Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hướng dẫn thực hiện một số biện pháp phục hồi sản xuất trồng trọt sau úng ngập



  1. Cây lúa

1.1. Lúa mới cấy

- Cần tiến hành tiêu thoát nước kịp thời sau mưa bão trên những chân ruộng có khả năng thoát nước.

- Sau khi nước rút cần kiểm tra bộ rễ lúa, chồi thân, nếu còn khả năng sinh trưởng tiến hành các biện pháp chăm sóc để ruộng lúa phục hồi nhanh như phun bổ sung chế phẩm phân bón lá, phân bón rễ ComCat 150WP, One Plus.

- Nếu ruộng không còn khả năng phục hồi phải cấy lại bằng mạ nhổ tỉa ở các chân ruộng cấy dày, ruộng lúa gieo thẳng có mật độ dày hoặc gieo sạ.

1.2. Lúa giai đoạn đẻ nhánh

- Với những ruộng ngập sâu ít ngày, khi nước rút giữ lại mức nước vừa đủ (3 - 5 cm), cây lúa mềm yếu cần được bảo vệ, chăm sóc, phun bổ sung phân bón lá, phân bón rễ, chế phẩm sinh học như ComCat 150WP, One Plus, PennacP, Siêu lân giúp cây phục hồi nhanh. Sau 3 - 5 ngày phun phân bón lá thấy cây ra lá mới, thì bón thúc bằng phân kali hoặc NPK chuyên dùng có hàm lượng kali cao để tăng khả năng phát triển của cây lúa. Không bón thêm phân đạm urê, không bón phân lai rai nhằm hạn chế sâu bệnh hại ở giai đoạn cuối vụ, đặc biệt bệnh bạc lá lúa.

- Trường hợp lúa chết mất nhiều khoảng cần phải cấy dồn, cấy dặm hoặc cấy lại bằng mạ tỉa san.

- Ruộng lúa bị ngập sâu, lâu ngày kiểm tra thấy lúa đã chết, tiến hành bừa đi cấy lại bằng lúa tỉa san nếu còn thời vụ.

1.3. Lúa giai đoạn phân hóa đòng, chuẩn bị trỗ bông

- Thời kỳ lúa phân hóa đòng, chuẩn bị trỗ bông, cây lúa có khả năng vươn theo nước; nếu lúa bị nước ngập sâu, rút được sớm, quan sát thấy thân cây lúa chưa chết, đòng chưa thối, tập trung chăm sóc tốt vẫn có khả năng cho thu hoạch. Bón thúc nuôi đòng bằng phân kali.

- Sau khi nước rút, kiểm tra thấy lúa đã chết, với chân ruộng trũng chuyển sang nuôi cá còn chân ruộng cao chuyển sang trồng rau màu ngắn ngày.

  1. Rau màu

- Khẩn trương thu hoạch nhanh, gọn diện tích rau màu đến kỳ thu hoạch. Chủ động làm khum vòm che bằng lưới đen hoặc nilon cho rau khi trời mưa để thân lá không bị dập nát. Khi trời tạnh ráo cần mở vòm che và tiến hành chăm sóc như bình thường.

- Tháo cạn nước trong ruộng càng sớm càng tốt, khi nước rút cần xới xáo nhẹ mặt luống và vun gốc.

- Kích thích bộ rễ, bộ lá phát triển bằng cách sử dụng chế phẩm như One Plus, PennacP, Siêu lân.... Kết hợp phun thuốc phòng trừ bệnh như: Validacin, Aliette 800WG… nhằm hạn chế một số bệnh hại như bệnh lở cổ rễ, thối, héo xanh, chết ẻo và kích thích bộ rễ phát triển.

- Tiến hành dọn sạch cỏ dại, cắt tỉa các thân cành bị dập, gãy sau mưa tạo điều kiện cho ruộng thông thoáng, hạn chế nấm bệnh.

- Với cây con đang giai đoạn trong bầu: Cần dùng nilon trắng che mưa cho bầu. Dùng lân pha loãng để tưới cho cây con giúp bộ rễ phát triển khỏe. Sau mưa cần chú ý phun phòng bị bệnh lở cổ rễ cho cây bằng thuốc Validacin.

  1. Cây ăn quả

- Tiến hành đào rãnh, khơi thông dòng chảy, thoát nước nhanh, tránh để nước đọng trên vườn và xung quang các gốc cây, gây hiện tượng úng cục bộ, hạn chế đi lại trên vườn, tránh đất bị “dí” sau khi thoát nước.

 - Dựng lại những cây bị đổ, bị nghiêng, cắm cọc giữ cây, không để cây bị lay động, làm đứt rễ cây.

- Cắt bỏ những lá già, cành đã chết, cành bị sâu, bệnh, cắt bớt lá non, chống hiện tượng mất nước. Nếu cây đang có quả non thì cắt tỉa quả để tập trung dinh dưỡng nuôi cây.

- Khi đã ráo nước, trời ngừng mưa, dùng cào phá váng trên bề mặt, để  cho bộ rễ cây có thể hút được oxy. Khi phá váng xong cần che phủ gốc bằng rơm rạ, hoặc cỏ khô.

- Sử dụng nấm đối kháng Trichoderma và các loại thuốc trừ nấm vùng rễ, nhằm ngăn chặn nấm gây hại cho bộ rễ, điển hình là nấm Phytophthora, Fusarium… một số loại thuốc khuyến cáo như: Curzate M8 72WP, Aliette 800WG, Validacin 5SL… phun hoặc hòa tưới gốc theo chỉ dẫn trên bao bì.

- Tưới đủ ẩm thường xuyên trong những ngày nắng nóng, hanh khô, không để tình trạng cây mất nước.

- Khi vườn cây đã hồi phục cần tăng cường các biện pháp chăm sóc, bón phân hữu cơ vi sinh hoặc phân chuồng ủ với Trichoderma (Trico-ĐHCT 100 triệu bào tử/gam) nhằm làm giàu hệ thống vi sinh vật đất, đặc biệt các vi sinh vật đối kháng, kết hợp phòng trừ sinh vật gây hại kịp thời,... để cây sinh trưởng, phát triển tốt.

  1. Hoa, cây cảnh

- Thoát nước nhanh trong ruộng, cắt bỏ những cành, lá bị gẫy, vệ sinh đồng ruộng. Khi đất se mặt sới xáo nhẹ và chăm sóc bón phân, sử dụng nấm đối kháng Trichoderma và các loại thuốc trừ nấm vùng rễ, nhằm ngăn chặn nấm gây hại cho bộ rễ như thuốc: RidomilGol 68WG, Rampart 35SD, Curzate M8 72WP, Aliette 800WG, Validacin 5SL… phun hoặc hòa tưới gốc theo chỉ dẫn trên bao bì để cây phục hồi nhanh./.

Tạ Thị Minh Nụ (TH)