- Đặc điểm sinh trưởng, phát triển
Khoai lang thường được nhân giống bằng thân (trong dân gian gọi là dây) hay từ mầm củ, rất ít khi nhân giống bằng hạt. Nhiệt độ thích hợp cho sinh trưởng của cây khoai lang khoảng 20 - 30 độ C, dưới 15 độ C và trên 30 độ C cây ngừng sinh trưởng. Thời gian từ khi trồng cho đến khi thu hoạch kéo dài từ 3 - 10 tháng tùy theo vào giống và điều kiện nhiệt độ.
Đời sống cây khoai lang có hai giai đoạn: (1) Giai đoạn phát triển rễ sợi (rễ thật), thân, lá và (2) Giai đoạn hình thành và phát triển củ. Ở vùng ôn đới, khoai lang được trồng vào tháng 5 hoặc tháng 6 và thu hoạch vào tháng 9 hoặc tháng 10, còn ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới, cây khoai lang có thể phát triển quanh năm.
- Yêu cầu đất
Nhìn chung, khoai lang là loại cây có củ ít kén đất, có thể trồng trên nhiều loại đất khác nhau về đặc tính lý, hóa học. Đất thích hợp nhất đối với cây khoai lang là đất cát pha, có thành phần cơ giới nhẹ, tơi xốp, dễ thoát nước và có tầng canh tác dày.
Tuy nhiên ở những loại đất khác, cũng vẫn trồng được khoai lang, miễn là có chế độ canh tác thích hợp, ở đất có tầng canh tác mỏng, vùng trũng phải làm luống to và cao, ở đất có thành phần cơ giới nặng cần phải chú trọng bón phân hữu cơ để cải thiện độ tơi xốp…
- Thời vụ
Thời vụ chính trồng khoai lang bắt đầu ngay sau khi thu hoạch vụ lúa hè thu hay vụ mùa, vào khoảng tháng 9 và tháng 10, đôi khi khoai lang có thể trồng muộn vào đầu tháng 11 đối với những giống ngắn ngày.
Ngoài ra, cây khoai lang còn được trồng vụ xuân (trung du, miền núi phía Bắc), vụ hè thu và vụ thu ở các vùng đất ven sông hay ở dưới vườn cây ăn quả, sườn dốc hay đất mới khai hoang vừa làm cây lấy rau cho chăn nuôi vừa làm cây phủ đất chống xói mòn và giữ độ ẩm cho cây lâu năm.
- Kỹ thuật trồng
Trên vùng đất trồng màu, sau khi thu hoạch cây trồng trước, cần cày vùi toàn bộ cỏ dại và thân lá cây vụ trước. Nếu có qúa nhiều cỏ dại và phế phụ phẩm của cây trồng trước, có thể gom lại và ủ để làm phân cho cây khoai lang.
Đối với đất ruộng, phải tranh thủ cày bừa ngay sau khi thu hoạch vụ trước. Trong trường hợp sau thu hoạch lúa đất còn ướt thì không nên bừa kỹ sẽ làm đất dễ bị quánh, cứng, giảm độ khổng khi đất khô.
Khi lên luống, gom những cục đất nhỏ vào giữa, để những cục to ra ngoài. Khoai lang được trồng theo luống với các kích cỡ khác nhau phụ thuộc vào từng loại đất.
- Đất cát:
+ Luống rộng từ 1,2 - 1,5 m, cao từ 0,45 - 0,5 m.
+ Dây khoai trồng cắt đoạn 1 và 2 với độ dài 30 - 35 cm, không có rễ trên cây.
+ Lấp dây trồng dày hơn 10 cm.
- Đất thịt nhẹ:
+ Luống rộng 1,2 - 1,3 m, cao 0,1 - 0,45 m.
+ Dây khoai trồng cắt đoạn 1 và 2 với độ dài 25 - 30 cm, không có rễ trên cây.
+ Lấp dây trồng từ 7 - 10 cm.
Bón phân NPK-S cho khoai lang
Bón lót phân chuồng khối lượng 8.000-10.000 kg/ha hoặc quy đổi 300-400kg/sào, NPK-S*M1 Lâm Thao 5.10.3-8 khối lượng 200-300 kg/ha hoặc 10-12 kg/sào, bón thúc NPK-S*M1 Lâm Thao làm 2 đợt mỗi đợt 350-400 kg/ha hoặc mỗi đợt 13-15 kg/sào.
Kỹ thuật bón, phân lót: Toàn bộ phân chuồng bón lót khi lên luống bước 1 và phân NPK-S*M1 Lâm Thao 5.10.3-8, bón lót khi lên luống bước 2.
Bón thúc 1: Thời gian từ 15 - 30 ngày sau khi trồng bón vào hai bên luống, cách gốc 15 - 20 cm, có điều kiện thì xẻ rãnh 2 bên hoặc cày xả để 1 - 2 giờ rồi bón phân kết hợp với xới sâu, rồi vun nhẹ để lấp phân.
Bón thúc 2: Thời gian từ 45 - 60 ngày sau trồng. Vắt dây cẩn thận hai bên luống, sau đó bón phân, rồi xới nông, đảo phân và vun cao lấp kín gốc (chú ý không bón phân vào gốc và vào thân lá).
- Chăm sóc
Sau khi trồng được 20 – 25 ngày thì tiến hành xới đất, làm sạch cỏ và kết hợp bón phân lần 2. Đồng thời vun nhẹ vào gốc cho cây khoai lang. Sau khi trồng khoai được 40 – 45 ngày, xới đất, làm sạch cỏ kết hợp bón phân lần 3 và vun nhẹ. Thường xuyên giữ đất ẩm, độ ẩm thích hợp khoảng 65 – 80%. Nếu vụ khoai lang gặp khô hạn thì cần phải tưới rãnh cho nước ngập 1/2 – 2/3 luống.
Sau trồng khoảng 25 – 30 ngày tiến hành bấm ngọn để tăng cường sinh trưởng, phát triển thân lá giai đoạn đầu và tăng cường tích lũy chất hữu cơ. Nhấc dây làm đứt rễ con để tập trung dinh dưỡng về củ. Nhấc dây cần tiến hành thường xuyên, nhấc xong phải đặt đúng vị trí cũ không lật dây, tránh gây tổn thương đến thân lá.
Thường xuyên thăm đồng phát hiện kịp thời sâu bệnh hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời. Sau khi trồng khoai được 40 – 45 ngày, xới đất, làm sạch cỏ kết hợp bón phân lần 3 và vun nhẹ. Lúc này dây bắt đầu làm củ và nuôi củ sử dụng thuốc siêu tạo củ, kích thích bén rễ tạo nhiều củ, củ to đều, hạn chế các vết bệnh trên củ, hạn chế củ bị sượng, thối củ. Dùng Paclo hoặc Hac-09 để hãm dây xuống củ.
- Thu hoạch
Khi cây khoai lang có biểu hiện ngừng sinh trưởng, các lá phần gốc ngả màu vàng, bới kiểm tra thấy vỏ củ nhẵn, ít nhựa thì tiến hành thu hoạch. Thu hoạch vào những ngày khô ráo, không làm tổn thương xây xát, bong vỏ ảnh hưởng đến mẫu mã và làm giảm giá trị sản phẩm.
Khoai lang là thực phẩm phổ biến, giàu chất chống oxy hóa, đặc biệt là beta caroten, có chứa nhiều dinh dưỡng hữu ích cho sức khỏe con người giúp giảm nguy cơ ung thư, giúp giảm cân…Ngoài ra, hàm lượng chất xơ cao trong khoai lang rất tốt khi điều trị chứng táo bón, ngăn ngừa cholesterol quá cao, hỗ trợ kiểm soát đường huyết, giảm nguy cơ đột quỵ, hỗ trợ giảm huyết áp, bảo vệ khớp, giảm viêm, cải thiện bệnh tiểu đường, tốt cho người mắc bệnh tăng huyết áp…/.
Hà Thúy Tuyển (Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)