- Cắt tỉa cho cây hoa hồng
Việc cắt tỉa cho cây hoa hồng được tiến hành định kì, tuân thủ đúng kĩ thuật để tạo điều kiện cho cây hoa hồng phát triển, ra hoa đồng loạt, tạo độ thông thoáng hạn chế sâu bệnh hại...
1.1. Thời điểm cắt tỉa cho cây hoa hồng
- Trước tết Nguyên Đán từ 40 - 45 ngày tiến hành cắt tỉa đồng loạt toàn bộ cho cây hoa hồng.
1.2. Kỹ thuật cắt tỉa cho cây hoa hồng
- Cắt tỉa hoa tàn, cành tăm, lá sâu, tỉa bớt nụ.
- Kể từ khi chồi xuất hiện đến khi nở hoa kéo dài từ 35 - 45 ngày. Vì thế, tùy từng giống hoa, độ thưa của các mắt ngủ trên cành, thời điểm cắt hoa ta có thể lựa chọn cắt sâu ( tính từ hoa) 3 - 5 lá. Cắt càng gần ngọn thì hoa nở sớm hơn và ngược lại.
Lưu ý:
- Đối với hồng leo: chỉ tỉa hoa, hạn chế tỉa cành, lá.
- Đối với hồng bụi: tỉa cành, hoa, lá kết hợp tạo tán, điều chỉnh tán, thế cho phù hợp.
- Bón phân thế nào để cây hoa hồng ra nhiều lộc, nhiều hoa đúng dịp tết
- Lần 1: Bón sau khi tiến hành cắt tỉa cho cây hoa hồng. Hỗn hợp tưới hoặc phun bao gồm: 20g bột rong biển + 0,3g Cytokinin DA - 6 (có thể pha 3g pha vào 10 lít nước, mỗi lần sử dụng 1 lít) + 40g đạm cá (Amino Axit) hòa vào 20 lít nước sạch để phun hoặc tưới cho diện tích từ 200 - 500m2.
- Lần 2: cách lần 1 khoảng 7 - 10 ngày tùy giống (khi cây đâm chồi đỏ đồng loạt).
Bón 5g phân bón NPK 10 - 50 - 10+TE/gốc hoa hồng (hoặc phun với nồng độ 20g/20 lít nước). Kết hợp kết hợp phun Compound Sodium Nitrophenolate 98% TC (Atonik đậm đặc) nồng độ 0,2g/20 lít nước (2g pha vào 10 lít nước, mỗi lần sử dụng 1 lít).
- Lần 3: cách lần 2 khoảng 10 - 15 ngày tùy giống (khi cây bắt đầu đóng nụ): Bón 5g phân bón NPK 10 - 50 - 10+TE/gốc hoa hồng (hoặc phun với nồng độ 20g/20 lít nước). Kết hợp kết hợp phun Cytokinin DA - 6 nồng độ 0,3g/20 lít nước (3g pha vào 10 lít nước, mỗi lần sử dụng 1 lít để hòa thành 20 lít dung dịch)
- Phòng trừ sâu bệnh hại trên cây hoa hồng
3.1. Phòng trừ bệnh hại trên cây hoa hồng
- Bệnh gỉ sắt:
Vết bệnh dạng ô nổi, màu vàng da cam hoặc nâu. Gỉ sắt hình thành ở mặt dưới lá. Mặt trên mô bệnh mất màu xanh bình thường chuyển sang màu vàng nhạt. Bệnh nặng làm lá khô cháy, dễ rụng, hoa nhỏ ra ít, thường bị thay đồi màu sắc, cây còi cọc. Nguyên nhân gây bệnh do nấm Phragmidium mucronatum gây ra.
Phòng trừ: Loại bỏ tàn dư gây bệnh và cỏ dại. Ngoài thuốc Scrore 250 ND và Alvil 5 SC có thể dùng thêm Peroxin 0,2 - 0,4 %.
- Bệnh phấn trắng:
Đặc điểm triệu chứng: vết bệnh dạng bột phấn màu trắng xám, hình thái bất định. Bệnh thường hại trên ngọn non, chồi non, lá non, hình thành ở cả 2 mặt lá. Bệnh nặng hại cả thân, cánh, nụ, hoa làm biến dạng lá.Thân khô, nụ ít, hoa không nở thậm chí chết cây, hồng đỏ Pháp, trắng Mỹ, phấn hồng hay bị bệnh này.
Nguyên nhân gây bệnh: Do nấm Sphaerothecapannosa (Walls) Lev var, Rosae gây ra.
Biện pháp phòng trừ: Loại bỏ tàn dư gây bệnh và cỏ dại. Dùng thuốc Scrore 250 ND với liều lượng 0,2 - 0,3 lít/ha. Alvil 5 SC liều lượng 1 lít/ha hoặc Bayfidan 250 EC với nồng độ 4 ml thuốc/bình 8 lít. Lượng phun 30 - 40 bình/ha.
- Bệnh đốm đen:
Đặc điểm triệu chứng: Vết bệnh hình tròn hoặc hình bất định ở giữa màu xám nhạt, xung quanh màu đen. Bệnh thường phá hại trên các lá bánh tẻ, vết bệnh xuất hiện cả 2 mặt lá. Bệnh nặng làm lá vàng, rụng hàng loạt. Đây là một trong những bệnh chủ yếu hại cây hoa hồng.
Nguyên nhân gây bệnh Do nấm Dipbocarpon Rose gây ra.
Biện pháp phòng trừ: Vườn trồng hồng thông thoáng, đất không bị ngập úng. Tỉa bỏ những cành lá mang mầm bệnh, làm sạch cỏ và thu dọn các tàn dư gây bệnh. Dùng một số thuốc đặc hiệu như Score 250 ND, Zineb 80 WP nồng độ 30 - 50 g/ 10 lít nước hoặc Antracol 70 BHN pha 20 - 30 g thuốc/ bình 8 lit.
3.2. Phòng trừ sâu hại trên cây hoa hồng
- Sâu xanh (Heli coverpa armigerra Hb)
Sâu phá hại nặng trên lá non, ngọn non, nụ và hoa. Sâu trưởng thành đẻ trứng rải rác thành từng cụm ở cả 2 mặt lá non, ở nụ hoa, đài hoa và hoa.
Biện pháp phòng trừ: Luân canh với cây trồng khác. Ngoài ra có thể dùng các loại thuốc trừ sâu: pegasus 500SC liều lượng 0,5 - 1 lít/ha (pha 7 - 10 ml/bình 8 lít)
- Rệp: (Aphis gosssypii Glover)
Trên đồng ruộng thường có rệp nhảy và rệp muội. Rệp phá hại trên thân, lá, ngọn non cây hồng. Đặc biệt rệp sáp hình bầu dục, mình phủ sáp trắng, không thấm nước. loại rệp này thường sống cộng sinh với kiến. Có thể dùng thuố c Ancol 20 EC phun 1 lít/ha hoặc Karate 2,5 EC nồng độ 5 - 10 ml/ bình 8 lít. Supacide 40 ND liều lượng 1 - 1 lít/ha.
- Nhện đỏ (Tetranychus urticae Koch)
Nhện đỏ gây hại nặng trên cây hoa hồng. Nhện thường cư trú ở mặt dưới lá chích hút dịch bào trong mô lá hồng, tạo thành vết hại có màu sáng, dần dần các vết chích này liên kết với nhau. Khi bị hại nặng, lá cây hồng có màu nâu vàng rồi khô và rụng. Khi có thể dùng thuốc Ortus 5 SC hoặc Comite với liều lượng 1 lít/ ha./.
Ngô Thị Hiền - TKN Chương Mỹ (Nguồn: Camnangcaytrong.com)