Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lào Cai nâng cao giá trị cây chè nguyên liệu

Với các chính sách khuyến khích phát triển, phân vùng nguyên liệu cho doanh nghiệp quản lý, những năm qua, sản xuất chè tại tỉnh Lào Cai thu được nhiều kết quả tích cực. Trồng chè đã mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân.



Tại tỉnh Lào Cai, cây chè đang được quy hoạch tập trung thành từng vùng trọng điểm, tạo thuận lợi cho việc đầu tư sản xuất hàng hóa quy mô lớn, quản lý chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu. Hằng năm, các địa phương đã chủ động tuyên truyền, vận động tổ chức triển khai kế hoạch trồng chè đến các xã và người dân; chuẩn bị cây giống có chất lượng tốt, bảo đảm cung ứng kịp thời cho nhân dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước về sản xuất, kinh doanh giống, vật tư phân bón trong vùng nguyên liệu nhằm xây dựng vùng chè an toàn. Các chính sách hỗ trợ được triển khai kịp thời, hiệu quả, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Các doanh nghiệp thực hiện tốt việc quản lý, phát triển vùng nguyên liệu và bao tiêu sản phẩm chè búp tươi ổn định theo hợp đồng, tạo niềm tin cho các gia đình mở rộng diện tích trồng chè. Một số hộ dân vùng chè huyện Bát Xát, TP Lào Cai còn chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ và đứng ra bao tiêu sản phẩm cho nhân dân trong vùng. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, đến nay diện tích chè tập trung trên địa bàn đạt khoảng 5.400 ha, trong đó chè kinh doanh hơn 3.600 ha, chè kiến thiết cơ bản hơn 1.800 ha; cơ cấu giống chủ lực là chè Shan chiếm 59,3%, chè chất lượng cao chiếm 21%; chè lai chiếm 17,7%. Trong năm 2017, sản lượng thu hoạch đạt 21.640 tấn với giá thu mua chè tươi bình quân 6.500 đến 7.000 đồng/kg, giá trị thu nhập đạt 45 - 50 triệu đồng/ha, tăng hơn cùng kỳ từ 13 - 15 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, việc phát triển vùng chè nguyên liệu ở Lào Cai đang gặp khó khăn do công tác quản lý quy hoạch còn hạn chế; người dân một số địa phương tự ý thay thế trồng cây lâm nghiệp hoặc bỏ không chăm sóc, cho nên diện tích chè bị thu hẹp, việc quản lý chất lượng giống chè một số nơi còn lỏng lẻo, vẫn còn tình trạng sử dụng chè hạt gieo trồng trong vùng chè thâm canh. Việc liên kết trong sản xuất còn lỏng lẻo, một số nơi chưa thành lập được các hợp tác xã ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các doanh nghiệp chế biến; sản phẩm chưa có nơi tiêu thụ ổn định. Dây chuyền thiết bị, công nghệ chế biến chưa đồng bộ, chủ yếu là chế biến chè xanh và bán sản phẩm thô, cho nên giá bán thấp, khó thúc đẩy sản xuất. Việc đăng ký chứng nhận duy trì và mở rộng diện tích sản xuất chè theo VietGAP còn gặp nhiều khó khăn.

Lào Cai phấn đấu đến năm 2020 bảo đảm diện tích trồng chè tập trung đạt khoảng 6.500 ha. Tỉnh sẽ tăng cường công tác quản lý về giống, vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong vùng nguyên liệu; rà soát, quản lý quy hoạch hiệu quả với mục tiêu vùng nguyên liệu được sản xuất theo hướng tập trung; đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất chè, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Chú trọng tuyên truyền đến người dân lợi ích của việc trồng chè; thực hiện tốt liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; tập huấn nâng cao năng lực của người dân trong sản xuất và tiếp cận thông tin thị trường. Các công ty, doanh nghiệp cần có kế hoạch quản lý, phát triển vùng nguyên liệu và thu mua nguyên liệu chè búp tươi cho nông dân; công khai giá bán, chia sẻ hài hòa lợi ích với người trồng chè; đầu tư nâng cấp dây chuyền chế biến sâu sản phẩm chè khô; thay đổi mẫu mã, bao bì đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng; tăng cường công tác quảng bá xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường tiêu thụ./.

NB (Theo Nhân dân)