Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kết quả thực hiện chương trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, thủy sản của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Hải Phòng năm 2017

Thực phẩm là một trong những nhu cầu thiết yếu của con người, việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Chất lượng an toàn thực phẩm không những ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mỗi người dân mà còn tác động tới sự phát triển kinh tế, văn hóa-xã hội, an ninh chính trị của thành phố và trong quan hệ quốc tế. Việc nhận diện và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản là một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc xây dựng và hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng, tiêu dùng trong chuỗi nông, thuỷ sản thành phố theo hướng từ "trang trại đến bàn ăn". Đây là điều rất cần thiết đáp ứng, bảo vệ người tiêu dùng đồng thời cũng là cách doanh nghiệp khẳng định sự minh bạch và uy tín của mình, xây dựng hình ảnh thương hiệu đáng tin cậy đối với thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời sẽ là giải pháp quan trọng để trong thời gian tới phòng ngừa hạn chế mức thấp nhất diễn biến xấu của bão giá thị trường như trong năm vừa qua đã gây thiệt hại nặng cho ngành chăn nuôi lợn, rau màu, cá nước ngọt... trên địa bàn thành phố.



Nhận thức sâu sắc vấn đề này, trong năm qua Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng đã phê duyệt kế hoạch tại Quyết định số 834/QĐ-UBND ngày 14/4/2017; Sở Nông nghiệp và PTNT đã giao cho Trung tâm Khuyến nông chủ trì, phối hợp với các huyện, quận, tổ chức, cá nhân tổ chức thực hiện hỗ trợ sản xuất, liên kết tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản.

NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC

  1. Kết quả xây dựng hệ thống dữ liệu, xử lý thông tin truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản Hải Phòng

Trung tâm đã lựa chọn Công ty CP Thiết kế bao bì đồ họa chuyên nghiệp là đơn vị tư vấn phát triển phần mềm, chuyển giao công nghệ dựa trên nền tảng đã được xây dựng năm 2016. Đến nay cổng giao diện điện tử Nông sản an toàn Hải Phòng (HPA+) đã hoàn thiện, chức năng như sàn giao dịch ảo, có 23 tính năng cơ bản như: quản trị hệ thống; phân quyền; chát support; gửi  tin nhắn quảng cáo dịch vụ; tùy biến giao diện quản trị; thống kê báo cáo; cập nhật tin bài, vidieo; tạo Slide show; cấp phát, quản lý tem truy xuất nguồn gốc; tổng đài nhắn tin; quản lý điểm bán; quản lý thành viên; quản lý nông hộ; giao diện người tiêu dùng... Đã thiết lập và vận hành tổng đài hỗ trợ sản xuất và người tiêu dùng (số 1900.2602), hotline: 0941.290.366: tư vấn trong và ngoài giờ làm việc trong tuần.

  1. Kết quả hỗ trợ cho sản xuất và liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm

Trong năm 2017, bằng nguồn ngân sách thành phố hỗ trợ, Trung tâm Khuyến nông đã phối hợp với các huyện, quận, các tổ chức cá nhân (24 tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc 41 sản phẩm nông sản chủ lực trên địa bàn thành phố), cụ thể như sau:

Lĩnh vực trồng trọt: Đã triển khai mô hình hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi, liên kết tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc cho 31 sản phẩm của 14 tổ chức, cá nhân sản xuất; quy mô 84,2 ha (sản xuất lúa thương phẩm lúa J02; giống cà chua ghép gốc cà tím EG203; giống bí xanh PD999; giống dưa lê Kim Hồng Vương, táo Bàng La, na dai Liên Khê…); 50 tấn nguyên liệu nấm. Tiến bộ kỹ thuật đã áp dụng: chế phẩm xử lý rơm rạ AT-YTB, Sumitri; phân bón NPK đất hiếm; quy trình sản xuất lúa theo VietGAP; quy trình sản xuất rau an toàn trái vụ áp dụng vòm che thấp... Sản lượng đạt 2.062 tấn. Năng suất lúa, rau màu tăng 10 – 15%, hiệu quả kinh tế tăng 15 – 20% so với sản xuất đại trà; 14 tổ chức, cá nhân tham gia chương trình đã được phân quyền admin chủ động quản lý, truy xuất sản phẩm, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên trang (HPA+). Đã liên kết tiêu thụ sản phẩm với các công ty: Công ty cổ phần chế biến nông sản Bảo Minh; Công ty TNHH Phú Điền; Công ty Vienco; Công ty TNHH thực phẩm xanh Kỳ Duyên… Đạt 100% kế hoạch đề ra.

Lĩnh vực chăn nuôi: Đã triển khai mô hình hỗ trợ liên kết sản xuất theo chuỗi, liên kết tiêu thụ gắn với truy xuất nguồn gốc cho 5 sản phẩm của 4 tổ chức, cá nhân; quy mô 20.000 con gà đẻ, 22.000 con gà thịt, 1.000 con lợn thịt, 10.000 con vịt đẻ. Sản lượng đạt 140 tấn thịt gà, 240 tấn thịt lợn, 4 triệu quả trứng gà/năm; 3 triệu quả trứng vịt/năm. Tiến bộ kỹ thuật đã áp dụng: Giống (lợn siêu nạc, gà lông màu, vịt TC...); quy trình VietGAHP; đệm lót sinh học (Balasa, Emuniv...), chế phẩm vi sinh bổ sung thức ăn, nước uống, chế phẩm acid hữu cơ thay thế kháng sinh (Megaicd L), giúp cho vật nuôi tăng cường tiêu hóa, hấp thu, hạn chế các bệnh về đường tiêu hóa, hạn chế sử dụng kháng sinh. Nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường...

Hiệu quả kinh tế tăng khoảng 15% so với sản xuất thông thường. 4 công ty, HTX tham gia chương trình đã được phân quyền admin chủ động quản lý, truy xuất sản phẩm, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên trang (HPA+). Đạt 100% kế hoạch đề ra.

Lĩnh vực thủy sản: đã triển khai mô hình truy xuất cho 5 sản phẩm của 5 doanh nghiệp, HTX; quy mô 231,3 ha. Tiến bộ kỹ thuật đã áp dụng: chế phẩm sinh học BioWish (chế phẩm sinh học xử lý môi trường, thức ăn chức năng sinh học cho tôm cá); quy trình nuôi được áp dụng theo các tiêu chí quy phạm nuôi VietGAP, đảm bảo an toàn thực phẩm.

Tôm thẻ chân trắng, năng suất bình 11 tấn/ha, sản lượng đạt 231 tấn. Cá vược Mắt rồng năng suất đạt 30 tấn/ha, sản lượng đạt 6.300 tấn. Sản lượng nước mắm đạt 1.150.000 lít; 5 doanh nghiệp, HTX tham gia chương trình đã được phân quyền admin chủ động quản lý, truy xuất sản phẩm, quảng bá, xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm trên trang (HPA+). Đạt 100% kế hoạch đề ra.

  1. Kết quả  tập huấn cho cán bộ kỹ thuật, người sản xuất, cấp chứng nhận VietGAP, cơ sở đủ điều kiện sản xuất an toàn

- Tập huấn cho cán bộ kỹ thuật: Đã tổ chức 04 lớp tập huấn cho 200 cán bộ kỹ thuật về nhận biết, quản lý, sử dụng khai thác hệ thống truy xuất sản phẩm (HPA+).

- Tập huấn cho người sản xuất: Tổ chức 45 lớp tập huấn cho 1.416 lượt người sản xuất. Trong đó, 18 lớp trồng trọt cho 616 lượt người; 10 lớp chăn nuôi cho 200 lượt người; 10 lớp thủy sản cho 500 lượt người; thông qua các lớp tập huấn, người sản xuất được hướng dẫn kỹ thuật sản xuất sản phẩm an toàn theo quy trình VietGAP, sản xuất hữu cơ, và bước đầu tiếp cận và sử dụng smart phone truy xuất sản phẩm; nâng cao ý thức, hiểu được quy định trách nhiệm khi tham gia hệ thống truy xuất...

- Chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất an toàn thực phẩm: Chi cục Quản lý chất lượng Nông Lâm Thủy sản đánh giá cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất an toàn cho 07 cơ sở sản xuất. Đã chứng nhận vùng, sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP cho 19 công ty và HTX. Đạt 100% kế hoạch.

  1. Thiết lập, bảo hộ logo và tem nhãn, bao bì sản phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc

- Hỗ trợ chắp cánh thương hiệu cho 18 tổ chức, cá nhân: Thiết kế logo đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa lên Cục Sở hữu trí tuệ từ tháng 10/2017. Trồng trọt có 10 tổ chức, cá nhân; chăn nuôi có 4 công ty, HTX; thủy sản có 5 công ty, HTX.

- Đã xây dựng biển hiện giới thiệu vùng sản xuất cho 23 tổ chức, cá nhân sản xuất trồng chăn nuôi, thủy sản. Trong đó, trồng trọt có 14 tổ chức, cá nhân; chăn nuôi có 4 công ty, HTX; thủy sản có 5 công ty, HTX.

- Đã thiết kế, in ấn, cấp phát tem, túi phù hợp với từng loại sản phẩm cho 41 sản phẩm lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản.

  1. Thiết lập điểm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn

Thiết lập 05 điểm giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm nông sản an toàn bao gồm: 01 gian/quầy hàng tại khu tiêu thụ nông sản trong siêu thị Coopmak; 02 cửa hàng tiện tích tại các quận Lê Chân, Dương Kinh; và 02 quầy hàng tại chợ dân sinh tại huyện Kiến Thụy, Tiên Lãng. Sản phẩm nông sản an toàn, có gắn tem truy xuất nguồn gốc trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

  1. Truyền thông quảng bá nông sản an toàn, hệ thống truy xuất

Quảng cáo Facebook và Google: đã hoàn thiện phần mềm phân loại đối tượng truy cập mạng, từ đó chèn quảng cáo khi người tiêu dùng vào mạng Facebook và Google, sẽ hiển thị quảng cáo về chuỗi nông sản an toàn Hải Phòng.

MỘT SỐ TỒN TẠI, KHÓ KHĂN

- Việc thiết lập, quản lý điều hành hệ thống dữ liệu, xử lý thông tin truy xuất nguồn gốc và hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản Hải Phòng (HPAP) còn rất mới mẻ cả về cách quản trị hệ thống, phương pháp tổ chức thực hiện của các doanh nghiệp, HTX, các hộ vệ tinh, hộ nông dân... cho nên đòi hỏi cần tiếp tục có sự hỗ trợ của thành phố, sở ngành,  huyện, cơ quan tư vấn cho doanh nghiệp, HTX hộ nông dân... tiếp tục duy trì, mở rộng trong những năm tới.

- Trình độ cán bộ quản lý HTX, doanh nghiệp, nông dân còn nhiều hạn chế, chưa đồng đều, chưa làm chủ công nghệ thông tin hiện đại, thiếu trang thiết bị quản lý, triển khai. Diện tích canh tác manh mún, số hộ nông dân nhiều, chủng loại sản phẩm lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản rất đa dạng, phong phú khó khăn cho công tác quản lý chỉ đạo, giám sát, điều hành theo hệ thống, cập nhật dữ liệu quản lý tại cơ sở sản xuất và của Trung tâm Khuyến nông trong quản trị trang (HPA+).

- Đối với hộ trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nhỏ lẻ khi tham gia hộ vệ tinh sản xuất cho doanh nghiệp, HTX rất khó trong khâu quản lý quy trình an toàn. Nếu không có hỗ trợ của nhà nước về ứng dụng TBKT, quản lý, giám sát quy trình kỹ thuật an toàn... thì nông dân sẽ không hoàn toàn áp dụng, tuân thủ kỷ luật sản xuất theo quy trình. Việc tuân thủ quy trình sản xuất của hộ gia đình chưa triệt để, cá biệt có hộ nông dân chưa dám khẳng định chất lượng sản phẩm khi gắn tem truy xuất. Vì vậy công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm an toàn sẽ gặp nhiều khó khăn.

- Năng lực kết nối tiêu thụ, tìm kiếm thị trường của một số cơ sở sản xuất, đặc biệt các HTX còn hạn chế. Vì vậy sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm bán giá không cao hơn sản phẩm ngoài sản xuất đại trà (không theo tiêu chuẩn). Áp dụng hệ thống truy xuất tại doanh nghiệp, HTX trước mắt sẽ phát sinh thêm khoản kinh phí. Nếu sản phẩm không bán giá cao hơn sẽ không khuyến khích sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm gắn với truy xuất nguồn gốc.

- Cơ chế chính sách hỗ trợ nông dân sản xuất an toàn, áp dụng công nghệ cao, công nghệ sơ chế, chế biến tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT KIẾN NGHỊ

- Đối với Bộ ngành Trung ương: cần sớm ban hành quy định, bộ tiêu chí chuẩn thống nhất (cụ thể về chất lượng sản phẩm để tránh tình trạng phân biệt hàng hóa của các địa phương, tạo ra sự cạnh tranh công bằng) cho hoạt động truy xuất nguồn gốc lĩnh vực nông nghiệp, thuỷ sản. Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc cấp quốc gia, hình thành trung tâm quản lý dữ liệu hoàn chỉnh, kết nối với các tỉnh/thành phố trong cả nước. Việc truy xuất nguồn gốc không chỉ mang đến những thông tin minh bạch về sản phẩm mà còn đảm nhiệm vai trò kết nối cung cầu, cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp, HTX... mở cửa tham gia sâu rộng thị trường trong nước và quốc tế.

- Đối với thành phố:

+ Thành phố sớm ban hành quy chế, quy định thực hiện Nghị quyết số 13/2017/ NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân thành phố.

+ Tiếp tục hỗ trợ kinh phí cho chương trình liên kết sản xuất theo chuỗi gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm năm 2018, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX, chủ trang trại, hộ nông dân tham gia. Tổ chức hội thảo, xúc tiến quảng bá các sản phẩm nông sản, chắp cánh thương hiệu, khuyến khích sản xuất nông sản theo tiêu chuẩn quốc gia, quốc tế có truy xuất nguồn gốc, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và nước ngoài.

+ Tăng cường công tác “một đầu mối quản lý“, trong đó Sở Công thương (quản lý chặt chẽ chất lượng, truy xuất hàng hoá nông sản vào các chợ, siêu thị; phải có tem truy xuất nguồn gốc); Sở Y tế (quản lý chặt chẽ chất lượng, truy xuất hàng hoá nông sản vào các nhà hàng, bếp ăn tập thể; phải có tem truy xuất nguồn gốc); Sở Nông nghiệp và PTNT quản lý chặt chẽ truy xuất hàng hoá nông sản ngay tại nơi sản xuất, bảo quản nông sản tại vùng sản xuất, chứng nhận sản phẩm; phải gắn tem truy xuất nguồn gốc; cơ sở sản xuất, kinh doanh phải đạt tiêu chuẩn an toàn).

+ Tăng cường quản lý chặt chẽ điều kiện vùng sản xuất, cơ sở sơ chế, chế biến; quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào như: chất lượng cây, con giống, phân bón; chất lượng thức ăn, thuốc thú y, thuốc thủy sản, chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật...

+ Đầu tư xây dựng chợ đầu mối nông sản sạch của thành phố. Hỗ trợ xây dựng hạ tầng kỹ thuật cho các vùng sản xuất tập trung (cả 3 lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản), các cơ sở chế biến nông, thủy sản.

+ Tổ chức tập huấn chuyên sâu, đào tạo cho các chủ doanh nghiệp, giám đốc, ban quản trị hợp tác, hộ vệ tinh, hộ nông dân về sản xuất hàng hoá theo chuỗi giá trị, truy xuất nguồn gốc và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

+ Tiếp tục nâng cấp trang (HPA+), đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại và thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm an toàn trong nông nghiệp, thủy sản./.

TTKN KN Hải Phòng