Để đảm bảo cho người chăn nuôi có đầu ra ổn định, tránh thiệt hại thì việc liên kết chăn nuôi theo chuỗi từ khâu đầu vào cho đến khâu phân phối, tiêu thụ được xem là một trong những giải pháp nhằm giảm thiểu khó khăn cho người chăn nuôi. Bên cạnh đó, các mô hình chăn nuôi bằng thức ăn sinh học, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm được coi là hướng đi hiệu quả nhằm giải quyết đầu ra cho các sản phẩm chăn nuôi hiện nay. Mô hình chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học (ATSH) của Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm (xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai) không chỉ trụ vững trước “cơn bão” giá lợn giảm sâu mà còn cho thu lãi nửa tỷ đồng mỗi năm từ cách chăn nuôi theo chuỗi liên kết mà HTX đang thực hiện.
Năm 2014, được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, ông Nguyễn Đình Tường, xã Cấn Hữu, huyện Quốc Oai bắt tay vào xây dựng mô hình chăn nuôi lợn theo hướng ATSH với 30 con lợn giống. Mặc dù chi phí nuôi lợn ATSH cao hơn 20 – 25% so với nuôi lợn thông thường, song sau khi trừ chi phí, ông Tường vẫn thu lãi 500 triệu đồng/năm. Nhận thấy thị trường tiêu thụ thịt lợn ATSH thuận lợi, năm 2016, ông Tường đã thành lập HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm. Đây là một trong những HTX điển hình về mô hình chăn nuôi theo chuỗi liên kết do Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội tư vấn và hỗ trợ xây dựng chuỗi.
HTX hiện có 10 thành viên, trong đó 7 thành viên chuyên đảm nhận chăn nuôi lợn ATSH và 3 thành viên chuyên đảm nhận khâu giết mổ, đóng gói và vận chuyển thịt lợn thành phẩm cho các cửa hàng, siêu thị. HTX Đồng Tâm đang thực hiện chăn nuôi lợn theo một chuỗi khép kín từ khâu con giống đến khâu giết mổ, đóng gói, bảo quản sản phẩm. Quy mô duy trì trong chuồng nuôi từ 130 - 150 con lợn/hộ. Do thức ăn sinh học của lợn chủ yếu bằng cám tinh có hàm lượng dinh dưỡng cao, chất lượng thịt ngon, thơm đặc trưng, nên ngay cả khi thời điểm giá lợn giảm sâu nhưng lợn sinh học xuất chuồng của HTX vẫn bán được 42.000 đồng/kg. Không chỉ cung cấp cho người tiêu dùng trên địa bàn huyện Quốc Oai, hiện nay HTX Chăn nuôi và dịch vụ Đồng Tâm đã ký được các hợp đồng với 5 cơ sở, DN cung cấp sản phẩm thịt lợn sạch ổn định cung cấp cho thị trường nội thành. Trung bình mỗi ngày, HTX xuất bán ra thị trường từ 4 – 5 tạ thịt lợn đảm bảo vệ sinh ATTP. Các sản phẩm chế biến từ thịt lợn của HTX, như: Xúc xích, giò, chả, đáp ứng tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh ATTP nên được một số siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch trên địa bàn TP thu mua ổn định. Nhờ chăn nuôi theo chuỗi sản xuất và cung cấp thịt lợn sinh học mà giá lợn của HTX luôn ổn định, không bị chi phối bởi biến động giá cả thị trường. Từ đó, các thành viên HTX luôn yên tâm sản xuất, kinh doanh và được đảm bảo về mức lợi nhuận. Ông Nguyễn Đình Tường - Giám đốc HTX Đồng Tâm cho rằng: Việc hình thành các chuỗi liên kết là rất cần thiết, sẽ giúp cho người chăn nuôi yên tâm sản xuất vì đầu ra được đảm bảo, sản phẩm làm ra cũng đạt tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm. Có một thực tế người chăn nuôi nhận thức chưa đầy đủ về sản phẩm sản xuất theo chuỗi nên khả năng nhân rộng chuỗi còn hạn chế. Trong khi đó, việc sản xuất theo chuỗi còn mới, chưa có chính sách hỗ trợ kịp thời nên người dân chưa bắt kịp xu hướng được coi là tất yếu này trong sản xuất nông nghiệp hiện nay. Vì thế, bên cạnh công tác thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận thức thì việc trang bị cho người nông dân những kiến thức cơ bản về xu hướng và tiến bộ kỹ thuật nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất cũng rất quan trọng và cần thiết.
Trên diện tích 5ha, trong đó diện tích chăn nuôi 2,2ha và 2,8 ha khu xử lý chất thải, nuôi trồng thủy sản với hệ thống chăn nuôi khép kín, thân thiện môi trường kết hợp cùng quy trình chế biến nhanh, sạch đã góp phần tạo ra sản phẩm thịt lợn an toàn, chất lượng tại Hợp tác xã Hoàng Long, huyện Thanh Oai. Đây cũng là một trong những hợp tác xã xây dựng thành công chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm thịt lợn sinh học. Với sự tư vấn và hỗ trợ của Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội, HTX đã xây dựng chuỗi khép kín từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, theo quy trình kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến đầu ra.
HTX Hoàng Long chăn nuôi tập trung với quy mô duy trì 650 nái sinh sản, 6.500 lợn thịt, hàng năm cung cấp ra thị trường trên 1.500 tấn lợn, quy trình chăn nuôi khép kín, thân thiện với môi trường, giết mổ hợp vệ sinh, bảo quản nghiêm ngặt từ khâu chọn con giống cho tới chế biến thành sản phẩm đưa đến tay người tiêu dùng. Nhờ đó, HTX Hoàng Long đã vượt qua những thời điểm khó khăn bởi biến động thị trường và dần chinh phục người tiêu dùng Thủ đô bởi những sản phẩm sơ chế từ thịt lợn được chăn nuôi bằng thức ăn sinh học như: giò lụa, chả lụa, chả quế, giò tai, giò xào, nem chua...với thương hiệu “thực phẩm A-Z”. Ông Nguyễn Trọng Long – Giám đốc HTX chăn nuôi Hoàng Long cho biết: Dù mới tiếp cận thị trường song thực phẩm sạch A-Z đã được đánh giá cao, được người tiêu dùng tin tưởng và để hoàn thiện chuỗi sản phẩm của mình, năm 2018 được sự hỗ trợ của Trung tâm PTCN Hà Nội, HTX đã triển khai thực hiện dán tem nhãn và mã QR code truy xuất nguồn gốc lên từng sản phẩm nhằm đảm bảo cung cấp cho thị trường các sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Việc xây dựng chuỗi đã giúp các tác nhân kiểm soát được số lượng, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, đồng thời, nâng cao nhận thức về ATTP đối với các tác nhân từ chăn nuôi đến giết mổ, sơ chế, tiêu thụ sản phẩm. Đến nay, Sở NN&PTNT Hà Nội đã xây dựng, phát triển được 65 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, trong đó, có 27 chuỗi có nguồn gốc động vật. Hiện tại, việc tiêu thụ sản phẩm của các chuỗi bước đầu đã đi vào ổn định thông qua các ràng buộc trách nhiệm giữa các nhóm tác nhân tham gia chuỗi. Một số chuỗi đã hoàn thiện được hệ thống quản lý chất lượng tại tất cả các khâu trong chuỗi giá trị, giúp tạo ra các sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc. Bên cạnh tăng cường hỗ trợ xây dựng chuỗi, năm 2018, Sở NN&PTNT đã giao cho Trung tâm Phát triển chăn nuôi xây dựng giải pháp, lộ trình nhằm kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chăn nuôi, trong đó đẩy mạnh ứng dụng mã QR code để
Xây dựng chuỗi liên kết khép kín từ chăn nuôi, giết mổ đến tiêu thụ sản phẩm sẽ kiểm soát được chất lượng từ con giống đến sản phẩm cuối cùng, bảo đảm lợi ích và tạo nguồn đầu ra ổn định cho người chăn nuôi, đồng thời, cung cấp nguồn đầu vào ổn định chất lượng cho doanh nghiệp sản xuất và bảo đảm lợi ích cho người tiêu dùng. Vì thế, đây cũng là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp bền vững./.
Lưu Phượng