Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Luật Đất đai 2024: Động lực phát triển nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn

Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) khi đưa vào thực tiễn kỳ vọng tạo hành lang pháp lý nâng cao hiệu quả sử dụng đất, khuyến khích tích tụ tập trung ruộng đất, cũng như thu hút đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, quy mô lớn.



Nhiều điểm mới quan trọng

Cập nhật điểm mới quan trọng của Luật Đất đai 2024 (sửa đổi), Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, chính sách về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai tập trung ở hai khía cạnh: nâng cao hiệu quả sử dụng đất và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước. Khái niệm “cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp” không còn bao gồm “hộ kinh doanh” như Luật Đất đai năm 2013.

Liên quan quyền sử dụng đất, với đất nông nghiệp, người sử dụng đất thêm quyền chuyển đổi sử dụng đất. Đây là yếu tố mở rộng, cho phép chuyển đổi đất nông nghiệp để thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh. Luật cũng cho phép người sử dụng đất chuyển đổi quyền sử dụng đất với cá nhân khác trong cùng đơn vị hành chính cấp tỉnh mà không phải nộp thuế thu nhập và lệ phí trước bạ.

Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (Trường Đại học Luật Hà Nội) nêu, quy định về đất nông nghiệp trong Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) tạo 2 tác động tích cực đó là: yếu tố thuận lợi cho việc tiếp cận đất đai của tổ chức, cá nhân và mở ra các vấn đề tăng giới hạn, hạn mức giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tích tụ tập trung đất đai, chuyển mục đích sử dụng đất.

Đặc biệt, Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp từ 10 lần lên không quá 15 lần hạn mức giao đất tại địa phương; đồng thời, mở rộng đối tượng được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa cho tổ chức kinh tế, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Cùng với luật hóa hai khái niệm “tích tụ” và “tập trung” đất nông nghiệp, Luật khuyến khích tập trung đất đai để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp quy mô lớn; đất nông nghiệp được sử dụng đa mục đích (người sử dụng đất nông nghiệp được chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; được sử dụng một phần diện tích đất để xây dựng công trình phục vụ trực tiếp sản xuất nông nghiệp; được kết hợp thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu...). Khi hết thời hạn sử dụng đất nông nghiệp (50 năm), cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp tiếp tục được sử dụng đất theo thời hạn mà không phải làm thủ tục gia hạn.

Mở đường cho tích tụ ruộng đất, ứng dụng công nghệ cao

Theo nhận định của các chuyên gia, những chính sách mới của Luật Đất đai 2024 sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có năng lực về vốn, khoa học kỹ thuật có quyền tiếp cận đất đai, đầu tư sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hạn chế tình trạng bỏ hoang, không hiệu quả.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh, trong chính sách pháp luật đất nông nghiệp giải quyết được hai vấn đề: một là tăng khả năng kêu gọi đầu tư; hai là giải quyết được vấn đề nội tại, nông dân có thể tăng năng lực thông qua tích tụ tập trung đất đai. Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) nâng tính hấp dẫn và giá trị của đất nông nghiệp; tạo điều kiện đưa công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng năng suất lao động, tạo nền nông nghiệp xanh, đa giá trị; kỳ vọng tạo ra nhiều mô hình nông nghiệp mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi kết hợp du lịch nông nghiệp bài bản.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền, Luật Đất đai 2024 (sửa đổi) với những điều khoản mới sẽ tháo gỡ những khó khăn, tồn tại, bất cập của ngành nông nghiệp hiện nay. Hơn nữa, Luật Thủ đô sửa đổi (dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua trong kỳ họp tới) sẽ thúc đẩy việc khai thác hợp lý, hiệu quả nguồn lực từ đất đai cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đó, đáng chú ý là có đề xuất giao Hà Nội quyền khai thác, sử dụng quỹ đất nông nghiệp ở bãi sông để phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp các mô hình tham quan, du lịch, giáo dục trải nghiệm.

Hay là việc Hà Nội được phép chuyển đổi cơ cấu sản xuất trên đất trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cây lâu năm, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và hoạt động sản xuất nông nghiệp khác. Hà Nội cũng sẽ được quyết định việc góp quyền sử dụng đất, cho thuê, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong các trường hợp tập trung đất nông nghiệp để thực hiện sản xuất cũng như xây dựng trên đất nông nghiệp các công trình phụ trợ bán kiên cố phục vụ trực tiếp cho sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung…/.

NB (Theo Báo KT & ĐT)