Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lâm Đồng: Trên 200 tỷ đồng hỗ trợ phát triển sản xuất sau dịch bệnh, thiên tai

Lâm Đồng có 369.690 ha đất sản xuất nông nghiệp, trải dài từ độ cao 200-1500m với nhiều vùng tiểu khí hậu khác nhau, là cơ sở hình thành các vùng chuyên canh với nhiều loại nông đặc sản ưu thế so với các vùng khác như: chè, cà phê, dâu tằm, bò sữa, cá nước lạnh, rau, hoa, quả cao cấp có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới.


Vườn điều ở huyện Đạ Huoai được khôi phục sau dịch bọ xít muỗi gây hại năm 2017

Trong những năm gần đây, thiên tai, dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp gây thiệt hại và ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất của người dân điển hình như: mưa lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, lốc xoáy, mưa đá, sét, sương muối, bọ xít muỗi trên điều, bệnh Dịch tả lợn Châu phi,... Trong bối cảnh đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp và PTNT đã có những chủ trương, giải pháp quyết liệt, kịp thời hỗ trợ người dân trong khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh gây ra, ổn định sản xuất của người dân. Từ năm 2017 đến nay Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành trên 100 văn bản các loại, hỗ trợ người dân ổn định, phát triển sản xuất trên 82 tỷ đồng và hỗ trợ các hộ chăn nuôi hơn 124 tỷ đồng. Cụ thể:

Về hỗ trợ thiệt hại do thiên tai

Trong các năm từ 2017 đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã tiến hành rà soát, tổng hợp và tham mưu đề xuất UBND tỉnh phân bổ kinh phí từ nguồn Quỹ phòng chống thiên tai để hỗ trợ khôi phục sản xuất nông nghiệp cho 3.999,28 ha cây trồng; 164 con gia súc; 6.795 con gia cầm; 117 ha thuỷ sản; 95,15 ha nhà kính, nhà lưới bị ảnh hưởng do thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh với tổng kinh phí hỗ trợ là 10.364,56 triệu đồng.

Về hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh trên cây trồng

Trong năm 2017, dịch bọ xít muỗi hại điều tại 3 huyện phía Nam bùng phát gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông dân trồng điều. Sở Nông nghiệp và PTNT đã tham mưu cho UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành Quyết định công bố dịch và phê duyệt phương án phòng chống dịch bọ xít muỗi hại điều tại 3 huyện phía Nam; Đồng thời tham mưu các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thống kê thiệt hại trên cây điều tại các địa phương và đề nghị hỗ trợ thiệt hại tại 3 huyện phía Nam: 26.250,53 ha gồm điều trồng trên đất nông nghiệp 19.969,35 ha; điều trồng trên đất lâm nghiệp 8.633,8 ha trong đó 25.100,2 ha thiệt hại >70%; 962,38ha thiệt hại 30 - 70%; 187,95 ha thiệt hại <30%) tổng kinh phí hỗ trợ là 71.576 triệu đồng.

 

 

Về hỗ trợ thiệt hại do dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Từ năm 2017 đến nay đã có 3.910 con lợn và 368 con trâu bò mắc bệnh Lở mồm long móng (chết và tiêu huỷ 2.014 con lợn; 01 con bò); 8.420 gia cầm nhiễm virut cúm gia cầm A-H5N6 và A-H5N1 (chết và tiêu huỷ toàn bộ). Riêng đối với Dịch tả lợn Châu phi xảy ra trên địa bàn tỉnh từ tháng 6/2019 đến hết năm 2020 đã làm 71.348 con lợn mắc bệnh và tiêu hủy, trọng lượng tiêu hủy 4.550.454kg. Do đây là một loại dịch bệnh mới, chưa có vắc xin điều trị, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các giải pháp phòng chống kiểm soát, dịch bệnh và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố dịch trên địa bàn tỉnh và nhiều văn bản chỉ đạo trong công tác triển khai, phòng chống dịch bệnh tại các địa phương. Đồng thời phối hợp với Sở Tài chính và các địa phương rà soát thống kê, báo cáo đề xuất UBND tỉnh phê duyệt các chính sách, đối tượng, mức hỗ trợ kinh phí cho người dân bị thiệt hại với tổng kinh phí hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi thuộc đối tượng là 124.287,126 triệu đồng (hỗ trợ cho 69.463 con lợn bị chết và tiêu huỷ với tổng trọng lượng 4.488.876 kg) và triển khai kế hoạch tăng đàn, tái đàn để phục hồi sản xuất và tạo nguồn cung ứng thực phẩm cho người dân trên địa bàn toàn tỉnh.

Có thể nói, trong bối cảnh hiện nay tình hình thời tiết cực đoan thường xuyên diễn ra và có nhiều diễn biến phức tạp. Do đó, việc tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai cho người dân là hết sức quan trọng. Cần tạo sự thống nhất trong các cấp ủy, chính quyền và nhân dân cả về nhận thức và hành động nhằm kịp thời khôi phục, phát triển sản xuất đảm bảo đúng khung lịch thời vụ, khuyến khích người dân, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp nhận diện sâu hơn về tác động của thiên tai và biến đổi khí hậu hướng đến xây dựng nền nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong thời gian tới./.

Văn Phương - Chi cục PTNT Lâm Đồng