều kiện về đích nông thôn mới kiểu mẫu. Ông Hoàng Ngọc Phú (thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc) phấn khởi chia sẻ: “Xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã tôi có rất nhiều đổi thay. Đặc biệt, từ khi khuôn viên hồ đình Bồng Mạc được trang bị dụng cụ thể dục, thể thao, người dân trong thôn thường xuyên lui tới tập luyện, vui chơi, chuyện trò rất vui”.
Trong khi đó, Trưởng thôn Xa Mạc (xã Liên Mạc) Nguyễn Văn Huy thông tin, đến nay cả 4/4 xóm trong thôn đều có điểm sinh hoạt cộng đồng được xây dựng từ nguồn lực xã hội hóa. Ngoài hỗ trợ kinh phí xây dựng, nhiều hộ gia đình tự nguyện đóng góp ủng hộ bàn ghế, trang thiết bị phòng họp… Một số điểm vui chơi, tập luyện thể dục, thể thao trên địa bàn xã cũng được hình thành. Trang thiết bị tập luyện thể dục, thể thao do Nhà nước đầu tư, còn cây xanh, ghế đá, một phần hệ thống chiếu sáng là của nhân dân đóng góp.
Chủ tịch UBND xã Liên Mạc Nguyễn Đức Tình cho hay, với sự nỗ lực, cố gắng liên tục, Liên Mạc là xã đầu tiên của huyện Mê Linh đã được Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố đánh giá đủ điều kiện trình UBND thành phố Hà Nội xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trên hai lĩnh vực: Giáo dục và y tế. “Dù đã đủ điều kiện về đích nông thôn mới kiểu mẫu, nhưng cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân xã Liên Mạc nhận thức vẫn còn nhiều việc cần làm, như: Sớm hoàn thiện các dự án đầu tư nâng cấp hạ tầng đang triển khai; nâng cao các tiêu chí để xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện trên tất cả các lĩnh vực…”, ông Nguyễn Đức Tình nói.
Cùng với Liên Mạc, trong tháng 3 vừa qua, các xã: Tiến Thịnh, Tam Đồng và Đại Thịnh cũng được Đoàn thẩm định nông thôn mới thành phố Hà Nội đánh giá đủ điều kiện trình UBND thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đáng chú ý, xã Tam Đồng là địa phương có xuất phát điểm thấp khi bắt tay vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và là địa phương cuối cùng của huyện Mê Linh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2020. Theo Chủ tịch UBND xã Tam Đồng Nguyễn Văn Huỳnh, xác định xây dựng nông thôn mới không có điểm kết thúc, tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của thành phố Hà Nội và huyện Mê Linh, xã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông để tập trung phát triển kinh tế - xã hội.
Nhờ đó, xã Tam Đồng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao, trong đó có nhiều tiêu chí đạt cao, như: Giao thông, giáo dục, y tế, thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 68 triệu đồng/năm. Tính đến đầu năm 2024, xã Tam Đồng không còn hộ nghèo; tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 1%...
Tại hai xã Tiến Thịnh và Đại Thịnh, hàng trăm tỷ đồng đã được huy động để xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đến nay, 100% đường trục chính, đường liên thôn của các xã đã được cứng hóa; 100% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và 2; 100% thôn có nhà văn hóa, hoặc điểm sinh hoạt cộng đồng… Để đạt được kết quả này, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Tiến Thịnh đã làm tốt công tác tuyên truyền để hệ thống chính trị và nhân dân nhận thức đúng, đầy đủ và tích cực vào cuộc. Ngoài ra, xã tập trung đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải và không gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh Nguyễn Thị Thanh Tám cho biết, đến nay, Mê Linh đã có 5 xã hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao và 1 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 30% kế hoạch. Năm 2024, huyện tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu hướng tới đô thị, phấn đấu có thêm 3 - 4 xã đủ điều kiện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 1 - 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu toàn diện…/.
TA (Theo Báo HNM)