Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hưởng ứng ngày thế giới phòng, chống bệnh dại

Ngày Thế giới phòng, chống bệnh dại là sự kiện lớn trong phòng, chống bệnh dại toàn cầu, được kỷ niệm hàng năm vào ngày 28 tháng 9. Đây là sự kiện nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng và vận động cho bệnh dại được loại trừ trên toàn cầu. Ngày Thế giới phòng - chống bệnh dại năm 2023 tại Việt Nam với chủ đề Một sức khỏe “All for one, One health for all” nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng về phối hợp của toàn bộ xã hội hướng tới một mục tiêu chung không còn người tử vong do bệnh dại tại Việt Nam vào năm 2030.



Đến nay, bệnh dại vẫn là một trong số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có số tử vong trên người cao trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Mặc dù đã dự phòng được bằng vắc xin, thế giới vẫn ghi nhận xấp xỉ 60.000 ca tử vong do bệnh dại mỗi năm. Ở nước ta, bệnh dại đã lưu hành trong nhiều năm. Trước năm 2000, mỗi năm số tử vong do bệnh dại ghi nhận rất cao với 300 đến 400 trường hợp. Cùng với con số tử vong, hàng năm có trung bình khoảng 500.000 người bị chó mèo cắn phải điều trị dự phòng bằng vắc xin dại, phí tổn ước tính khoảng 800 tỷ đồng mỗi năm (Theo Cục Y tế Dự phòng).

   Trong 9 tháng năm 2023, tại Việt Nam đã có tới 64 ca tử vong ở cả miền Bắc, miền Nam, miền Trung và Tây Nguyên. Những tỉnh có người tử vong cao như: Gia Lai (11 người), Nghệ An ( 7 người), Điện Biên (6 người)… Theo phân loại động vật cắn người gây bệnh dại thì chó chiếm tỷ lệ 97%. Bệnh dại không chỉ gây tử vong trên người mà còn gây tổn thất lớn đến sức khỏe, tinh thần của người dân. Thời gian qua, công tác phòng, chống bệnh dại tại Việt Nam đã được quan tâm đẩy mạnh và đạt một số kết quả nhất định (Giai đoạn 2017 - 2021 trung bình mỗi năm có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 - 2016). Tuy nhiên từ đầu năm 2023 đến nay, dịch bệnh xuất hiện và tăng cao đột biến ở những tỉnh vốn không phải là khu vực trọng điểm về dại. Nguyên nhân cơ bản do số lượng chó nuôi trong các hộ dân tăng, việc quản lý đàn chó nuôi chưa chặt chẽ, tỷ lệ tiêm phòng cho đàn chó còn thấp. Nguyên nhân trực tiếp gây tử vong do dại trên người chủ yếu là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng vắc xin, nguyên nhân gián tiếp là do tỷ lệ tiêm vắc xin phòng dại trên đàn chó mèo còn thấp. Đây chính là hai vấn đề trọng điểm cần được ưu tiên giải quyết trong Chương trình Quốc gia phòng, chống bệnh dại giai đoạn 2022 - 2030 nhằm đạt được mục tiêu không còn người tử vong do dại tại Việt Nam vào năm 2030.

  Hà Nội, với mục tiêu “Kiểm soát được bệnh dại trên đàn chó, mèo nuôi và phấn đấu không có người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030 và các năm tiếp theo, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng”; ngày 04/4/2022 Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch hoạch số 105/KH-UBND về thực hiện Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2022 - 2030. Để thực hiện có hiệu quả kế hoạch, UBND Thành phố đã giao nhiệm vụ, trách nhiệm cụ thể tới từng cấp, ngành, lĩnh vực đảm bảo thực hiện tốt một số mục tiêu trọng tâm: (i) Quản lý được trên 90% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo, (ii) Duy trì tỷ lệ tiêm vắc xin dại trên 90% tổng đàn chó, mèo nuôi hàng năm, (iii) Hoàn thành xây dựng vùng an toàn bệnh dại đối với các quận chưa được công nhận hiện nay trước năm 2025; duy trì tốt các điều kiện an toàn dịch bệnh đối với 100% các vùng an toàn dịch bệnh dại đã được công nhận trong giai đoạn 2017 - 2021, (iv) Phấn đấu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh dại đối với các quận mới thành lập trước năm 2030; xây dựng thành công ít nhất 05 cơ sở an toàn dịch bệnh dại cấp xã tại các huyện và thị xã, (v) Đến năm 2025, giảm 50% số người bị tử vong vì bệnh dại so với giai đoạn 2017 - 2021 và phấn đấu không còn người tử vong vì bệnh dại vào năm 2030 và các năm tiếp theo, (vi) 100% các quận, huyện, thị xã thực hiện truyền thông nguy cơ và nâng cao nhận thức về bệnh dại ở cộng đồng, trường học. 100% số người tiêm vắc xin phòng bệnh dại do động vật cắn được báo cáo qua hệ thống báo cáo quốc gia, (vii) 100% các quận, huyện, thị xã không có nguy cơ từ trung bình trở lên về bệnh dại trên người trong cả giai đoạn 2022 - 2030…

   Trong những năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo và đầu tư kinh phí của UBND các cấp; sự quyết tâm vào cuộc của các ban, ngành, đoàn thể; công tác phòng, chống bệnh dại trên địa bàn Thành phố đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ: (i) Có 08 quận được Cục Thú y chứng nhận là vùng an toàn bệnh dại, kế hoạch từ nay đến cuối năm 2023 trên địa bàn Thành phố sẽ xây dựng được 02 quận là vùng an toàn bệnh dại ( đạt 83% kế hoạch); (ii) Công tác tiêm phòng vắc xin dại được triển khai hiệu quả trên địa bàn các quận, huyện, thị xã; kết quả tiêm phòng hằng năm đều đạt trên 90% tổng đàn thuộc diện tiêm. Định kỳ tổ chức lấy mẫu giám sát sau tiêm phòng đánh giá tỷ lệ bảo hộ vắc xin dại theo đúng quy định tại Thông tư số 24/2022/TT-BNNPTNT quy định về cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh động vật; (iii) 100% UBND cấp xã có sổ theo dõi đàn chó, mèo đến đơn vị cấp thôn. Tại các quận đã được công nhận an toàn dịch bệnh dại, các phường đã thành lập đội bắt chó thả rông duy trì hoạt động thường xuyên và quy định cụ thể việc bắt chó thả rông ở nơi công cộng, quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận. Đặc biệt, một số địa phương đã triển khai đeo vòng nhận diện chó, mèo đã được tiêm phòng vacxin; (iv) Trong năm 2023, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Nội phối hợp Chính quyền cơ sở đã tổ chức thành công 35 lớp tập huấn tuyên truyền cho các đối tượng là Lãnh đạo UBND các xã, thị trấn; cán bộ thuộc hệ thống chính trị và các hộ nuôi chó, mèo. Kết thúc đợt tập huấn, Lãnh đạo UBND các xã, thị trấn và người dân đánh giá cao giá trị và ý nghĩa của đợt tập huấn tuyên truyền.

   Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được và hướng tới mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân và cộng đồng và không có người tử vong vì bệnh Dại vào năm 2030 và các năm tiếp theo, góp phần xây dựng Thủ đô “Văn minh, Hiện đại, An toàn” không thể chỉ dựa vào nỗ lực đơn lẻ của ngành Y tế hoặc ngành Thú y mà cần cả hệ thống chính trị vào cuộc, sự phối hợp liên ngành một cách chủ động, chặt chẽ, thường xuyên, đặc biệt là sự tham gia của các cấp chính quyền và ý thức cao của toàn thể nhân dân và đặc biệt mỗi người dân phải là một chiến sĩ trên mặt trận phòng-chống dịch bệnh. Theo đó:

   * Khuyến cáo người dân khi bị chó, mèo cắn cần:

   Vệ sinh vết thương: Cần tách rời quần áo ra khỏi vết cắn, trong trường hợp vết cắn ở chân thì nên dùng kéo cắt bỏ phần vải tại vị trí cắn. Điều này giúp hạn chế nước bọt của động vật bám nhiều hơn vào vết thương.

   Rửa vết thương dưới vòi nước chảy mạnh trong vòng 15 phút, nước ấm càng tốt. Sau đó, rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn i-ốt hoặc Povidone-Iodine…., tuyệt đối không cố gắng nặn máu. Không nên chà sát vết thương, tránh làm vết thương trầm trọng hơn.

   Băng bó vết thương: Sau khi vệ sinh vết thương, người bệnh nên dùng gạc y tế hoặc vải sạch để băng bó vết thương để cầm máu đồng thời tránh trường hợp vi khuẩn xâm nhập. Tuy nhiên, không nên băng bó quá chặt khiến máu khó lưu thông.

   Tiêm phòng: Người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm vắc xin phòng dại ngay sau bị chó cắn. Lịch tiêm theo lộ trình và loại vắc xin phòng dại sẽ được các bác sĩ tư vấn phù hợp.

   Hiện nay, vắc xin dại đã được sản xuất theo công nghệ mới nên rất an toàn, đáp ứng miễn dịch cao khi tiêm đủ liều. Vắc xin dại thế hệ mới không chứa các tế bào thần kinh nên không gây hại và không ảnh hưởng đến sức khỏe và trí nhớ của người tiêm.

   Bên cạnh đó, để đảm bảo xử lý đúng phương pháp khi bị chó cắn, người dân không nên làm những điều sau: (i) Không đắp, sát bất cứ loại lá nào lên vết thương, (ii) Không chữa dại bằng thuốc Đông, thuốc Nam hoặc thuốc lá, (iii) Không kiêng cữ tắm rửa vệ sinh cơ thể mỗi ngày.

   * Trách nhiệm của chủ nuôi chó, mèo: Thực hiện đăng ký, khai báo việc nuôi chó, mèo với UBND cấp xã; cam kết xích, nhốt hoặc giữ chó trong khuôn viên gia đình; bảo đảm vệ sinh môi trường, không ảnh hưởng xấu tới người xung quanh; khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm, xích chó và có người dắt; nuôi chó tập trung phải đảm bảo vệ sinh thú y, môi trường; chấp hành nghiêm việc tiêm vắc xin phòng bệnh Dại cho chó, mèo theo quy định; chấp hành việc đánh dấu để nhận diện (đeo vòng cổ...) cho chó, mèo đã được tiêm vắc xin dại theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

   Chịu mọi chi phí trong trường hợp có chó thả rông bị bắt giữ, kể cả chi phí cho việc nuôi dưỡng và tiêu hủy chó. Trường hợp chó, mèo cắn, cào người thì chủ vật nuôi phải bồi thường vật chất cho người bị hại theo quy định của pháp luật.

   * UBND xã, phường, thị trấn cần: Lập sổ quản lý chó, mèo nuôi trên địa bàn theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Thống kê chính xác và báo cáo số hộ nuôi chó, mèo ở từng khu dân cư, thôn, xóm trên địa bàn cấp xã đảm bảo quản lý được trên 90% số hộ nuôi chó, mèo và số chó, mèo nuôi trên địa bàn cấp xã. Hàng năm, trước đợt tiêm phòng tổ chức rà soát, thống kê, cập nhật thông tin về đàn chó, mèo nuôi và định kỳ tối thiểu 02 lần/năm, cập nhật, báo cáo số liệu các hộ nuôi chó, mèo và tổng đàn chó, mèo tại địa phương. Quy định cụ thể việc bắt giữ chó thả rông ở nơi công cộng thuộc địa bàn quản lý; thành lập đội bắt chó thả rông và động vật mắc bệnh dại, có dấu hiệu mắc bệnh dại; bố trí khu vực nhốt giữ và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng về địa điểm tạm giữ chó bị bắt để chủ vật nuôi đến nhận; xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ vật nuôi vi phạm hành chính trong quản lý nuôi chó, mèo, không tiêm vắc xin dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật; quyết định biện pháp xử lý chó bị bắt giữ trong trường hợp sau 48 giờ kể từ khi có thông báo mà không có người nhận. Phối hợp cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện tổ chức tập huấn kỹ năng bắt chó thả rông, động vật mắc bệnh dại hoặc có dấu hiệu mắc bệnh dại cho các thành viên của đội bắt chó thả rông. Phối hợp với cơ quan y tế tổ chức tiêm phòng vắc xin phòng bệnh dại cho các thành viên đội bắt chó thả rông theo quy định của ngành y tế./.

Cấn Xuân Minh – Chi cục CN và Thú y Hà Nội