Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Liên kết sản xuất và tiêu thụ các loại nấm cho nông dân

Trong những năm qua, tại huyện Đức Trọng, nhờ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp nên đã khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho người nông dân, đặc biệt tạo cho người nông dân thêm một nghề trồng nấm sạch sẽ, ko thuốc hóa chất.



Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hồng Ân (Thương hiệu nấm linh chi Gaco và nấm tươi Poco) tại thôn Ninh Hòa, xã Ninh Gia, huyện Đức Trọng do bà Phạm Thị Ân làm giám đốc, có 22 người chính thức và 17 người hợp đồng thời vụ, chuyên sản xuất các loại nấm. Với thương hiệu nấm linh chi Gaco và nấm tươi Poco chuyên sản xuất, liên kết, chế biến và phân phối các sản phẩm nấm linh chi thảo dược, rượu nấm, phôi nấm, nấm tươi, nấm khô và nấm chế biến; gồm các loại nấm bào ngư xám, bào ngư trắng, nấm hương, nấm kim châm, nấm đùi gà, linh chi trắng, linh chi nâu, nấm đông trùng, hồng ngọc, hoàng kim, nataky notaky, nấm mèo...

Khi còn là sinh viên Trường Đại học Nông lâm Huế, bà Phạm Thị Ân đã nghiên cứu, thử nghiệm, phát triển và thành công nhiều loại nấm cùng với các Thầy Cô tại trường.. Đặc biệt, các sản phẩm nấm linh chi trở thành sản phẩm có giá trị cao, tốt cho sức khoẻ và được ưa chuộng trên thị trường, như trà, rượu, bào tử nấm... Hiện nay, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hồng Ân có 2 cơ sở sản xuất nấm tại Lâm Đồng và Bà Rịa - Vũng Tàu chuyên nuôi trồng và liên kết với nhiều hộ nông dân trồng các loại nấm đảm bảo chất lượng, an toàn  cho người sử dụng như không sử dụng hóa chất độc hại, chất bảo quản và kích thích tăng trưởng. Với quy mô diện tích nhà xưởng hơn 1.100 m2 tại Lâm Đồng, 1.000m2 tại Bà Rịa và vùng trồng liên kết 5 ha. Năng lực sản xuất lên tới 4-5 tấn sản phẩm tươi/ngày và 10 - 15 tấn nấm khô/tháng…

Qua trao đổi, bà Phạm Thị Ân cho hay bà đã từng đoạt giải Nhì cuộc thi Khởi Nghiệp tại tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016, Giải Ba Cuộc thi Khởi nghiệp tỉnh Lâm Đồng với Dự án Phát triển chuỗi giá trị cho nấm linh chi Việt Hàn và tạo sinh kế cho Đoàn Thanh niên địa phương; đồng thời, được nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2021 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Trước đó, năm 2018, Dự án Rượu nấm linh chi Gaco được lựa chọn là một trong 17 ý tưởng khởi nghiệp của Tỉnh Đoàn Lâm Đồng. Ngoài ra, Bà Phạm Thị Ân cùng Công ty nhận được rất nhiều bằng khen và chứng nhận khác. Trải qua nhiều khó khăn, vất vả trong quá trình khởi nghiệp, đến nay, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hồng Ân đã từng bước có chỗ đứng trên thị trường và tạo dựng được niềm tin của người tiêu dùng. Doanh thu hiện tại của Công ty vượt 200% so với năm trước với lợi nhuận trung bình đạt 5-10%/tổng doanh thu; giải quyết việc làm cho hơn 37 lao động địa phương. Ngoài ra, bà Phạm Thị Ân cũng hình thành được một chuỗi liên kết cung cấp phôi, hướng dẫn kỹ thuật trồng, thu hoạch và bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân trồng các loại nấm ở xã Ninh Gia và các xã lân cận, với khoảng 50% sản lượng nấm tươi được tiêu thụ ở các siêu thị. Và 50% được tiêu thụ tại các chuỗi nhà hàng và chợ truyền thống

Trong năm 2022 vừa qua, Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hồng Ân được vay 1,6 tỷ đồng của Ngân hàng Chính sách xã hội theo Đề án Thanh niên khởi nghiệp từ chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, nguồn vốn địa phương của tỉnh Lâm Đồng để mở rộng sản xuất, phát triển thêm nhiều sản phẩm nấm mới. Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Hồng Ân cũng thực hiện nhiều chương trình tương tác với cộng đồng để tăng cường quảng bá sản phẩm nấm đến khách hàng xây dựng văn hoá doanh nghiệp như tổ chức cho đối tác, người tiêu dùng, trẻ em đến tham quan quy trình nuôi trồng nấm, thi tay nghề cho công nhân, và nhiều cuộc thi sáng tạo khác… Qua 5 năm thành lập công ty, bà Phạm Thị Ân quê ở Thanh Hóa, học Đại học Nông lâm Huế, nhưng lại quyết tâm lập nghiệp, làm giàu ở vùng đất xã Ninh Gia của tỉnh Lâm Đồng. Bà Phạm Thị Ân chia sẻ: Năm 2017, bà cùng với 3 thành viên mở Công ty Cổ phần Ứng dụng Khoa học công nghệ Sinh học Hồng Ân tại Huế, liên quan đến thuốc trừ sâu và thảo dược, nhưng ở Huế không phải vùng canh tác nông nghiệp. Khi vào Lâm Đồng làm việc ở một Công ty sản xuất rau hữu cơ, bà Phạm Thị Ân lại tiếp tục thực hiện mục tiêu xây dựng được chuỗi giá trị của nấm ở khu vực Lâm Đồng để thay thế cho các ngành nghề nông nghiệp khác như cà phê, chè… để tăng giá trị đất sản xuất, nâng cao thu nhập, tránh độc hại và tạo ra sản phẩm có giá trị hơn.

Nhờ liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nấm cho nông dân nên đầu ra của các mặt hàng nấm cho các hộ liên kết khá ổn định, đem lại hiệu quả kinh tế cho người nông dân; làm ăn có lãi, bà con có điều kiện để đầu tư sản xuất theo hướng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm./.

Bùi Hằng - TTKN Lâm Đồng