Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lâm Đồng: Chuyển đổi số trong nông nghiệp

Việt Nam là một nước nông nghiệp với khu vực nông thôn hiện nay đang chiếm tỷ lệ lớn cả về dân cư, số hộ và số lao động. Với mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém hiệu quả và thiếu liên kết chuỗi giá trị vẫn luôn tồn tại của nền nông nghiệp nước ta trong suốt nhiều thập kỷ.



Trong những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ cao vào lĩnh vực nông nghiệp đã được tăng cường đầu tư tại các tỉnh, thành trong cả nước. Vì vậy, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp. Đây là hoạt động đồng hành cùng Chính phủ để đạt được các mục tiêu đề ra của Chương trình chuyển đổi số quốc gia trong bối cảnh thực hiện công nghệ 4.0. Do đó, để thúc đẩy sản xuất hàng hóa nông nghiệp và mở ra cơ hội phát triển nhanh, bền vững thì việc chuyển đổi số trong ngành nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng có ý nghĩa quan trọng với sự đóng góp của các Sở ban ngành chức năng, các nhà khoa học, doanh nghiệp và người nông dân.

Trong thời gian gần đây, Lâm Đồng đã thực hiện các giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể:

Ứng dụng công nghệ số trong trồng trọt và bảo vệ thực vật

Ứng dụng công nghệ IOT trong canh tác cây trồng, qua đó giúp điều khiển tự động, tiết kiệm lượng nước tưới, giảm lượng phân bón, giảm công lao động và tăng năng suất chất lượng cây trồng.

Toàn tỉnh hiện có 268,98 ha (179,43 hoa; 10 ha chè; rau 79,35 ha; dâu tây 0,2 ha) được gắn hệ thống cảm biến tự động nhiệt độ, độ ẩm, CO2, quản lý dinh dưỡng thông minh. Thông qua hệ thống cảm biến, người điều hành có được các thông tin chính xác nhất về điều kiện sản xuất (pH, độ ẩm, nhiệt độ, dinh dưỡng) để giám sát và điều khiển việc tưới tiêu, châm phân; lưới cắt nắng, mở mái nhà kính,... bằng hệ thống mạng cảm biến, giúp cây trồng sinh trưởng tối ưu, giảm thiểu lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trong canh tác cây trồng, giảm nhân công lao động cho các doanh nghiệp, HTX. Hiệu quả kinh tế trong canh tác cây trồng được nâng cao, sản xuất cây trồng được hiện đại hóa thông minh.

Sử dụng hệ thống cảm biến giám sát theo dõi cảnh báo sương muối, thời tiết bất lợi gây hại cây cà phê tại huyện Lạc Dương và giám sát côn trùng thông minh cho vùng sản xuất lúa tại huyện Đạ Tẻh, Cát Tiên. Ứng dụng phần mềm PPDMS trong công tác điều tra, dự tính dự báo sâu bệnh định kỳ (tuần/lần) từ huyện đến tỉnh. Ứng dụng công nghệ GIS trong quản lý và dự tính dự báo dịch hại trên cây dâu tây trên địa bàn thành phố Đà Lạt…

Hỗ trợ hoạt động sản xuất chăn nuôi, thú y và thủy sản

Xây dựng bản đồ số dịch tễ để quản lý bệnh lở mồm long móng trên đàn gia súc. Ứng dụng một số phần mềm trong quản lý như: Phần mềm hệ thống thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (VAHIS) để quản lý dịch bệnh động vật trên cạn và thủy sản; Phần mềm “Cơ sở dữ liệu giống và thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản” phục vụ quản lý nhà nước về thủy sản.

Trong chăn nuôi bò sữa (Công ty Vinamilk, Dalatmilk, Công ty Cổ phần bò Kobe Việt Nam) ứng dụng công nghệ cho các hoạt động như: Điều khiển hệ thống máng uống tự động; Điều khiển hệ thống quạt tự động dựa vào cảm ứng nhiệt độ và độ ẩm chuồng nuôi; Sử dụng hệ thống cào phân tự động, công nghệ xử lý phân, nước thải tiên tiến, sử dụng máy liên hợp, phối trộn khẩu phần thức ăn hoàn chỉnh theo phương pháp TMR; Sử dụng robot đẩy thức ăn tự động tại trại chăn nuôi bò sữa; Thực hiện gắn chíp điện tử để theo dõi tình trạng ăn uống, nghỉ ngơi và sức khỏe, bệnh tật, theo dõi phát hiện động dục và sản lượng sữa của bò, hệ thống massa tự động, nghe nhạc để kích thích tăng năng suất sữa.

Trong chăn nuôi lợn, gà: Ứng dụng phần mềm quản lý đàn lợn nái có gắn chíp, quét mã vạch để quản lý về tình hình sinh sản, lượng thức ăn, nước uống hàng ngày, nhiệt độ ẩm độ chuồng nuôi, dịch bệnh,...

Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm nông lâm sản

Hiện nay, Lâm Đồng đã có 96 doanh nghiệp, Hợp tác xã sử dụng phần mềm, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản về các thông tin: Nơi sản xuất, nhà sản xuất, tên loại nông sản, giá cả và ngày, tháng thu hoạch... Hoạt động này giúp tránh được tình trạng hàng giả, hàng nhái kém chất lượng trà trộn trên thị trường. Sử dụng mã QR code truy xuất nguồn gốc nhằm nâng cao kiến thức, ý thức, trách nhiệm của người dân trong quá trình sản xuất, tạo ra sản phẩm an toàn phục vụ người tiêu dùng…

Ngoài việc ứng dụng chuyển đổi số trên các lĩnh vực ở trên đã đạt được một số hiệu quả thiết thực, hiện tại Lâm Đồng cũng đang triển khai chuyển đổi số trong việc quảng bá và giao dịch điện tử sản phẩm nông lâm sản (sàn giao dịch thương mại điện tử); Hỗ trợ thực hiện các hoạt động dự báo cảnh báo mưa, lũ và giám sát hồ chứa phục vụ sản xuất nông nghiệp; Ứng dụng công nghệ số trong quản lý bảo vệ và giám sát tài nguyên rừng…

Việc chuyển đổi số trong nông nghiệp tại Lâm Đồng trong điều kiện ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, xuất khẩu nông sản của tỉnh Lâm Đồng cùng với cả nước bị ảnh hưởng lớn, những thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, EU, Mỹ bị tác động lớn; đồng thời biến đổi khí hậu cực đoan cũng tác động lớn cho nông dân, doanh nghiệp trong tỉnh khi sản xuất nông nghiệp mà thiếu kết nối ứng dụng công nghệ số. Vì vậy, trong thời gian tới, để chuyển đổi số thành công cần phải cùng nhau hợp tác, kết nối giữa các cơ quan đơn vị quản lý, doanh nghiệp và người nông dân để chia sẻ, gắn chặt với thương mại số. Không thể có doanh nghiệp chuyển đổi số nông nghiệp thành công nếu không có nông dân số. Các doanh nghiệp trong chuỗi liên kết số phải thực hiện vai trò là người đặt hàng thiết lập các ứng dụng số (apps) cần thiết cho chuỗi của mình, tạo lập liên kết thông minh, bền vững với nông dân. Do đó, để thực hiện chuyển đổi số nông nghiệp cần tăng cường triển khai mô hình liên kết công tư gắn với chuỗi giá trị sản phẩm bền vững được quản lý, tổ chức sản xuất tiêu thụ và được giám sát bằng công nghệ số. Phấn đấu đến năm 2025, ngành nông nghiệp đóng góp chung cùng các ngành khác hoàn thành nhiệm vụ chung chuyển đổi số để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số, đạt được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Lâm Đồng./.

Văn Thọ - TTKN Lâm Đồng