Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết quả triển khai Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Lâm Đồng

Lâm Đồng là địa phương được đánh giá đa dạng về chủng loại cây trồng, vật nuôi, có quy mô diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao lớn, với nhiều công nghệ, thiết bị, giống mới được sử dụng; thuận lợi cho phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, tính đến năm 2019, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ tại Lâm Đồng còn khá thấp, chỉ có khoảng 105,24 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận trên địa bàn tỉnh (trong đó lĩnh vực trồng trọt chỉ có 14,04 ha chứng nhận hữu cơ và bán hữu cơ là 21,2 ha, trong lĩnh vực chăn nuôi là 70ha đồng cỏ). Diện tích này chiếm một tỷ lệ rất thấp trong tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp (khoảng 0,035%) và chiếm khoảng 0,186% trong tổng diện tích sản xuất nông nghiệp theo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Lâm Đồng còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ.



Nghị định 109/2018/NĐ-CP ngày 29/8/2018 của chính phủ ban hành là điều kiện thuận lợi, cơ sở pháp lý cho việc triển khai các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp hữu cơ. Với sự quan tâm, chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy phát triển hơn nữa nền nông nghiệp tỉnh nhà, trong đó có Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 11/11/2016 về Phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững, hiện đại đến năm 2020 và định hướng đến năm 2025; Kế hoạch Cơ cấu lại ngành Nông nghiệp và PTNT hướng đến toàn diện, bền vững, hiện đại giai đoạn 2021-2025; Chương trình Khuyến nông giai đoạn 2021-2025; Chương trình Tái cơ cấu ngành... Đặc biệt, Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025 được UBND tỉnh phê duyệt ngày 20/11/2020 đã tạo bước chuyển biến về sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh và đã có nhiều tổ chức và cá nhân tham gia vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ.

Kết quả Phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Lâm Đồng

Sau gần 02 năm thực hiện Nghị định 109/2018/NĐ-CP của Chính phủ và Quyết định số 2666/QĐ-UBND ngày 20/11/2020 của UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ, bước đầu đã đạt được một số kết quả, cụ thể:

Đã điều tra, khảo sát đánh giá hiện trạng sản xuất hữu cơ trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025, qua đó xác định được 171 vùng đủ điều kiện sản xuất hữu cơ với diện tích 18.980 ha. Trên cơ sở đó, xây dựng các kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ phù hợp đối với từng vùng, từng địa phương và từng loại cây trồng, vật nuôi. Hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo sản xuất, tập trung nguồn lực, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân có nhu cầu sản xuất sản phẩm hữu cơ đầu tư vào sản xuất. Xây dựng và ban hành 17 quy trình tạm thời về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ yếu trên địa bàn tỉnh bao gồm: Rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ, củ năng, lúa, chè, cà phê (cà phê vối và cà phê chè), sầu riêng, bơ, chuối, mắc ca, atiso, nấm rơm, đương quy, bò sữa, bò thịt và gà đẻ trứng. Hiện các quy trình đã được ban hành là cơ sở để áp dụng vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ của tỉnh. Đào tạo, tập huấn 26 lớp với gần 920 lượt người tham gia, tuyên truyền ứng dụng vào sản xuất thực tế trên địa bàn tỉnh. Với các nội dung tập huấn giới thiệu tổng quan về Đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, các quy chuẩn, tiêu chuẩn trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ, các quy trình trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ phù hợp với từng địa phương. Qua các lớp tập huấn, cơ bản các cán bộ nông nghiệp cấp huyện, xã, thị trấn và bà con nông dân đã nắm được những kiến thức cơ bản trong sản xuất nông nghiệp hữu cơ đối với trồng trọt, chăn nuôi hiện nay. Xây dựng 13 mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh để người dân học tập và từng bước nhân rộng. Mô hình đã hỗ trợ vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và hướng dẫn nông hộ thực hiện quy trình sản xuất hữu cơ. Không sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật hóa học, phân bón hóa học... khuyến khích nông hộ tưới nguồn nước sạch, ghi chép sổ nhật ký sản xuất, thu gom rác thải trong quá trình sản xuất và tạo vùng đệm xung quanh.

Thực hiện tư vấn, khảo sát, đánh giá 16 tổ chức, cá nhân và đã cấp được 13 giấy chứng nhận sản xuất nông nghiệp hữu cơ cho các tổ chức cá nhân trên địa bàn tỉnh. Từng bước xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại sản phẩm hữu cơ, đã hỗ trợ xây dựng 3 chuỗi liên kết sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hữu cơ năm 2021 và 3 chuỗi năm 2022, xây dựng được 02 thương hiệu và 03 đợt xúc tiến thương mại cho các đơn vị, tổ chức tham gia đăng ký.

Đến nay, đã có 28 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận sản xuất hữu cơ với tổng diện tích sản xuất trồng trọt được cấp giấy chứng nhận hữu cơ trên địa bàn tỉnh là 1.334,21 ha (đạt 83,4% mục tiêu Đề án). Trong đó, diện tích rau, củ, quả hữu cơ là 54,24 ha tập trung tại các huyện Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà và thành phố Đà Lạt; 20 ha lúa tại huyện Cát Tiên; 3,97 ha cây ăn quả (măng cụt: 1,37 ha và phúc bồn tử: 2,6 ha); 04 ha nếp quyt tại huyện Đạ Tẻh; 06 ha cà phê tại huyện Di Linh; 6,5 ha nấm tại huyện Lạc Dương và TP. Đà Lạt; 05 ha chè tại huyện Lâm Hà; 3,6 ha mắc ca tại huyện Di Linh và 1.090,4 ha điều tại huyện Đạ Tẻh. Đối với sản xuất chăn nuôi, trên địa bàn tỉnh hiện có 137,2 ha đồng cỏ để phục vụ chăn nuôi bò sữa tại huyện Di Linh và Đơn Dương với 1.005 con bò sữa đạt chứng nhận hữu cơ của Công ty Cổ phần sữa Việt Nam xây dựng Trang trại bò sữa hữu cơ Đà Lạt (đạt 50% mục tiêu Đề án). Ngoài ra, hiện có một số tổ chức, cá nhân đang sản xuất áp dụng theo quy trình hữu cơ (đang ở trong giai đoạn chuyển đổi) có nhu cầu cấp giấy chứng nhận hữu cơ trong thời gian tới.

Định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ tại Lâm Đồng trong thời gian tới

Tiếp tục triển khai có hiệu quả Đề án Phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2023-2025: Phát triển diện tích sản xuất trồng trọt hữu cơ đạt khoảng 1.600 ha (trong đó: Diện tích rau, củ, quả hữu cơ 250 ha/sản lượng khoảng 6.500 tấn; diện tích cây ăn quả hữu cơ 200 ha/sản lượng khoảng 1.300 tấn; diện tích lúa hữu cơ 150 ha/sản lượng khoảng 580 tấn (lúa nếp, lúa tẻ); diện tích chè hữu cơ 200 ha/sản lượng khoảng 950 tấn; diện tích cà phê hữu cơ 400 ha/sản lượng khoảng 700 tấn; diện tích mắc ca hữu cơ 200 ha/sản lượng khoảng 400 tấn; diện tích dược liệu hữu cơ 150 ha/sản lượng khoảng 1.150 tấn; diện tích nấm hữu cơ 50 ha/sản lượng khoảng 100 tấn. Phát triển chăn nuôi hữu cơ: Đàn bò sữa hữu cơ đạt 2.000 con/sản lượng sữa hữu cơ đạt khoảng 5.800 tấn; Đàn bò thịt hữu cơ đạt 400 con/sản lượng thịt hữu cơ 48 tấn; đàn gà hữu cơ lấy trứng đạt 20.000 con/sản lượng trứng hữu cơ đạt khoảng 3.200.000 quả. Trên 90% sản lượng sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận đảm bảo đầu ra, có thị trường tiêu thụ ổn định, bền vững thông qua việc ký kết hợp đồng tiêu thụ hoặc tham gia các chuỗi giá trị. Toàn tỉnh có ít nhất 40 tổ chức, cá nhân được chứng nhận sản xuất hữu cơ.

Với định hướng phát triển nền nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Lâm Đồng có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường, khuyến khích phát triển sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đạt tiêu chuẩn, có chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới, đưa nông nghiệp hữu cơ của tỉnh Lâm Đồng trở thành địa phương có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ đứng đầu cả nước. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng quy mô diện tích, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng của sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; hình thành vùng nguyên liệu ổn định, phát triển công nghiệp chế biến để tạo ra nhiều sản phẩm hữu cơ đặc thù của địa phương hướng đến thị trường xuất khẩu; góp phần đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người sản xuất, góp phần đảm bảo tốc độ tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng trong thời gian tới./.

Trần Văn Tuận - TTKN Lâm Đồng