Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Kế hoạch phát triển hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh

Ngày 03/10/2019, UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành Kế hoạch số 228/KH-UBND về Phát triển hợp tác xã (HTX) ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, tiêu thụ nông sản; Hợp tác xã liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa hợp tác xã nông nghiệp với doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.



            Theo đó, mục tiêu cụ thể là: (1) Với hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao: Phấn đấu đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh có 30 HTX nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao và tiêu thụ nông sản (trong đó, trên 30% HTX ứng dụng các công nghệ 4.0, công nghệ sinh học, công nghệ tự động và bán tự động hóa, công nghệ sản xuất vật tư nông nghiệp, còn lại là các HTX ứng dụng kỹ thuật canh tác, nuôi trồng, chế biến, bảo quản. Nâng cao giá trị sản xuất các sản phẩn nông nghiệp khi ứng dụng công nghệ cao lên hơn 2,0 lần so với phương thức sản xuất thông thường. Phấn đấu đến hết năm 2020 có ít nhất 30 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất (đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch Bộ Nông nghiệp & PTNT giao). (2) Với hợp tác xã liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp: Xây dựng ít nhất 08 mô hình liên kết chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp cho các ngành hàng nông sản chủ lực như lúa, ba kích, trà hoa vàng, chè, miến dong, gà, lợn, mực, hàu… theo hình thức liên kết với doanh nghiệp để củng cố, phát triển HTX theo chuỗi giá trị nông sản an toàn, chất lượng. Ưu tiên hỗ trợ thành lập mới, phát triển HTX liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, trong đó có trên 50% các HTX nông nghiệp tham gia các chuỗi giá trị nông sản. Phấn đấu đến hết năm 2020 củng cố và phát triển các HTX nông nghiệp có liên kết sản xuất hoạt động hiệu quả đạt tỷ lệ từ 90% trở lên.

            Về quan điểm định hướng phát triển các HTX, kế hoạch nêu rõ việc hỗ trợ các HTX phát triển là nhiệm vụ quan trọng gắn với trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Tỉnh đến cơ sở. Quá trình thực hiện phải đảm bảo công khai, dân chủ, đúng mục đích, đúng đối tượng. Việc triển khai thực hiện nội dung kế hoạch phải kết hợp sự hỗ trợ của Nhà nước với sự tham gia chủ động, tích cực của HTX, sự theo dõi kiểm tra, giám sát, hướng dẫn thực hiện của chính quyền địa phương. Khi triển khai thực hiện kế hoạch theo lộ trình, trọng tâm, trọng điểm để đạt hiệu quả.

            Kế hoạch cũng đã nêu một số giải pháp cơ bản để thực hiện như: Giải pháp đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về phát triển HTX kiểu mới; Hỗ trợ tư vấn và đào tạo, bồi dưỡng cho hội đồng quản trị, thành viên và nông dân liên kết với HTX; Thu hút nguồn nhân lực về công tác tại HTX; Tăng cường phối hợp giữa các ngành trong việc hỗ trợ xây dựng các mô hình HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; Hỗ trợ các HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm trong quá trình tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển HTX; Hỗ trợ tiếp cận thị trường, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất thông qua các hoạt động; Huy động các tổ chức quốc tế hỗ trợ các HTX...

       Ngoài ra UBND tỉnh cũng yêu cầu các Sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể và định kỳ báo cáo kết quả thực hiện để tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện./.

                                                                              Minh Trí - TTKN Quảng Ninh