Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Khối thi đua số 03 Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội ký kết giao ước thi đua năm 2024

Khối thi đua số 03, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội gồm 07 đơn vị sự nghiệp: Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Phát triển nông nghiệp, Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, Trung tâm Cứu hộ Động vật hoang dã, Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp, Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng và Ban Quản lý và Duy tu các công trình nông nghiệp, nông thôn. Được sự quan tâm, chỉ đạo của thành phố và Sở Nông nghiệp & PTNT, sự nỗ lực phấn đấu của các đơn vị trong khối, năm 2023 đã đạt kết quả khá toàn diện, hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ, chương trình công tác được giao, các phong trào thi đua do Trung ương và Thành phố phát động.


Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương phát biểu tại Lễ ký kết giao ước thi đua năm 2024 Khối thi đua số 03.

Thực hiện Quyết định số 522/QĐ-UBND ngày 25/01/2017 của UBND Thành phố về việc Ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc thành phố Hà Nội. 100% cán bộ, viên chức, người lao động thuộc các đơn vị trong khối luôn chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế đơn vị; có ý thức tổ chức kỷ luật, giữ gìn đoàn kết nội bộ, nêu cao tinh thần trách nhiệm, có thái độ hòa nhã, lịch sự; duy trì chuẩn mực trong giao tiếp, ứng xử, trang phục gọn gàng, lịch sự phù hợp với tính chất công việc tại cơ quan, đơn vị; Đẩy mạnh kiểm tra, xử lý vi phạm và công khai việc xử lý vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đảm bảo quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm, đúng mục đích ngân sách được giao.

Năm 2023, phong trào thi đua được các đơn vị thành viên trong khối triển khai thực hiện sâu rộng; nội dung thi đua theo đúng quy định; các tiêu chí thực hiện đều đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch như: đã xây dựng công tác thi đua, khen thưởng, đăng ký chuyên đề thi đua, phát động một số phong trào thi đua lớn như: Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới; “Cải cách hành chính”, "Người tốt - Việc tốt”, thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”,... Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng các điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực công tác ngành nông nghiệp & PTNT.

Kết quả năm 2023, 39 cá nhân là cán bộ, viên chức, người lao động trong khối được Giám đốc Sở đã công nhận danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. Trong phong trào thi đua “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”, năm 2023, 100% viên chức, hợp đồng lao động tại các đơn vị tích cực tham gia hưởng ứng phong trào thi đua, đã có 82 sáng kiến, giải pháp mới của viên chức, người lao động trong cụm được đưa vào áp dụng thực hiện và được công Sở công nhận.

Ngoài ra, các đơn vị còn đẩy mạnh thi đua xây dựng tổ chức Đảng, đoàn thể chính trị trong sạch, vững mạnh. Trong các đợt thi đua trọng tâm, các phong trào thi đua đặc thù của thành phố, các đơn vị trong khối đã tổ chức thành các đợt thi đua với các chủ đề cụ thể, gắn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, thi đua lập thành tích chào mừng ngày lễ lớn của đất nước như: Thi đua hoàn thành nhiệm vụ kinh tế - xã hội của Sở, của thành phố năm 2023 gắn với các đợt thi đua chào mừng Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03/02); ngày thành lập Đảng bộ thành phố Hà Nội (17/3); Kỷ niệm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4); Thi đua lập thành tích chào mừng ngày sinh Bác (19/5), kỷ niệm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6)... Trên từng lĩnh vực phân công, các đơn vị trong khối cũng đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Đối với công tác Khuyến nông, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông tổ chức triển khai thực hiện tổng số 18 mô hình tại 79 điểm trên địa bàn thành phố với 804 hộ, hợp tác xã tham gia thực hiện. Trong đó: Khuyến nông trồng trọt có 10 mô hình triển khai tại 25 điểm với 644 hộ và hợp tác xã tham gia thực hiện, triển khai sản xuất trên tổng 185,5 ha diện tích và 250 tấn nguyên liệu; khuyến nông chăn nuôi có 5 mô hình triển khai tại 39 điểm với 124 hộ tham gia thực hiện trên 31.050 con vật nuôi; khuyến nông Thuỷ sản có 3 mô hình triển khai tại 15 điểm với 36 hộ tham gia thực hiện trên tổng diện tích 39 ha mặt nước. Các mô hình cơ bản thực hiện đúng kế hoạch, đạt được kết quả theo yêu cầu đề ra. Công tác thông tin tuyên truyền, công tác quản lý, sử dụng Quỹ khuyến nông đạt kết quả cao. Tổng nguồn kinh phí Quỹ khuyến nông có số dư đến 31/12/2022 là 213 tỷ đồng, trong đó kinh phí quỹ khuyến nông nguồn phát triển sản xuất là 156,8 tỷ đồng, kinh phí Quỹ khuyến nông nguồn phát triển cơ giới hóa là 56,2 tỷ đồng.

Năm 2023, Trung tâm Phát triển nông nghiệp đã thực hiện tốt các Kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025 (phân kỳ năm 2023). Thực hiện kế hoạch phát triển sản xuất lua Japonica và lúa chất lượng cao hàng hoá theo tiêu chuẩn xuất khẩu giai đoạn 2021 - 2025, Trung tâm đã khảo nghiệm, kiểm nghiệm lựa chọn được 04 giống lúa có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với điều kiện sinh thái và phương thức canh tác tạị Hà Nội gồm: giống lúa Japonica (J02); giống lúa thuần chất lượng (Đài thơm 8, HD11) và giống lúa thảo dược (Bách hợp); Triển khai phát triển sản xuất được 3.862 ha lúa Japonica và lúa chất lượng cao tại 40 hợp tác xã; Xây dựng, duy trì và phát triển được 03 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm... Kế hoạch phát triển sản xuất giống bưởi đỏ Tân Lạc và một số giống bưởi đặc sản Hà Nội, Trung tâm đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân trong việc trồng, chăm sóc cây bưởi. Đã hình thành và phát triển được 7 chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ có hiệu quả. Với mục tiêu trồng mới và thay thế giống chuối chất lượng cao, Trung tâm đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến, vận động nông dân tham gia trồng chuối với quy mô 123 ha tại huyện Mê Linh, Ba Vì, Phúc Thọ và Đan Phượng; góp phần đưa diện tích chuối của Hà Nội đạt 3.950 ha, tăng lên 19,9% so với diện tích năm 2020; hình thành nên 54 vùng trồng chuối, mở rộng 16 vùng so với năm 2020; tổ chức triển khai cấp 09 giấy chứng nhận VietGAP cho các điểm sản xuất với quy mô 123 ha.

Lĩnh vực bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trên cơ sở kế hoạch đã được phê duyệt, trong năm 2023, Trung tâm Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới Hà Nội phối hợp truyền thông về nước sạch và bảo vệ môi trường nông nghiệp, nông thôn; Hoàn thành 100% so với kế hoạch giao về công tác theo dõi - đánh giá về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Công tác xây dựng bộ cơ sở dữ liệu theo dõi đánh giá về môi trường trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Năm 2023, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã (ĐVHD) Hà Nội đã tổ chức tiếp nhận 107 vụ với 1.123 cá thể động vật hoang dã và 117,2 kg rắn các loại. Đã tổ chức tốt công tác cứu hộ, phòng bệnh cho các cá thể động vật hoang dã và đã tổ chức tái thả ĐVHD về môi trường tự nhiên 06 đợt với 495 cá thể và 75,8 kg rắn các loại tại Vườn quốc gia Ba Vì; Vườn quốc gia Vũ Quang; Vườn quốc gia Bạch Mã; Vườn quốc gia Cát Tiên; Khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên.

Kết quả công tác phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp, năm 2023, Trung tâm phân tích và chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp đã lấy mẫu và phân tích 2.492 mẫu. Trong đó, phân tích mẫu phục vụ Chương trình kiểm nghiệm an toàn thực phẩm và vật tư nông nghiệp của thành phố là 1.765 mẫu (đạt 101% kế hoạch được giao); Đã thực hiện phân tích và trả kết quả 81.733 lượt chỉ tiêu/1.765 mẫu; Phân tích mẫu phục vụ hoạt động chứng nhận (tính đến hết tháng 11/2023), tổng số mẫu đã lấy là 727 mẫu. Đã thực hiện phân tích và trả kết quả 3.973 lượt chỉ tiêu/688 mẫu. Công tác chứng nhận hợp chuẩn, hợp quy sản phẩm nông nghiệp, vật tư nông nghiệp, năm 2023 tổng số cơ sở chứng nhận có hiệu lực là 274 cơ sở, trong đó chứng nhận mới năm 2023 là 82 cơ sở.

Lĩnh vực Quản lý và Duy tu công trình Nông nghiệp và phát triển nông thôn: Các dự án nguồn sự nghiệp kinh tế đang triển khai thực hiện đảm bảo đúng tiến độ và vượt mức so với năm 2022; Công tác duy tu bảo dưỡng, vận hành cụm công trình phân lũ sông Đáy được thực hiện tốt.

Lĩnh vực quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng: Về quản lý, bảo vệ rừng, trong năm 2023 Ban đã tổ chức tổ chức ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng năm 2023 với 144 hộ và cá nhân (trong đó 135 hộ gia đinh, 09 cá nhân) trên địa bàn rừng đặc dụng Hương Sơn với diện tích 3.384,67 ha; Ký hợp đồng khoán bảo vệ rừng với 378 hộ và cá nhân trên địa bàn rừng phòng hộ Sóc Sơn Sơn với diện tích 2.627,73 ha; Thường xuyên phối hợp với các đơn vị, địa phương trong việc BVR - PCCCR. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc công tác quản lý bảo vệ rừng; PCCCR của các hộ chủ nhận khoán rừng...

Năm 2024, các đơn vị trong khối tiếp thi đua tập trung thực hiện các nhiệm vụ như: Duy trì và thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh tuyên truyền triển khai Nghị quyết số 08/2023/NQ-HĐND; Thi đua đẩy mạnh cải cách hành chính, các phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo... Khối thi đua số 03 Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội cũng đã ký kết giao ước thi đua năm 2024 với các nội dung chính như sau: Đẩy mạnh các phong trào thi đua gắn với việc thực hiện tốt các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội theo Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình, Kế hoạch công tác năm 2024 của Thành phố “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”; Thi đua chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện chính trị trọng đại  của Thủ đô, đất nước; Thi đua thực hiện tốt chương trình công tác, nhiệm vụ chính trị, chuyên môn, phấn đấu hòn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch được Bộ Nông nghiệp & PTNT, UBND thành phố, Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội giao năm 2024; Thi đua xây dựng Khối thi đua số 03 hoạt động có nề nếp, đúng quy định, thiết thực và hiệu quả..../.

Nguyễn Vàn