- Thời điểm thu hoạch:
Cần phân biệt 2 giai đoạn chín của đậu tương: Thời kỳ chín sinh lý khi cây có trên 50% số lá đã chuyển vàng và thời kỳ chín hoàn toàn khi hầu hết các lá đã vàng, bắt đầu rụng; khoảng 95% số quả trên cây đã chuyển sang màu nâu xám. Đây là thời điểm thu hoạch thích hợp. Nếu thu sớm, hạt chưa già, chất lượng thấp, tốn công phơi; ngược lại nếu thu muộn một số quả sẽ tách vỏ, hạt rơi rụng làm hư hao, gặp thời tiết nắng gắt dinh dưỡng trong hạt bị suy giảm.
- Xử lý cho rụng lá trước khi thu hoạch:
Đây là kinh nghiệm của nhiều nơi nhằm làm giảm công thu hái, vận chuyển đồng thời góp phần để lại chất xanh cải tạo cho đất rất tốt. Trước khi thu hoạch 1 tuần bà con pha 0,3-0,5kg phân kali (KCl) trong bình phun 10 lít, phun kỹ trên mặt lá, mỗi sào Bắc bộ phun khoảng 2 bình, chỉ sau 3-5 ngày lá sẽ rụng hết là có thể nhổ hoặc cắt cây đem phơi khô, đập lấy hạt dễ dàng. Những nơi có hệ thống tưới tiêu chủ động có thể tháo nước ngâm ruộng sâu 15-20cm trước khi thu hoạch 5-7 ngày cho cây rụng hết lá rồi cắt cây mang về. Ngoài ra,bà con có thể dùng Ethrel 40% , pha nồng độ 0,1% phun kỹ trên lá, chỉ 3-5 ngày sau cây sẽ rụng hết lá mà không làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt đậu.
- Thu hoạch, tách và phơi hạt hạt:
* Thu hoạch:
Phân biệt 2 giai đoạn chín của đậu tương.
- Thời kỳ chín sinh lý: Khi đậu có 50% số lá trên cây đã chuyển sang màu vàng.
- Thời kỳ chín hoàn toàn: Khi hầu hết tất cả các lá trên cây đã vàng, rụng. Khoảng 95% số trái trên cây chuyển sang màu nâu xám. Lúc này là thời điểm thích hợp nhấrt để thu hoạch. Nếu thu hoạch sớm: Tốn nhiều công phơi. Hạt chưa thật già, không đủ chất lượng khi bảo quản. Nếu thu hoạch trể: Một số trái quá già sẽ bị tách, làm hao hụt, gặp thời tiết nắng gắt, dinh dưỡng hạt đậu bị giảm.
Trường hợp không có điều kiện xử lý rụng lá trước khi thu hoạch thì cắt cả cây đem về ủ 2 ngày rồi đem ra rũ cho hết lá, tiếp tục ủ thêm 2-3 ngày cho quả chín hoàn toàn, hạt vàng không nứt. Đem phơi qua 1 nắng, đập lấy hạt, sàng sẩy để loại bỏ tạp chất, hạt xanh, hạt nhỏ, hạt vỡ rồi tiếp tục phơi tới khi khô giòn (cắn giòn không dính răng) thì đưa vào bảo quản. Chú ý: không được phơi hạt trên sân gạch hoặc sân xi mang, không phơi quá nắng, hạt quá giòn (cắn giòn vỡ tan) làm giảm chất lượng hạt thương phẩm hoặc mất sức nẩy mầm với hạt làm giống.
* Kỹ thuật phơi ủ cây
- Ngày thứ 1 (thu hoạch): Chọn ngày nắng ráo, cây thu hoạch về cắt bỏ rễ, lá rồi đem phơi thêm 1 nắng, buổi chiều xếp dựng đứng trong nhà, không được xếp đống, gây hấp hơi, bốc nóng, gây mốc hỏng hạt giống.
- Ngày thứ 2,3 (ủ): Tiến hành ủ 2-3 ngày đêm để cho quả chín đều, hạt vàng không nứt. Khi gặp nắng cần tranh thủ phơi ngay bỏ qua giai đoạn ủ để tránh cây gặp mưa ẩm làm mốc hạt giống.
- Ngày thứ 4: Đem phơi thêm 1 nắng, đập lấy hạt đợt 1, phơi khô,chọn lọc, làm sạch hạt. Sử dụng làm đậu giống.
- Ngày thứ 5: Số quả trên cây còn, đem ủ đống thêm 1-2 ngày đêm cho hạt chín tiếp, sau đó phơi thêm 1 nắng và thu hoạch hạt đợt cuối dùng làm đậu thương phẩm.
- Bảo quản hạt thương phẩm:
Hạt đậu dễ bị mất sức nẩy mầm so với lúa, bắp, cao lương,…Hạt bị mất sức nẩy mầm, vỏ hạt và tử diệp chuyển sang màu sậm. Độ bóng của vỏ hạt giảm, hạt dễ bị mốc.
Thời hạn cho phép bảo quản phụ thuộc vào đặc tính giống, công nghệ trước thu hoạch, nhiệt độ và ẩm độ không khí lúc bảo quản. Trong đó, nhiệt độ và ẩm độ không khí là yếu tố quan trọng.
Giảm càng thấp ẩm độ, càng tăng thêm thời gian bảo quản. Phơi càng khô, bảo quản càng được lâu hơn.
Chú ý: Hạt đã được phơi thật khô, nhưng nếu bảo quản trong điều kiện ẩm (ẩm độ trong không khí cao), hạt đậu nành sẽ hút ẩm trở lại. Trong trường hợp này, hạt sẽ bị mất sức nẩy mầm nhanh chóng.
Do đó hạt đậu tương, không những phải phơi thật khô, mà còn phải được bảo quản trong điều kiện thật khô ráo, có ẩm độ không khí càng thấp càng tốt.Thời gian bảo quản lâu hay mau, chất lượng cao hay thấp phụ thuộc nhiều vào đặc tính giống, công nghệ trước thu hoạch, phương pháp bảo quản, nhiệt độ và độ ẩm trong lúc bảo quản./.
Hà Thúy Tuyển (Nguồn: Báo Nông nghiệp Việt Nam)