Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lâm Đồng: Phát triển 2.000 ha dược liệu đến năm 2025

Hiện nay, nhu cầu sử dụng dược liệu tự nhiên cung cấp cho ngành công nghiệp dược và y dược học cổ truyền trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng và cả nước ngày càng tăng. Tuy nhiên, nguồn dược liệu tự nhiên đang ngày một cạn kiệt, trữ lượng ngày càng giảm do chưa có kế hoạch nuôi trồng, khai thác và bảo tồn hợp lý. Bên cạnh đó, việc trồng và chế biến cây dược liệu còn gặp nhiều khó khăn do mức đầu tư khá lớn, thời gian đầu tư thường dài hơn một số cây rau màu ngắn ngày; sản xuất cây dược liệu còn mang tính tự phát, thiếu tính bền vững, chưa có quy hoạch, thiếu đầu tư đúng mức về nguồn vốn, khoa học kỹ thuật và khả năng tiếp cận thị trường.



Với lợi thế về địa hình, khí hậu, Lâm Đồng có diện tích rừng khoảng 539 ngàn ha và hơn 300 ngàn ha đất canh tác nông nghiệp được phân bố theo các tiểu vùng khí hậu đặc trưng - là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển các chủng loại dược liệu có giá trị dược tính cao. Tuy nhiên, trong những năm qua, diện tích trồng dược liệu trên địa bàn tỉnh còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, một số sản phẩm chưa đáp ứng được nhu cầu chế biến của các công ty và tiêu thụ của bệnh viện y học cổ truyền cũng như các nhà thuốc đông y của tỉnh. Hiện tại, một số nguyên liệu còn phải nhập khẩu với chi phí lớn, không ổn định…

Do đó, việc triển khai Đề án “Phát triển sản xuất, chế biến gắn với tiêu thụ dược liệu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2022 - 2025” nhằm phát triển ngành hàng dược liệu một cách toàn diện, khai thác tối đa tiềm năng lợi thế của tỉnh để nâng cao hiệu quả sản xuất, từ đó góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Theo đó, Đề án tập trung thực hiện các nội dung, cụ thể:

Bảo tồn, khai thác bền vững nguồn dược liệu tự nhiên: Khoanh vùng bảo vệ các loại cây thuốc quý, hiếm, nằm trong danh mục cần bảo vệ trong vùng rừng đặc dụng, Vườn quốc gia; bảo tồn và trồng bổ sung khoảng 20 loại dược liệu tại 07 vùng sinh thái với quy mô 7.500 ha. Bảo tồn ngoại vi khoảng 08 giống dược liệu làm vật liệu phục vụ cho công tác chọn giống, trồng bổ sung tại các khu vực bảo tồn và kinh doanh giống thương mại, quy mô khoảng 03 ha.

Phát triển dược liệu dưới tán rừng: Phát triển 1.000 ha dược liệu trồng dưới tán rừng với sản lượng khoảng 650 tấn; hình thức trồng dưới tán và trồng xen kẽ tại các quỹ đất trống nhỏ lẻ, manh mún trong rừng, chân đồi, ven sông suối thuộc quỹ đất lâm nghiệp. Bên cạnh đó, tập trung phát triển khoảng 1.000 ha dược liệu trồng trên đất nông nghiệp (trồng thuần 762 ha, trồng xen 238 ha), nâng tổng diện tích trồng dược liệu trên đất nông nghiệp đến năm 2025 đạt 1.000 ha, sản lượng đạt trên 27.000 tấn (tăng gấp đôi so với năm 2020).

Nâng cao năng lực sản xuất giống dược liệu: Tổ chức nghiên cứu, sản xuất giống gốc dược liệu, nhập nội sản xuất giống thương phẩm, ưu tiên các loài cây dược liệu chính đã phát triển có đầu ra ổn định hoặc có giá trị và các loài có triển vọng phát triển tại các địa phương trong tỉnh, được các công ty liên kết sản xuất, thu mua ổn định cho các hộ dân. Thực hiện di thực một số loại dược liệu có giá trị kinh tế cao từ các địa phương trong nước, kết hợp nghiên cứu, thử nghiệm sản xuất giống dược liệu mới để đa dạng hóa nguồn giống dược liệu phục vụ sản xuất của tỉnh; khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất giống.

Xây dựng và ban hành các quy trình sản xuất giống, công bố tiêu chuẩn chất lượng giống kết hợp thực hiện tốt công tác kiểm tra, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh giống dược liệu nhằm đảm bảo chất lượng và số lượng nguồn cung ứng giống dược liệu phục vụ nhu phát triển sản xuất dược liệu trên địa bàn tỉnh.

 Chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất dược liệu: Xây dựng, hoàn thiện 15 quy trình trồng dược liệu phù hợp với từng vùng và chuyển giao kỹ thuật canh tác cho người dân (bao gồm các quy trình trồng tập trung trên đất nông nghiệp, trồng xen trong vườn cây công nghiệp, cây ăn quả, trồng dưới tán rừng, trồng công nghệ cao...). Nhân rộng diện tích canh tác dược liệu thông qua việc thực hiện các mô hình điểm để chuyển giao (ưu tiên thực hiện các mô hình phát triển các giống dược liệu mới, trồng dưới tán rừng, các mô hình trồng xen trong vườn cây công nghiệp, cây ăn quả, các mô hình di thực các giống dược liệu ở một số địa phương khác trong cả nước); sử dụng các giống dược liệu chất lượng cao để phát triển các vùng trồng gắn với liên kết sản xuất tiêu thụ bền vững. Tổ chức đào tạo tập huấn cho các doanh nghiệp, Hợp tác xã và nông dân về các quy định trong nuôi trồng, thu hái khai thác dược liệu tự nhiên, các quy trình sản xuất, thu hái, sơ chế, bảo quản đảm bảo chất lượng sản phẩm.

Phát triển chế biến dược liệu: Thu hút đầu tư, thực hiện sơ chế đối với các dược liệu có sản lượng lớn, để cung cấp nguyên liệu đạt chất lượng cho các nhà máy chế biến dược liệu đông y, tây y trong tỉnh hoặc trên cả nước, từng bước thay thế các nguồn nguyên liệu nhập khẩu (các loại sâm, đương quy, nấm linh chi, cỏ ngọt...). Tập trung chế biến tinh các sản phẩm dược liệu đặc hữu của tỉnh có hàm lượng dược tính cao để khuyến khích nghiên cứu, phát triển thành các sản phẩm dược liệu cao cấp (sản phẩm chức năng phục vụ chăm sóc sức khỏe, làm đẹp từ actiso, nấm đông trùng hạ thảo, linh chi đỏ, đẳng sâm, thông đỏ, sâm ngọc linh, nghệ đen)….

Xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường: Phát triển, hình thành các chuỗi liên kết giữa nông dân trồng dược liệu với các doanh nghiệp, Hợp tác xã thu mua, sơ chế, chế biến dược liệu; mỗi loại dược liệu tiềm năng quy mô từ 30 ha trở lên đều có tối thiểu một chuỗi liên kết, đảm bảo đầu ra cho người sản xuất; đến năm 2025, toàn tỉnh có thêm tối thiểu 10 chuỗi liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ, trên 70% sản lượng dược liệu được tiêu thụ qua chuỗi liên kết…

Với mục tiêu phát triển diện tích sản xuất dược liệu toàn tỉnh Lâm Đồng đến năm 2025 đạt 2.000 ha, diện tích sản xuất, thu hái dược liệu được chứng nhận GACP chiếm 50% và nâng giá trị sản xuất bình quân dược liệu đạt khoảng 800 - 850 triệu đồng/ha. Qua đó, thúc đẩy ngành dược liệu phát triển một cách bền vững, tăng giá trị, tương xứng với tiềm năng, lợi thế về điều kiện đất đai, khí hậu của địa phương, đóng góp khoảng 2 - 3% trong giá trị sản xuất ngành trồng trọt. Đồng thời, nâng cao hiệu quả kinh tế rừng, góp phần đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, hướng tới nền nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại trong thời gian tới./.

Văn Thọ - TTKN Lâm Đồng