Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kỹ thuật lắp đặt đèn led thay thế cho đèn metal Halide trên tàu chài chụp khai thác hải sản có kết hợp ánh sáng

Đèn Led (Light Emitting Diode Lamps) là thiết bị chiếu sáng mới có nhiều ưu điểm vượt trội so với đèn Siu và các loại đèn truyền thống khác về hiệu suất phát quang cao, tuổi thọ dài, có nhiều màu sắc, có thể hoạt động ở mức điện áp thấp… nên đã được thay thế rộng rãi cho các loại đèn truyền thống trong các loại hình chiếu sáng trong đó có việc thay thế cho các đèn Siu trên các tàu khai thác hải sản.



Việc dùng đèn Led thay thế cho đèn Siu trên các tàu khai thác hải sản xa bờ nhằm giảm mức tiêu thụ nhiên liệu, góp phần bảo vệ môi trường, giảm chi phí bảo dưỡng, tăng năng suất khai thác và cuối cùng là góp phần tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, xây dựng một ngành khai thác hải sản bền vững.

  1. Điều kiện áp dụng

1.1. Loại đèn dùng để thay thế: Là đèn Led có chíp SMD (Surface Mounted Device), công suất 200W. Các bộ đèn có file IES (Illumination Engineering Society) kèm theo.

So sánh đèn Led thay thế cho đèn Siu theo các chỉ tiêu sau đây:

TT

Các chỉ tiêu

Đèn Led

Đèn Metal Hailide (Siu)

1

Công suất (W)

200

1075

2

Nhiệt độ màu (K)

4.000

3.000 - 5.700

3

Tổng quang thông (lm)

25.000-27.000

80.000 - 85.000

4

Góc chùm tia (0)

110

360

5

Chỉ số chống thâm nhập IP

Modul sáng: 6.7

Nguồn nuôi: 6.7

Bóng đèn: 6.5

Ballast: 2.2

6

Trọng lượng đèn (kg)

Modul sáng: 2,3

Nguồn nuôi: 0,7

Bóng đèn: 0,5

Ballast: 12

7

Hình thức kết nối với bộ nguồn

Rời

Rời

1.2. Các tiêu chuẩn và thông số kỹ thuật

Tỷ lệ thay thế đèn Siu bằng Led là: 1:1,25

Tỷ lệ chuyển đổi: Từ 70 - 100% số lượng đèn Siu.

Độ cao lắp đặt đèn: Từ 2,0m đến 3,5m (so với bong tàu). Do phần phát sáng của đèn Led nặng hơn bóng đèn Siu nên các tàu phải gia cố hệ thống khung thép chắc chắn để có thể chịu được tải trọng của hệ thống đèn Led và đảm bảo an toàn khi hoạt động trên biển.

Góc nghiêng của mặt đèn Led so với mặt nước biển: Nằm trong khoảng 60 - 750 và có thể điều tùy theo mùa khai thác và đối tượng khai thác.

  1. Chuẩn bị công tác lắp đặt đèn trên tàu

            - Trước khi đưa vào lắp đặt, chủ tàu phải di chuyển tàu vào vị trí cảng, eo, vịnh kín gió, thuận lợi giao thông và có thể kết nối với nguồn điện lưới để có thể thi công các giá đỡ hệ thống đèn Led.

            - Không gian mặt nước đủ rộng (cách 2 bên mạn tàu từ 15 - 20m), đủ khoảng trống để tàu có thể di chuyển, thay đổi vị trí khi cần. Mặt nước phải đảm bảo tàu không rung lắc khi đặt các thiết bị đo đạc ánh sáng ban đêm và quá trình lắp đặt đèn.

            - Đo và kiểm tra trường sáng: Trước khi thay thế đèn Led, đo các chỉ số phân bố độ rọi trên mặt nước và độ chiếu sâu của đèn trên tàu. Các số liệu đo được lập thành biên bản do chủ tàu và đơn vị lắp đặt quản lý đối chiếu trước và sau khi lắp đặt thay thế. Việc đo phân bố độ rọi trên mặt nước và độ chiếu sâu của hai loại đèn phải được tiến hành trong những điều kiện giống nhau.

            - Tháo dỡ các đèn Siu ra khỏi vị trí thay thế, tránh làm vỡ bóng để thoát thủy ngân ra ngoài gây ô nhiễm môi trường.

            - Chuẩn bị đủ đèn Led và các loại vật tư, thiết bị hàn khung, giá đỡ đèn, chuẩn bị các vị trí lắp đặt bộ nguồn.

2.1. Trình tự lắp đặt đèn Led

  • Hàn khung: Khung giá đỡ gồm 02 hệ giá đỡ, hàn dọc theo chiều dài của thân tàu cả về 2 phía. Mỗi hệ giá đỡ gồm 02 thanh inox đường kính 20mm được hàn vào cột chính của tàu (hệ thống đỡ ganh mạn phía mũi và phía sau của tàu). Thanh phía trên ở mặt ngoài, thanh phía dưới ở mặt trong của cột sao cho thanh trên và dưới của hệ giá đỡ tạo ra góc nghiêng của đèn từ 20 - 30° so với phương thẳng đứng hướng xuống phía dưới mạn tàu. Hệ giá đỡ thứ nhất cách mặt nước tối thiểu 3,5m. Hệ giá đỡ thứ 2 cách hệ giá đỡ thứ nhất 40 - 50 cm. Trường hợp tàu giữ lại 1 phần đèn Siu ở phía trên hệ giá đờ thứ 2 thì khoảng cách giữa hệ giá đỡ thứ 2 và khoảng treo đèn Siu là 50 cm (hình 01).
  • Cố định vị trí đèn: Mỗi hệ giá đỡ sẽ bố trí 01 hàng đèn Led được cố định bằng dây cước tại 4 vị trí của mỗi bóng đèn Led; các mối cố định phải đảm bảo chắc chắn, không bị tuột. Buộc đèn vào hệ thống giá đỡ tại các điểm tiếp xúc bằng dây cước 3 - 5mm tại các vị trí mũi tên (hình 02). Các đèn được lắp cách nhau từ 2 - 3cm.
  • Sơ đồ lắp đặt đèn thay thế (hình 3)

- Vận hành và đấu nối

+ Sử dụng máy phát điện: Công suất của hệ thống đèn Led thấp hơn công suất của hệ thống đèn Siu nên hệ thống đèn Led có thể sử dụng với máy phát điện công suất nhỏ nếu có sẵn trên tàu để triệt để tiết kiệm nhiên liệu. Do bộ nguồn đèn Led có thể hoạt động ở điện áp thấp nên cần đặt điện áp của máy phát trong khoảng 180-200V sẽ làm giảm tiêu thụ dầu và tăng tuổi thọ của hệ thống đèn Led.

+ Lắp đặt các bộ nguồn: Bộ nguồn phải được để trong hầm tầu hoặc những vị trí không bị ảnh hưởng bởi nước mưa, nước biển. Khi đấu nối cần lưu ý, nối hai dây ký hiệu L và N của bộ nguồn vào cực ra của máy phát điện và nối đúng thứ tự hai dây ký hiệu (+) và (-) của bộ nguồn vào hai dây (+) và (-) của modul phát sáng của bộ đèn.

+ Hệ thống công tắc: Các bộ đèn cần có công tắc riêng biệt hoặc theo từng cụm để tiện thao tác, vận hành.

+ Đấu dây tiếp địa: Trên mỗi bộ nguồn đều có dây tiếp địa. Dây tiếp địa cần nối với phần có kim loại của vỏ tàu và tốt nhất là được nhúng sâu trong nước biển.

+ Đấu nối: Mỗi bộ đèn đều có sẵn dây điện nối dài từ modul phát sáng đến bộ nguồn. Các dây dẫn nối từ bộ nguồn đến máy phát điện phải đủ tiết diện để đảm bảo an toàn, chống chập điện. Cụ thể, dây nối một bộ đèn có tiết diện tương đương với dây của bộ nguồn; các mối nối dây dẫn điện cần được đấu bằng cầu đấu hoặc xoắn bằng kìm và được bọc cách điện đảm bảo an toàn.

Hệ thống dây dẫn điện từ bộ nguồn đến các bóng Led phải được bó, buộc lại chắc chắn, gá vào bệ đỡ gián đèn hoặc có dây thép để đỡ, đảm bảo cho hệ thống dây điện không bị rung lắc, ổn định hệ thống bóng đèn.

  1. Kiểm tra kỹ thuật sau lắp đặt

Sau khi lắp đặt, thay thế hệ thống đèn LED tiến hành kiểm tra và vận hành thừ hệ thống đèn và tàu:

- Đo và kiêm tra trường sáng: Sau khi thay thế đèn đèn Led. đo các chỉ số phân bố độ rọi trên mặt nước và độ chiếu sâu của đèn trên tàu. Các số liệu đo sau khi láp đặt đối chiếu với kết quả trước lắp đặt thay thế để có biện pháp điều chỉnh, đánh giá phù hợp. Việc đo phân bố độ rọi trên mặt nước và độ chiếu sâu của hai loại đèn phải được tiến hành trong những điều kiện giống nhau.

- Kiểm tra và chạy thử toàn bộ hệ thống dàn đèn. ganh, tời... đảm báo chắc chắn, an toàn khi vận hành khai thác.

- Có biên bản kiểm tra kỹ thuật tàu cá, đảm bảo an toàn khi hoạt động trong điều kiện sóng gió và theo cấp tàu cá đã được đăng kiểm.

  1. Hướng dẫn sử dụng

- Quy định về vận hành: Chủ tàu phải có trách nhiệm bảo quản hệ thống đèn Led, tránh để nước biển thâm nhập vào modul sáng, không được nhúng đèn xuống nước biển hoặc sử dụng làm đèn ngầm. Phải thường xuyên lau bụi trên mặt phát sáng. Khi tàu nằm bờ cần chú ý tránh va chạm với các tàu khác làm vỡ kính đèn. Khi xảy ra sự cố đèn không sáng, không được tự ý tháo rời các chi tiết của bộ đèn mà để nguyên trạng và thông báo cho nhà cung cấp sửa chữa, bảo hành.

- Bảo trì: Trong quá trình sử dụng, cần thường xuyên kiểm tra tình trạng hoạt động của đèn theo hướng dẫn của nhà sản xuất

Dưới tác động của thời gian và môi trường biển cùng với sự nhạy cảm của các thiết bị phụ kiện như hộp Driver, cầu dao, công tắc điện, hệ thống chiếu sáng rất dễ dàng xảy ra những rủi ro, hỏng hóc trong quá trình hoạt động. Những sự cố xảy ra với hệ thống chiếu sáng không chỉ làm trì hoãn hoạt động của mẻ lưới, giảm chất lượng khai thác mà còn có thể nghiêm trọng hơn với các rủi ro nguy hiểm khác như cháy nổ, rơi đèn... Do đó, chủ tàu và thuyền trưởng cũng như thuyền viên trên tàu cần tăng cường kiểm tra, bảo dưỡng hệ thống chiếu sáng bằng đèn Led để có hướng sửa chữa, thay đổi kịp thời, đảm bảo chất lượng hệ thống chiếu sáng tốt nhất và an toàn nhất cho chuyến biển./.

                                    Minh Trí - Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh