Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Lạc Dương: Định hướng sản xuất nông nghiệp không hóa chất

Với tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, tài nguyên đất đai, nguồn nước, nguồn nhân lực, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng là địa phương phù hợp cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhất là những loại nông sản đặc sản có ưu thế như rau, hoa cao cấp có nguồn gốc ôn đới và á nhiệt đới.



Đến nay toàn huyện đã có 738 ha sản xuất trong nhà kính; thu nhập bình quân trên một đơn vị diện tích canh tác đạt 225 triệu đồng, trong đó diện tích trồng rau trong nhà kính đạt từ 500 đến 800 triệu/ha/năm; diện tích trồng hoa ước đạt từ 800 đến 1 tỷ đồng/ha/năm, trong đó nhiều mô hình hoa lily cho thu nhập đến 2 tỷ đồng/ha/năm. Trên địa bàn huyện có 04 khu và 01 vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, trong đó có 01 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao quốc gia được Thủ tướng phê duyệt đó là khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Lâm Đồng tại xã Đạ Sar với quy mô 221,32 ha. Hiện nay toàn huyện đã thu hút hơn 28 doanh nghiệp, 04 hợp tác xã, 02 trang trại đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó một số doanh nghiệp đang triển khai sản xuất có hiệu quả như: Trồng rau thủy canh của Công ty TNHH Rừng Hoa Bạch Cúc; Công ty TNHH Đà Lat GAP; Công ty TNHH trang trại Trường Phúc; trồng dâu tây công nghệ cao của công ty TNHH KBil VINA, Công ty TNHH Hoa Thắng Thịnh, Công ty TNHH nông trại Sam Gông; trồng rau, củ, quả của Công ty TNHH nông trại Kiến Huy, Công ty Vin Eco…Tuy nhiên, ngành Nông nghiệp huyện Lạc Dương cũng đang đứng trước những thách thức không nhỏ như: ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, bùng phát sâu bệnh do sử dụng quá nhiều hóa chất trong canh tác, phá hủy hệ sinh thái… Nguyên nhân chính là do người nông dân lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hóa học trong nông nghiệp.

Trung bình mỗi năm huyện Lạc Dương sản xuất gần 2 ngàn ha rau, hoa các loại, trong đó rất ít diện tích được sản xuất theo hướng an toàn. Để giúp người dân sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật, hàng năm các cơ quan chuyên môn của huyện đều tổ chức các lớp hướng dẫn, hội thảo đầu bờ ngay tại cơ sở. Tuy nhiên, trên thực tế rất ít nông dân trồng rau tuân thủ những kỹ thuật đã được hướng dẫn. Nhiều nông dân cho biết, sản xuất bất kỳ một loại rau, hoa nào từ khi xuống giống cho đến khi thu hoạch, phải sử dụng ít nhất từ 4 đến 5 loại thuốc bảo vệ thực vật và phun rất nhiều lần để diệt cỏ và rất nhiều loại sâu bệnh gây hại. Riêng đối với các loại rau họ thập tự như bắp sú, súp lơ là những loại rau hay bị sâu bệnh gây hại, nên việc phun thuốc được thực hiện định kỳ 7 đến 10 ngày một lần và liều lượng thuốc có khi được tăng lên gấp đôi, gấp ba. Trong khi sản xuất nông nghiệp đang được người dân thực hiện theo hướng thâm canh, tăng vụ, thay đổi cơ cấu giống cây trồng nên tình trạng sâu bệnh diễn ra rất phức tạp. Vì vậy, trên thị trường xuất hiện rất nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, kể cả thuốc ngoài danh mục, thuốc cấm sử dụng vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ, nên những loại thuốc này vẫn được người dân thường xuyên sử dụng để phòng trừ sâu bệnh cho cây rau.

Nhằm góp phần xây dựng một nền nông nghiệp an toàn và bền vững, UBND huyện Lạc Dương đã tổ chức hội thảo “Sản xuất nông nghiệp không hóa chất” là tiền đề tạo hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp của huyện Lạc Dương, với sự tham gia của các chuyên gia đến từ Nhật Bản. Tại hội thảo, các vấn đề về tiềm năng, định hướng sản xuất nông nghiệp không hóa chất đã được đưa ra phân tích đánh giá. Việc sản xuất nông nghiệp không hóa chất được xem là một hướng đi mới để sản xuất nông nghiệp bền vững tại huyện Lạc Dương, tuy nhiên, để triển khai thực hiện thì huyện Lạc Dương đang gặp phải nhiều thách thức rào cản, đó là huyện vẫn chưa có quy hoạch, kế hoạch hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp không hóa chất, sản xuất hữu cơ, bởi sản xuất hữu cơ cần có các vùng quy hoạch biệt lập để giảm tác động vào sản xuất. Mặt khác do thâm canh cao và điều kiện thời tiết phù hợp nên nhiều loại dịch hại phát triển thường xuyên, người sản xuất trên địa bàn huyện hiện có tập quán sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật với tần suất cao để quản lý dịch hại. Bên cạnh đó, sản xuất, phân phối nguyên liệu đầu vào để sản xuất đạt chứng nhận hữu cơ chưa được nhiều doanh nghiệp quan tâm; nhiều sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc thảo mộc, sinh học chưa đạt tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Sản xuất theo hướng chứng nhận hữu cơ có nhiều quy định nghiêm ngặt, khắt khe bắt buộc người sản xuất phải tuân thủ, trong khi đó nhận thức về sản xuất hữu cơ của người dân chưa cao. Lợi nhuận của nông dân đang canh tác dùng hóa chất là rất lớn, do vậy rất khó để thay đổi nhận thức của người dân để chuyển sang sản xuất không sử dụng hóa chất. Vì vậy, để triển khai thực hiện bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thì việc kêu gọi, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, việc xác định các vùng quy hoạch sản xuất, các cây trồng phù hợp, xây dựng các mô hình điểm và nâng cao năng lực cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp sạch không hóa chất là rất cần thiết và cũng là định hướng mà huyện Lạc Dương đề ra trong thời gian tới./.

Phạm Phương - Đài TT - TH Lạc Dương