Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lào Cai: Đẩy mạnh phát triển các chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực và sản phẩm OCOP



Lào Cai là tỉnh miền núi, địa hình chia cắt tạo ra nhiều vùng tiểu khí hậu thuận lợi cho việc phát triển đa dạng các loại nông sản chủ lực, đặc hữu có giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt. Nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng và phát triển các chuỗi sản phẩm chủ lực, phát triển sản phẩm OCOP để phát huy tiềm năng của địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành nhiều chính sách để khuyến khích liên kết phát triển sản xuất tập trung theo chuỗi sản phẩm chủ lực.

Trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có một số doanh nghiệp tổ chức liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, mang lại hiệu quả cao như: liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ chè; liên kết tiêu thụ dược liệu; liên kết sản xuất tiêu thụ rau, hoa và liên kết trong chăn nuôi gia súc, gia cầm...

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xác nhận 72 chuỗi liên kết sản xuất quy mô trên 19.000 ha với các sản phẩm chủ lực như: (1) Cây rau, với tổng diện tích rau các loại 14.168 ha, sản lượng 171.920 tấn. Trong đó diện tích sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao 700 ha, tập trung chủ yếu tại Sa Pa, Bắc Hà, Bảo Thắng, Bát Xát... Doanh thu từ sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao từ 350 - 400 triệu đồng/ha/năm; (2) Cây chè với tổng diện tích 6.500 ha, sản lượng 42.000 tấn, trong đó chè kinh doanh 4.367 ha. Chè phân bổ chủ yếu ở các huyện: Bảo Thắng, Bảo Yên, Mường Khương, Bát Xát, Sa Pa, Bắc Hà, thành phố Lào Cai; (3) Cây quế với tổng diện tích 30.000 ha, tổng sản lượng hàng năm ước đạt hơn 1.000 tấn vỏ quế khô, 11.000 tấn cành, lá quế, 20 tấn hạt quế, 160 tấn tinh dầu quế, 9.210 m3gỗ quế...; (4) Cây dược liệu có diện tích ước đạt 2.365 ha (tính đến hết năm 2020), trồng phổ biến các loại cây chính như: atiso, đương quy, chè dây, xuyên khung, tam thất, y dĩ... tập trung tại các huyện Sa Pa, Bắc Hà, Si Ma Cai, Bát Xát, Mường Khương và Văn Bàn. Tổng sản lượng 8.272 tấn, trong đó, riêng cây atiso chiếm trên 50% sản lượng, lợi nhuận bình quân đạt trên 200 triệu đồng/ha/năm, cá biệt có diện tích như cây tam thất cho lợi nhuận đạt trên 300 triệu đồng/ha; (5) Cây ăn quả ôn đới, duy trì và mở rộng diện tích trồng mới đạt 3.274 ha; (6) Diện tích trồng hoa trên địa bàn tỉnh đạt 310 ha, trong đó diện tích hoa ứng dụng công nghệ cao 215 ha, tập trung tại các huyện: Sa Pa, Bảo Thắng, Bắc Hà và TP Lào Cai, chủng loại hoa chủ yếu là hoa lily, hoa hồng, hoa cúc, hoa huệ...; lợi nhuận đạt 200-300 triệu đồng/ha/năm; (7) Sản phẩm lúa, gạo với tổng diện tích lúa toàn tỉnh 33.734 ha, sản lượng 177.021 tấn; (8) Cá nước lạnh có 96 cơ sở nuôi tập trung tại các huyện vùng cao có điều kiện thuận lợi về nguồn nước, nhiệt độ, khí hậu, gồm: Sa Pa, Bát Xát, Bắc Hà, Mường Khương, Văn Bàn, với sản lượng đạt 500 tấn.

Toàn tỉnh có 63 sản phẩm được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; có 8/9 huyện, thành phố, thị xã triển khai Chương trình OCOP với 93 lượt hồ sơ đăng ký dự thi sản phẩm. Đã có 52 sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó có 19 sản phẩm đã được cấp chứng nhận sở hữu trí tuệ. 01 sản phẩm Chè hữu cơ Bắc Hà định hướng phát triển đạt 5 sao cấp quốc gia; 39 sản phẩm được định hướng phát triển đạt 4 sao cấp tỉnh. Các sản phẩm được phân xếp hạng sao cấp tỉnh trở lên đều được hỗ trợ từ ngân sách địa phương cho in tem nhãn, bao bì sản phẩm và hỗ trợ xúc tiến thương mại thông qua tham gia các hội chợ, triển lãm, giới thiệu sản phẩm và giải thưởng. Tỉnh Lào Cai đã bố trí 01 điểm trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại trung tâm thành phố Lào Cai với diện tích 160 m2...

Kết quả đó bước đầu khẳng định phát triển các chuỗi sản phẩm nông sản chủ lực là hướng đi phù hợp, phát huy được thế mạnh, lợi thế, tiềm năng của tỉnh Lào Cai. Tuy nhiên, số lượng các sản phẩm nông sản được sản xuất theo chuỗi giá trị, sản phẩm được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP còn khiêm tốn so với tiềm năng và điều kiện tự nhiên của tỉnh; quy mô, phạm vi liên kết còn nhỏ. Chưa có chính sách đặc thù và đủ mạnh để khuyến khích, hỗ trợ cho các cơ sở mở rộng quy mô sản xuất, liên kết thành chuỗi nhằm tạo ra các sản phẩm đảm bảo an toàn và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Chất lượng sản phẩm còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của thị trường; chưa có nhiều doanh nghiệp,HTX đầu tư liên kết sản xuất theo chuỗi trong lĩnh vực nông nghiệp tạo đầu tàu, động lực để thu hút người dân vào cuộc.

Để phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh, ngành nông nghiệp Lào Cai xây dựng Đề án phát triển chuỗi giá trị nông sản, sản phẩm OCOP giai đoạn 2021-2025 với mục tiêu phát triển mới 100 chuỗi nông sản an toàn được xác nhận, 50 sản phẩm đặc hữu được chứng nhận chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận; Xây dựng 09 dự án chuỗi sản phẩm chủ lực và 04 mô hình điểm tạo đột phá trong khâu chế biến; Thu hút được thêm 50 doanh nghiệp (trong đó có ít nhất 05 doanh nghiệp lớn đầu tầu) tham gia đầu tư liên kết sản xuất theo chuỗi quy mô trên 30 nghìn ha, giá trị liên kết đạt trên 2.000 tỷ đồng./.

 NT (Theo TTKNQG)