Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kinoko Thanh Cao đi đầu trong sản xuất nấm công nghệ cao

Trong những năm gần đây, thành phố Hà Nội tập trung đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.



 Theo thống kê, đến hết năm 2017, Hà Nội đã có tới 105 mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, các mô hình đã mang lại những tín hiệu khả quan, từng bước tạo ra cách thức sản xuất mới, hiện đại, hiệu quả kinh tế cao. Mô hình sản xuất nấm tại xã Đốc Tín huyện Mỹ Đức là một trong những mô hình như vậy.

Mô hình sản xuất nấm của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao tại xã Đốc Tín huyện Mỹ Đức do bà Dương Thị Thu Huệ làm giám đốc, mô hình có diện tích 3.000 m2 với số vốn đầu tư ban đầu là 3 triệu USD (gần 70 tỷ đồng) để đầu tư xây dựng hệ thống sản xuất nấm hoàn chỉnh bao gồm các khu vực: phòng cấy giống, phòng ươm, phòng đóng gói và thu hoạch. Theo bà Huệ, toàn bộ quy trình từ sản xuất đến thu hoạch mất từ 40-45 ngày. Tất cả các công đoạn đều sử dụng máy móc và công nghệ của Nhật Bản. Hiện có 2 máy đóng gói được nhập khẩu từ Nhật Bản với số vốn đầu tư 1 tỷ đồng/máy. Nhà máy sản xuất nấm Kinoko Thanh Cao đã đi vào hoạt động được hơn một năm, với sản phẩm nấm kim châm chiếm 95% tổng sản lượng của nhà máy. Ngoài ra còn có nấm sò, nấm linh chi, nấm đầu khỉ. Quy trình sản xuất nấm được tuân thủ nghiêm ngặt từ khâu làm giá thể, cấy giống, ươm giống đến đóng gói, thu hoạch. Sản phẩm sau khi đóng gói được phân phối đến các siêu thị, cung cấp cho người tiêu dùng cả nước sản phẩm nấm kim châm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Với giá bán tại nhà máy là 65.000 đồng/kg, sản lượng khoảng 30 tấn/tháng, tổng doanh thu ước tính từ 1,8-2 tỷ đồng/tháng. Bên cạnh đó, nhà máy còn tạo việc làm thường xuyên cho 23 công nhân với mức lương trung bình từ 4 – 10 triệu đồng/người/tháng.

Là một trong những doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, toàn bộ sản phẩm nấm kim châm do nhà máy sản xuất được bày bán tại siêu thị, song phần lớn người tiêu dùng vẫn chưa nhận diện đúng về sản phẩm. Theo bà Dương Thị Thu Huệ: Công ty mong muốn được UBND TP Hà Nội, các sở, ngành tăng cường truyền thông, quảng bá sản phẩm. Bên cạnh đó công ty cũng cho rằng, để việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, Nhà nước cần hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp về công nghệ cũng như vốn để đầu tư nhà lưới, khu xử lý sản phẩm và bảo quản sau thu hoạch nhằm mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, có chính sách phát triển khoa học công nghệ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư trực tiếp hoặc liên kết với cơ sở nghiên cứu khoa học của Nhà nước để chuyển giao khoa học, ứng dụng ra thực tiễn nhằm tạo ra sản phẩm nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao, bảo đảm ATTP

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao là doanh nghiệp đầu tiên được cấp giấy chứng nhận mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Hà Nội. Mới đây, Đoàn cán bộ Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội có buổi tham quan, khảo sát; qua trao đổi, tìm hiểu, đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội  cho rằng: Thành công của Kinoko Thanh Cao đã mở ra hướng đi mới cho ngành nông nghiệp trồng nấm CNC của Hà Nội. Do đó, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục hỗ trợ mở rộng sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm và tiến tới xuất khẩu. Đây cũng là mô hình tiêu biểu, thành công nhờ có sự liên kết "4 nhà" mà TP đang tiếp tục khuyến khích các địa phương nhân rộng

Thực tế cho thấy, so với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vẫn còn khiêm tốn. Năm 2018, ngành nông nghiệp Thủ đô đặt mục tiêu tập trung đưa ứng dụng khoa học công nghệ và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất; tăng trưởng sản xuất nông nghiệp từ 2,0-2,5%. Để đạt được kết quả đó, trong thời gian tới, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội sẽ tham mưu cho thành phố ban hành các chính sách khuyến khích cá nhân, tổ chức đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, Sở sẽ phối hợp với các cơ quan truyền thông của Trung ương và Hà Nội đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người tiêu dùng biết và sử dụng các sản phầm nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn thành phố./.

Huy Hoàng