Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lâm Đồng - Hướng đến một nền chăn nuôi tiên tiến

Trước đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường, nhất là trong việc phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, bà con nông dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tăng cường đầu tư chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Đây là một trong những mục tiêu quan trọng mà một nền nông nghiệp tiên tiến đặt ra.



Lâm Đồng là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo, gà phát triển theo hướng hàng hóa. Trước đòi hỏi ngày càng khắt khe của thị trường, người chăn nuôi Lâm Đồng đã có những đổi mới trong tổ chức sản xuất: Ưu tiên chăn nuôi tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao được mở rộng... Chung sức cùng nhà nông thực hiện những đổi mới đó, nhiều doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực chăn nuôi của cả nước như công ty Cổ phần Chăn nuôi CP, Japfa, Emivest, Bel Gà... đã liên kết với bà con nông dân chăn nuôi gia công theo quy trình an toàn sinh học.

Với hình thức liên kết làm ăn các bên cùng có lợi, các nông hộ được doanh nghiệp hỗ trợ về mặt thông tin thị trường, nguồn giống chất lượng, kỹ thuật chăn nuôi tiên tiến, vaccin phòng bệnh và quan trọng là đầu ra sản phẩm được đảm bảo… Về phần doanh nghiệp, nhờ các nông hộ triển khai hiệu quả các giải pháp chăn nuôi tiên tiến, kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học đã được chuyển giao, nên doanh nghiệp luôn có một lượng sản phẩm đủ lớn với chất lượng ổn định cung ứng cho thị trường. Thống kê, toàn tỉnh có gần 500 trang trại chăn nuôi. Trong đó, có gần 150 trang trại heo, gà đầu tư theo hướng an toàn sinh học, 06 chuỗi liên kết chăn nuôi, trong đó có 04 chuỗi VietGAHP đã được hình thành.

Gia đình anh Âu Khoa Đăng ở xã Phú Hội, huyện Đức Trọng cho biết: Gia đình anh sống bằng nghề chăn nuôi từ nhiều năm qua. Bình quân mỗi năm, hàng trăm ngàn con gia súc, gia cầm được gia đình anh Đăng liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi tiên tiến, cộng với kinh nghiệm thực tiễn, lại được hỗ trợ về nhiều mặt của doanh nghiệp liên kết, nên dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả, góp phần giúp chủ trang trại có thu nhập ổn định hàng tỷ đồng mỗi năm.

Hiện nay, chăn nuôi an toàn sinh học đang là hướng đầu tư mang lại hiệu quả khả quan nên được nhiều nông hộ trong tỉnh tập trung phát triển. Để tiếp thêm lực cho người chăn nuôi Lâm Đồng, ngành nông nghiệp địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền, cung cấp thông tin liên quan và khuyến khích bà con tham gia các hình thức liên kết để vừa có đầu ra ổn định, vừa kịp thời cập nhật những thông tin cần thiết để có kế hoạch đầu tư, phát triển hợp lý…

Chính những hỗ trợ của cơ quan chức năng và sự đổi mới trong đầu tư chăn nuôi của các nông hộ ở các địa phương thời gian qua đã góp phần rất lớn giúp ngành chăn nuôi Lâm Đồng đạt được một số thành quả rất đáng khích lệ: Chỉ tính riêng năm 2020, đàn heo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đạt gần 480.000 con, đàn gia cầm: trên 10 triệu con, tăng lần lượt là 8,1% và 3,65% so với năm trước. Trong bối cảnh ngành chăn nuôi của cả nước phải đối mặt với dịch bệnh bùng phát và gây hại tại nhiều địa phương, thì những con số nói trên là hết sức có ý nghĩa, đáp ứng những đòi hỏi mà một nền chăn nuôi tiên tiến đặt ra: hiệu quả kinh tế khả quan, phòng chống dịch bệnh và môi trường chăn nuôi đảm bảo./.

Bùi Hằng - TTKN Lâm Đồng