Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kỹ thuật phòng bệnh bạc lá lúa vụ Mùa



  1. Nguyên nhân và triệu chứng

-  Bệnh bạc lá lúa do vi khuẩn Xanthomonas campestris Oryzae gây ra và là một trong những bệnh nguy hiểm nhất trên cây lúa. Bệnh phát triển mạnh trong điều kiện nóng ẩm nên ở các tỉnh phía Bắc thường xuất hiện từ tháng 3 trở đi, gây hại ở cả 2 vụ lúa trong năm, trong đó nặng nhất là các trà lúa vụ Mùa, đặc biệt vào các thời kỳ hay có giông, bão. Các giống lúa thuần, lúa lai Trung Quốc rất dễ bị nhiễm bệnh.

- Bệnh chủ yếu xuất hiện ở các mép lá, cháy dần từ đầu chóp xuống (nên còn gọi là bệnh cháy lá) làm ảnh hưởng đến quá trình quang hợp của cây; nhẹ làm cây sinh trưởng, phát triển kém, còi cọc, đẻ nhánh yếu, giảm năng suất, bị nặng làm các lá bị cháy, đặc biệt cháy lá đòng làm cho hạt bị lép lửng, chất lượng gạo kém, giảm năng suất nghiêm trọng, từ 25 đến 50%, thậm chí gây thất thu hoàn toàn.

- Nguyên nhân dẫn đến cây lúa bị bạc lá lúa thường do thời tiết nóng ẩm, mưa gió lớn xảy ra trong thời kỳ lúa cần quang hợp cao; do đất làm không được ngấu, cây lúa bị bệnh vàng lá sau tiết lập thu được bón thêm phân để cấp cứu vàng lá, cây lúa ra lớp rễ mới phát triển lá non khi gặp mưa dông dễ nhiễm bạc lá lúa; bệnh rất mẫn cảm với lượng đạm dư thừa trong lá, do đó những ruộng bón nhiều, bón muộn, bón lai rai, bón không cân đối giữa đạm, lân và kali, những ruộng trũng hấu dồn đạm bón cuối vụ, chăm sóc, thâm canh không đúng kỹ thuật… đều làm cho cây lúa dễ mắc bạc lá lúa. Trong quá trình nhổ cấy, vi khuẩn xâm nhập vào hệ thống dẫn nhựa của cây thông qua các vết thương cơ giới do bị đứt rễ hoặc lá lúa bị tổn thương. Vi khuẩn thường tụ tập thành những giọt keo đọng ở mép lá hoặc đuôi lá vào buổi chiều và dễ lây lan ra các cây lúa khỏe mạnh khác nhờ gió thổi đánh tan các giọt vi khuẩn này.

  1. Biện pháp phòng tránh

Do chưa có thuốc đặc trị bạc lá lúa, theo khuyến cáo của các nhà khoa học, bà con cần chủ động áp dụng các biện pháp phòng tránh là chính, tập trung vào một số điểm sau đây:

2.1. Biện pháp canh tác:

*Chọn giống:

- Chọn các giống chống chịu tốt với bạc lá lúa để bố trí mùa vụ cho thích hợp, đặc biệt là gieo cấy trong vụ mùa.

-Mua giống ở những cơ sở uy tín, chất lượng.

* Xử lý hạt giống trước khi gieo:

Trước khi ngâm ủ cần phơi giống lại 2 - 3 giờ dưới nắng nhẹ để tăng sức hút nước và tăng độ nẩy mầm của hạt, không phơi trực tiếp trên sân gạch hay sân xi măng.

Sau đó, cần loại bỏ những hạt lép, hạt lửng, hạt cỏ dại, tạp chất, nấm bệnh… bằng nước nóng 540C (3 sôi, 2 lạnh) hoặc nước muối 15%. 

Cách xử lý hạt giống bằng nước nóng 540C: Pha 3 phần nước sôi với 2 phần nước lạnh (3 sôi, 2 lạnh), rồi đổ thóc từ từ vào nước đã pha, ngâm trong thời gian 10 - 15 phút; lượng nước nóng 540C cần gấp 3 - 4 lần lượng lúa giống cần xử lý (ví dụ: 10 kg hạt giống cần 30 - 40 lít nước 540C); dùng rá vớt bỏ những hạt nổi, hạt lơ lửng trong nước, gạn lấy những hạt chìm mang đãi sạch.

Cách xử lý hạt giống bằng dung dịch nước muối 15%:  Pha 1,5 kg muối ăn với 10 lít nước sạch, khuấy đều cho tan hết muối, sau đó đổ thóc giống vào dung dịch nước muối đã pha theo tỷ lệ một phần thóc ba phần nước, ngâm 10 - 15 phút, dùng rá vớt bỏ những hạt nổi, hạt lơ lửng trong nước, gạn lấy những hạt chìm mang đãi sạch.

*Gieo cấy đúng thời vụ::

Để cây lúa trỗ bông vào thời điểm tốt nhất là cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 chúng ta nên dựa vào thời gian sinh trưởng của từng giống để tính ra thời gian gieo mạ.

Ví dụ: TGST của Bắc Thơm số 7 là 105 – 110 ngày thì gieo mạ từ 10 – 15/6.

 * Cấy đúng kỹ thuật: Cấy mạ đủ tuổi, cấy thưa, cấy từ 1 – 2 dảnh/khóm

 * Bón phân cân đối NPK và nên bón phân tổng hợp NPK đa yếu tố chuyên dùng có hàm lượng kali cao. Chú ý bón nặng đầu, nhẹ cuối (bón lót sâu, bón thúc sớm hết lượng đạm và kali), nhất là các giống dễ nhiễm bệnh bạc lá, không bón kali giai đoạn lúa đứng cái vì cây lại huy động đạm lên dễ bị bạc lá.

2.2. Biện pháp hóa học:

Hiện nay chưa có thuốc đặc trị nên khi phát hiện cây lúa bị bệnh bà con cần giữ nước trên ruộng, ngừng bón phân

 - Phun thuốc phòng chống bệnh bạc lá ngay sau khi có đợt mưa dông lớn, khi trên ruộng chưa xuất hiện các vết bệnh trên lá bằng các loại thuốc: Staner 20WP, Xanthomix 20WP… vào sáng sớm hoặc chiều mát. Chỉ phun thuốc trừ bệnh khi thật cần thiết với một số loại thuốc như: Staner 20WP, Batuxit, Bactocide12WP, Kasumin… theo hướng dẫn của cán bộ ngành BVTV./.

 

Hà Thúy Tuyển – Trạm KN Chương Mỹ (Theo nongnghiep.vn)