Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khuyến nông Hà Nội đồng hành cùng nông dân khắc phục hậu quả sau cơn bão số 3

Cơn bão số 3 (Yagi) đã đi qua nhưng để lại hậu quả vô cùng lớn đối với các tỉnh phía Bắc, trong đó có Hà Nội. Do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lũ, ngập lụt kéo dài, nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội bị thiệt hại lớn về sản xuất, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp.


Giám đốc TTKN Hà Nội Vũ Thị Hương giới thiệu tờ gấp hướng dẫn kỹ thuật cho hộ trồng cây ăn quả tại xã Hòa Nam, huyện Ứng Hòa.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thành phố Hà Nội, ảnh hưởng của cơn bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây mưa lớn, gây thiệt hại nhiều đến sản xuất nông nghiệp. Theo thống kê của các quận, huyện, thị xã, tình hình thiệt hại trên toàn địa bàn thành phố cập nhật 15h30 ngày 22/9/2024: Cây bị gẫy, đổ trên 100.000 cây (bao gồm cây đô thị và các loại cây khác); lúa bị gẫy, đổ, dập nát 22.848 ha; lúa bị ngập 13.832 ha; rau màu bị ngập, ảnh hưởng 10.830 ha; cây ăn quả bị ảnh hưởng 9.045 ha, thủy sản bị ảnh hưởng 4.212 ha; gia súc chết 3.299 con; gia cầm chết, thất lạc 453.104 con;… Xuất hiện khoảng 40 sự cố công trình đê điều và trên 150 sự cố công trình thủy lợi cùng các sự cố, ảnh hưởng khác về ngập lụt… 

Trước tình hình trên, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội đã đề nghị các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo, tuyên truyền, vận động nhân dân tổ chức khắc phục hậu quả trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nhất là các diện tích lúa, cây hoa màu bị đổ, bị ngập.

Với vai trò là đơn vị chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân, thực hiện chỉ đạo của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Sở Nông nghiệp & PTNT, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã có quyết định thành lập các tổ công tác do các đồng chí lãnh đạo Trung tâm làm tổ trưởng cùng lãnh đạo và cán bộ các phòng chuyên môn thuộc Trung tâm để phối hợp chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ tại các quận, huyện, thị xã.

Trung tâm Khuyến nông đã in ấn và phối hợp với phòng kinh tế, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện và thị xã Sơn Tây cấp phát trực tiếp 20.000 tờ gấp hướng dẫn kỹ thuật khôi phục sản xuất nông nghiệp trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... Đối tượng cấp phát là các Hợp tác xã, chủ trang trại, nông dân sản xuất. Bên cạnh đó, đã đăng tải tuyên truyền nội dung của các tờ gấp kỹ thuật trên ấn phẩm Bản tin Sản xuất & Thị trường và trang web khuyến nông Hà Nội.

Ngoài ra, để đồng hành cùng bà con nông dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ, các tổ công tác đã phân công cán bộ khuyến nông xuống trực tiếp các địa phương chỉ đạo, hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật. Đối với lĩnh vực trồng trọt, hướng dẫn các biện pháp khắc phục và chăm sóc lúa, cây ăn quả sau mưa bão như cắt tỉa cành, khơi thông rãnh thoát nước... Đối với lĩnh vực chăn nuôi, tuyên truyền, khuyến cáo nông dân tập trung vệ sinh tiêu độc, khử trùng; tiêm phòng dịch bệnh trong chăn nuôi; di dời đàn vật nuôi lên vị trí cao hơn... Đối với lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, Trung tâm Khuyến nông đã tăng cường xuống cơ sở khuyến cáo nông dân tập trung các biện pháp xử lý môi trường ao nuôi, vùng nuôi trồng thủy sản. Tập trung chăm sóc thủy sản theo đúng hướng dẫn của ngành chuyên môn, quyết tâm không để xảy ra dịch bệnh trên đối tượng nuôi. 

Tại các hộ dân, lãnh đạo và cán bộ Trung tâm Khuyến nông đã chia sẻ những khó khăn, thiệt hại mà người sản xuất gặp phải. Đồng thời cán bộ kỹ thuật của Trung tâm đã trực tiếp hướng dẫn thao tác kỹ thuật để các hộ nắm bắt và thực hiện.

Ngoài ra, các tổ công tác cũng tuyên truyền, giới thiệu đến chính quyền địa phương, các Hợp tác xã, chủ trang trại và các hộ nông dân về nguồn vốn Quỹ khuyến nông thành phố; Hướng dẫn các điều kiện, thủ tục vay vốn Quỹ khuyến nông nhằm hỗ trợ các hộ dân có nhu cầu vay vốn tái sản xuất.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống khuyến nông, hi vọng bà con nông dân sớm khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng khôi phục sản xuất để ổn định cuộc sống, hướng tới vụ Đông thắng lợi./.

Nguyễn Thúy