Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kỹ thuật sử dụng phân chuồng và biện pháp nâng cao chất lượng phân chuồng khi ủ

Từ ngàn xưa ông cha ta đã đúc kết “ Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” để thấy được vai trò quan trọng của phân bón trong canh tác nông nghiệp và sự phát triển cân đối, ổn định của cây trồng.



Song do lạm dụng vào phân hóa học quá nhiều mà người trồng cây không để ý đến loại phân hữu cơ có vai trò quan trọng đến sự sinh trưởng phát triển của cây. Do vậy để cây có được đầy dủ dinh dưỡng để phát triển cần bón đầy đủ cả phân hữu cơ và phân hóa học, dưới đây xin giới thiệu một số biện pháp, kỹ thuật sử dụng phân chuồng (một loại phân hữu cơ):

  1. Biện pháp nâng cao chất lượng phân chuồng khi ủ

- Trộn thêm phân lân khi ủ phân chuồng: nhất là phân chuồng có nhiều chất độn, có tác dụng tăng hoạt động của vi sinh vật, làm cho phân chuồng chóng hoai, phân lân trở nên dễ tiêu hơn, khử bớt độc và mùi hôi, tăng chất dinh dưỡng và hạn chế mất đạm.

Chú ý: Trộn đều phân lân với phân chuồng có thể sử dụng Supe lân đơn (2%), phosphorit (3 - 4%) để trộn.

- Trộn thêm đất bột với phân chuồng khi ủ: tăng kết cấu của đất, và giúp giữ NH3 và nước phân khỏi bị mất. Không nên áp dụng khi phân chuồng có nhiều chất độn.

- Làm mái che nắng, che mưa: che giúp đống phân đỡ bị khô, mưa xối trực tiếp vào, làm mất dinh dưỡng (đặc biệt cần thiết đối với phương pháp ủ nóng).

- Ủ phân trên nền cứng (xi măng hoặc lát gạch, đá): chống mất nước phân.

  1. Kỹ thuật sử dụng phân chuồng

- Phân chuồng sau khi được ủ phải vận chuyển sớm ra đồng và vùi ngay vào đất để tránh mất đạm ở dạng dễ tiêu (35 - 40%).

- Nên dùng phân chuồng nửa hoai mục trong trồng trọt vừa có lợi về mặt cung cấp dinh dưỡng vừa có lợi về mặt cải tạo đất.

- Chỉ dùng phân chuồng được ủ hoai mục cho ruộng mạ, vườn ươm cây con và những loại cây rau ngắn ngày.

- Không nên bón phân chuồng tươi nhất là nhiều chất độn.

- Về mặt dinh dưỡng, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng có thể coi là là bón phân chuồng trước hết nhằm đảm bảo cung cấp dinh dưỡng kali vì so với đạm và lân hàm lượng Kali cao hơn cả.

- Nên phối hợp phân chuồng với phân hóa học do tác động hỗ trợ mà làm tăng hiệu lực chung của việc bón phân.

- Phân chuồng chỉ nên bón lót, bón xong cần được vùi ngay xuống đất để tránh mất N. Bón phân chuồng ở đất có thành phần cơ giới nhẹ, nếu bắt buộc phải bón thúc phân chuồng thì phải dùng loại phân được ủ hoai mục hay nước phân./.

Nguyễn Thị Giang – Trạm KN Chương Mỹ (Nguồn Báo NNVN)