Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lâm Đồng: Kết quả phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh theo Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy

Việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại giai đoạn 2015-2020 và định hướng đến năm 2030 diễn ra trong bối cảnh ngành nông nghiệp cả nước tập trung tái cơ cấu ngành theo Quyết định số 899/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với nhiều chủ trương, chính sách mới mang tính đột phá.



Cùng với đó, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đang phát triển mạnh mẽ theo hướng ứng dụng công nghệ cao với nhiều chương trình, dự án được triển khai thực hiện, nhiều mô hình thành công từ thực tiễn, tạo động lực để bà con nông dân đẩy mạnh đầu tư phát triển sản xuất theo chủ trương của tỉnh.

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015-2020 xác định lấy công nghệ cao và du lịch canh nông làm khâu đột phá. Đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao theo hướng đồng bộ, hiện đại, ứng dụng công nghệ thông minh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng năng suất lao động, hướng tới phát triển toàn diện, bền vững.

Hoạt động nghiên cứu, chuyển giao khoa học kỹ thuật tiếp tục được nhà nước, các cơ đơn vị nghiên cứu và doanh nghiệp quan tâm thực hiện. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động tìm hiểu nhập khẩu, sản xuất thử nghiệm và nhân rộng trong sản xuất, đặc biệt là công nghệ của các nước Isarel, Pháp, Hà Lan, các nước Châu Âu, Thái Lan, Nhật Bản... Hàng năm, tỉnh Lâm Đồng thường dành khoảng 80% kinh phí thực hiện các nhiệm vụ khoa học đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp... Thông qua việc thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nhiều công nghệ mới, hiện đại được mạnh dạn đầu tư đưa vào sản xuất, diện tích ứng dụng công nghệ cao phát triển mạnh, không chỉ tập trung ở các huyện trọng điểm mà phát triển tới cả các vùng sâu, vùng xa, vùng Đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS), nhiều loại hình công nghệ đã được ứng dụng rộng rãi trong toàn tỉnh và ngày càng có nhiều hộ nông dân đầu tư đồng bộ các loại hình công nghệ. Trong 05 năm qua, việc triển khai thực hiện đã đạt được những kết quả cụ thể:

Diện tích sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) đạt 60.200 ha, tăng 17.116 ha so với năm 2015, chiếm 20% diện tích canh tác. Hình thành được 19 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và đã có 02 vùng được công nhận đạt tiêu chí sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 308 ha (tại Làng hoa Thái Phiên và Làng hoa Vạn Thành, thành phố Đà Lạt).

Đối tượng ứng dụng công nghệ cao ngày càng mở rộng. Toàn tỉnh hiện có 12 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp NNCNC với quy mô canh tác trên 286,8 ha chủ yếu là rau, hoa và khoảng 3.200 bò sữa; 31 HTX, 59 trang trại sản xuất NNCNC, 154/253 doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư sản xuất NNCNC, 5 doanh nghiệp được chứng nhận canh tác hữu cơ và 15 doanh nghiệp và trang trại ứng dụng công nghệ thông minh sử dụng hệ thống cảm biến kết nối vạn vật (IoT). Đặc biệt, trên địa bàn Đà Lạt và vùng phụ cận, nhiều hộ ĐBDTTS cũng đã đầu tư các công nghệ cao như nhà kính nhà lưới, hệ thống tưới, biện pháp canh tác an toàn...

Mức độ ứng dụng công nghệ ngày càng phát triển. Cuộc cách mạng khoa học 4.0 đã có tác động lớn đến sản xuất, hầu hết các công nghệ sản xuất hiện đại đều đã được ứng dụng trong sản xuất với các mức độ khác nhau phù hợp với điều kiện canh tác vùng. Ngoài các công nghệ đã được áp dụng rộng rãi trong sản xuất như nhà kính, nhà lưới, tưới tự động...; các công nghệ mới như canh tác thủy canh, khí canh (50 ha), sản xuất trên giá thể (210 ha), công nghệ IOT (215 ha), nông nghiệp hữu cơ (14,4 ha) đã từng bước được ứng dụng trong sản xuất. Trong sản xuất giống công nghệ nuôi cấy đỉnh sinh trưởng, nuôi cấy mô thực vật cũng được ứng dụng rộng rãi với 51 cơ sở, sản lượng 45 triệu cây giống các loại phục vụ sản xuất trong nước và xuất khẩu. Cùng với đó, tỷ lệ thuốc bảo vệ thực vật có gốc sinh học chiếm khoảng 15% lượng thuốc sử dụng trong canh tác, ngoài ra một số doanh nghiệp đã sử dụng các loại thiên địch trong phòng trừ sâu hại; Các công nghệ phân loại, bảo quản sản phẩm hiện đại cũng đã được nhập khẩu, áp dụng trong sản xuất...

Với những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới tỉnh Lâm Đồng sẽ tập trung hỗ trợ các địa phương trong tỉnh khảo sát, xây dựng hồ sơ đề nghị công nhận vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNUDCNC); Thẩm định, đánh giá các tiêu chí vùng sản xuất hoặc doanh nghiệp NNUDCNC; Xây dựng các bộ tiêu chí nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đối với sản xuất giống và trồng trọt, chăn nuôi một số đối tượng cây trồng vật nuôi chủ lực; Tập huấn chuyển giao công nghệ IoT và xây dựng các mô hình ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh; Ứng dụng công nghệ cao trong ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, dịch bệnh (hỗ trợ lắp đặt hệ thống cảm biến theo dõi tiểu khí hậu tại các vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sản xuất chè, cà phê, sầu riêng; Hệ thống giám sát, cảnh báo sương muối tại huyện Lạc Dương; Xây dựng trạm giám sát côn trùng thông minh tại 02 vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao Đạ Tẻh và Cát Tiên)… Đồng thời, hợp tác liên kết với các tỉnh về phát triển nông nghiệp công nghệ cao nhằm trao đổi các kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh vào thực tế sản xuất. Từ đó, nhằm mục tiêu đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh theo hướng toàn diện, bền vững và hiện đại phù hợp với lợi thế từng vùng, từng loại sản phẩm; nâng cao giá trị và tăng sức cạnh tranh của nông sản Lâm Đồng trên thị trường trong và ngoài nước thông qua việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ, xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản./.

Văn Thọ - TTKN Lâm Đồng