Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lâm Đồng: Phát triển thị trường nông sản gắn với phát triển sản phẩm OCOP

Nhằm triển khai các giải pháp phát triển thị trường nông sản, sản phẩm OCOP của tỉnh phù hợp với trạng thái bình thường mới, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người sản xuất, Ban Chỉ đạo Xúc tiến thị trường nông sản gắn với phát triển sản phẩm OCOP tỉnh Lâm Đồng đã ban hành kế hoạch “Phát triển thị trường nông sản gắn với phát triển sản phẩm OCOP” năm 2022, cụ thể:



Thứ nhất, tổ chức sản xuất nông nghiệp thành vùng hàng hóa lớn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho nông sản của tỉnh.

Hỗ trợ các thủ tục liên quan, đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói… đối với các nông sản như sầu riêng, chuối, bơ, măng cụt.

Tăng cường hỗ trợ các Hợp tác xã, hộ sản xuất áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, các tiêu chuẩn quốc tế (GlobalGAP, 4C, UTZ, Halal, Oganic...); đồng thời, thường xuyên kiểm soát chất lượng nhằm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm…

Nghiên cứu, xây dựng các kế hoạch rải vụ cây ăn quả chủ lực (sầu riêng, bơ) thích ứng với biến đổi khí hậu và điều tiết tổ chức sản xuất…

Thứ hai, phát triển sơ chế, chế biến gắn với xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản và sản phẩm OCOP của tỉnh.

Các ngành, các đơn vị liên quan đẩy mạnh phát triển công nghệ sau thu hoạch, sơ chế nông sản, ứng dụng các công nghệ tiên tiến để giảm thiểu tối đa tổn thất sau thu hoạch và kéo dài thời gian sử dụng (hoa tươi cắt cành, rau, trái cây)…

Tiếp tục hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; trong năm 2022 phát triển mới 20 chuỗi liên kết gắn sản sản xuất với chế biến và tiêu thụ, tập trung vào các sản phẩm như rau, hoa cắt cành, trái cây (sầu riêng, chuối, bơ). Nhân rộng các mô hình trung tâm sau thu hoạch…

Đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp, tổ chức đầu tư vào chế biến, bảo quản nông sản.

Thực hiện tốt chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) kết hợp đẩy mạnh phát triển thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm gắn với hoạt động quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc; khai thác, sử dụng có hiệu quả thương hiệu “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.

Thứ ba, triển khai các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Nhân rộng các điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Phát triển thương mại điện tử: Hỗ trợ để các mặt hàng nông sản và sản phẩm OCOP 5 sao của tỉnh được bán trực tuyến qua các phần mềm bán hàng điện tử như Lazada, Shopee, Alibaba... Xây dựng và vận hành thử nghiệm trang thương mại điện tử nông sản tỉnh Lâm Đồng.

Tổ chức triển lãm sản phẩm OCOP tại phiên chợ Rau, hoa trong khuôn khổ Festival Hoa Đà Lạt để xúc tiến thương mại nông sản và sản phẩm OCOP.

Tham gia hội chợ, triển lãm nông sản và sản phẩm OCOP của tỉnh, các Hội nghị kết nối giao thương giữa các vùng, miền. Tổ chức Tuần hàng nông sản Lâm Đồng tại các tỉnh, thành phố.

Tiếp tục triển khai và mở rộng các hoạt động hợp tác liên kết trong lĩnh vực nông nghiệp với các tỉnh, thành phố trong cả nước...

Tô chức các đoàn xúc tiến thương mại làm việc với các doanh nghiệp lớn trong nước để mở rộng thị trường tiêu thụ cho nông sản Lâm Đồng; chỉ đạo thực hiện các hoạt động xúc tiến xuất khẩu phù hợp với từng thị trường, khai thác lợi thế của các hiệp định thương mại mà Việt Nam vừa ký kết…

Đẩy mạnh việc thực hiện Kế hoạch “Phát triển thị trường nông sản gắn với phát triển sản phẩm OCOP năm 2022” nhằm đẩy mạnh hoạt động liên kết giữa sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ các sản phẩm nông sản để nâng cao giá trị gia tăng, thúc đẩy sản xuất, lưu thông, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản, tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng gắn với đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19./.

Văn Thọ - TTKN Lâm Đồng