Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khuyến nông Quốc Oai nối những nhịp cầu khoa học kỹ thuật đến người nông dân

Năm 2020, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, các cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chuyên môn huyện Quốc Oai, sự tham gia nhiệt tình của các đơn vị thực hiện mô hình. Đội ngũ Khuyến nông Quốc Oai đã đoàn kết, bám sát cơ sở, bắc những nhịp cầu chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị giúp nông dân phát triển kinh tế.



* Tập huấn, hội thảo theo phương châm “cầm tay, chỉ việc”

 Năm qua, Trạm khuyến nông đã tổ chức thành công 13 lớp tập huấn, 07 hội nghị tham quan đầu bờ cho gần 1.500 lượt người tham gia. Nội dung tập huấn, tham quan phong phú, đa dạng phù hợp với từng giai đoạn  phát triển của cây trồng, vật nuôi. Phương pháp tổ chức gắn với thực địa là chính,  theo phương châm “cầm tay, chỉ việc” lấy ruộng, ao, vườn làm  “bục giảng” để việc chuyển giao kỹ thuật đến người dân nhanh nhất, thực tế và hiệu quả nhất. Trạm Khuyến nông Quốc Oai đã tổ chức thành công hội thảo “nhịp cầu nhà nông” cho gần 200 đại biểu là các chủ trang trại, HTXNN, Doanh nghiệp. Hội thảo là nơi kết nối, trao đổi, gắn kết giữa các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp với người sản xuất.

* Công tác triển khai mô hình

Năm 2020,Trạm Khuyến nông Quốc oai đã được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và UBND huyện giao triển khai 6 dạng mô hình trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Các mô hình tập trung vào vùng chuyển đổi cây ăn quả, cây rau màu như mô hình máy làm đất đa năng công suất nhỏ hơn 10 mã lực, quy mô 7 máy, 7 hộ tham gia, triển khai tại xã Yên Sơn. Với tính năng của máy là lên luống, sạc cỏ, phun thuốc, dễ sử dụng, dễ vận hành đã giúp cho các nhà vườn giảm chi phí nhân công, tăng hiệu quả kinh tế so với thuê mướn là 4.200.000đ/ha.  Nhằm giúp người dân bảo quản rau, củ, quả đến kỳ thu hoạch không xuất bán được do dịch covid-19, Trạm khuyến nông đã hỗ trợ 01 hộ tại xã Tân Phú kho lạnh bảo quản nông sản, qui mô 100m3. Nhờ có nhà lạnh đã giúp người nông dân yên tâm sản xuất, sản phẩm sau thu hoạch khi đưa vào nhà lạnh vẫn giữ nguyên được giá trị, tránh hiện tượng hư hỏng và bị tư thương ép giá thời điểm chính vụ.

Mô hình sử dụng thảo dược trong chăn nuôi gà thả vườn, quy mô 10.000 con, 16 hộ tham gia, được triển khai tại xã Đồng Quang, xã Đông Xuân. Trong suốt quá trình nuôi gà được sử dụng thảo dược để phòng bệnh nên hạn chế mức thấp nhất việc dùng kháng sinh. Hiện tại sau 5 tháng nuôi gà đạt trọng lượng bình quân 1,9kg/con, tỷ lệ sống đạt 96%, giá bán cao hơn so với nuôi thông thường tại địa phương 5.000đ/kg, cho lợi nhuận ước đạt 50.000.000đ trên 1.000 gà. Mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGap, qui mô 2ha, 3 hộ tham gia tại xã Cấn Hữu. Định kỳ các hộ tham gia mô hình đã tích cực sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước ao nuôi, trộn vào thức ăn phòng bệnh cho cá nên đã hạn chế mức thấp nhất rủi ro do bệnh cá gây ra, tỷ lệ sống đạt 80%, trọng lượng bình quân 1kg/con, năng suất 12 tấn/ha, cho lợi nhuận 90.000.000đ/ha. Điểm nhấn của mô hình là xuyên suốt quá trình nuôi, người nuôi đã sử dụng chế phẩm sinh học định kỳ, nên các yếu tố môi trường ao nuôi đều đạt tiêu chuẩn, màu sắc cá khi thu hoạch sáng cá, ánh cá.

Bên cạnh mô hình cơ giới hóa vào đồng ruộng làm thay đổi nhận thức của người nông dân từ sản xuất truyền thống sang việc áp dụng tiến bộ khoa học  vào gieo trồng. Mô hình trình diễn giống lúa năng suất, chất lượng JO2, QR15 theo hướng hàng hóa tại 7 HTX, qui mô 62ha cũng là  một mô hình định hướng cho nông dân, đưa các giống lúa mới năng suất, chất lượng vào sản xuất từ đó đánh giá kết quả, đề xuất bổ sung cơ cấu giống lúa của huyện. Thay thế dần các giống lúa cũ năng suất, chất lượng thấp hơn như KD18, Q5, … góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Đây là 2 giống lúa có khả năng sinh trưởng tốt, khả năng đẻ nhánh khá, cứng cây, bộ lá đứng, cứng, chống chịu sâu bệnh khá, năng suất đạt từ 200 kg trở lên, cao hơn giống đối chứng ở địa phương từ 15-20 kg/sào, hiệu quả cao hơn 3.700.000đ/ha, đặc biệt giống J02 cơm rất thơm, ngon, thích hợp với điều kiện canh tác và  có khả năng bổ sung vào cơ cấu giống lúa của địa phương. 

Thông qua các lớp tập huấn, tham quan theo phương châm “cầm tay chỉ việc” và các mô hình khuyến nông năm 2020 đã giúp người dân tại các vùng chuyển đổi trên địa bàn Huyện quốc Oai nâng cao được năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế cao./.

Kiều Minh Khuê - Trạm Khuyến nông Quốc Oai