Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hướng dẫn phòng bệnh cho dê

Việc phòng bệnh có vai trò rất quan trọng trong chăn nuôi gia súc, gia cầm nói chung và chăn nuôi dê nói riêng. Để hạn chế dịch bệnh xảy ra trong quá trình chăn nuôi, người chăn nuôi cần thực hiện tiêm phòng nghiêm ngặt một số bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho đàn dê và các hộ cần thực hiện theo hướng dẫn sau:



  1. Phòng bệnh đậu

- Vắc  xin đậu dê: là vắc  xin vô hoạt dạng lỏng, màu hồng nhạt, có chất bổ trợ là keo phèn. Vắc xin dùng để tiêm phòng cho dê từ 1 tháng tuổi trở lên theo đường tiêm dưới da hoặc tiêm bắp.

- Liều lượng sử dụng: 1ml/con, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp, tiêm 2 lần/năm (thời điểm tiêm tháng 3- 4 và tháng 9-10 hàng năm).

- Những chú ý khi sử dụng: Chỉ tiêm cho dê từ 1 tháng tuổi trở lên; Sát trùng bơm, kim tiêm thật kĩ trước khi tiêm; Lắc đều lọ vắc xin trước khi sử dụng; Lưu ý không tiêm vắc xin cho dê trong vòng 21 ngày trước khi giết mổ dê

  1. Phòng bệnh viêm ruột hoại tử

- Tiêm giải độc tố phòng bệnh viêm ruột hoại tử cho dê.

- Liều tiêm: 2 ml/con, tiêm dưới da cổ, mỗi năm tiêm 2 lần vào tháng 3 và tháng 9.

- Sau 2 tuần có miễn dịch.

  1. Phòng bệnh tụ huyết trùng

- Vắc xin tụ huyết trùng dê là vắc xin vô hoạt, dạng lỏng, màu vàng nhạt.

- Liều tiêm: 2 ml/con cho dê từ 1 tháng tuổi trở lên, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp thịt.

- Tiêm vắc xin định kì 2 lần/năm để phòng bệnh cho đàn dê, tiêm 02 lần vào tháng 3 và tháng 9.

- Chú ý: Lắc kĩ lọ vắc xin trước khi sử dụng và chỉ sử dụng trong ngày.

  1. Phòng bệnh lở mồm long móng

- Vắc  xin phòng bệnh lở mồm long móng là vắc xin vô hoạt dạng nhũ dầu.

- Liều tiêm: 1ml/con, tiêm sâu vào bắp thịt.

- Thời gian tiêm:

+ Tiêm mũi đầu tiên: lúc 4 tháng tuổi.

+ Tiêm tăng cường: 9 tháng sau mũi đầu tiên.

+ Tái Tiêm: cứ 12 tháng tiêm nhắc lại.

+ Sau 2 tuần có miễn dịch, tiêm nhắc lại tùy thuộc vào tình hình dịch bệnh của địa phương.

  1. Phòng bệnh bằng thuốc

* Phòng và trị bệnh kí sinh trùng đường máu cho dê

-  Dùng thuốc Trypamidium, liều 1 mg/kg TT. Pha với nước cất hoặc nước sinh lý (dung dịch NaCl 0,9%) thành dung dịch 2 - 3%, tiêm tĩnh mạch.

Thuốc có tác dụng trị bệnh tiên mao trùng, đồng thời có tác dụng phòng bệnh tiên mao trùng cho dê trong vòng 1 - 1,5 tháng. Chú ý tiêm cho dê vào mùa hè (khi côn trùng môi giới truyền bệnh là ruồi trâu và mòng hoạt động mạnh).

- Thuốc Hemosporidin, liều 0,5 mg/kg TT, pha thành dung dịch 1%, tiêm tĩnh mạch để điều trị bệnh lê dạng trùng cho dê.

* Phòng trị bệnh giun tròn cho dê

- Thuốc Levamisol: liều 1ml/10kg TT (6 - 7 mg/kg TT), tiêm bắp thịt.

- Thuốc Mebendazol: liều 15 - 20 mg/kg TT, hoà sữa hoặc nước, cho uống.

- Thuốc Ivermectin: liều 0,2 - 0,3 mg/kg TT, tiêm dưới da.

* Phòng trị bệnh sán lá gan, sán lá dạ cỏ cho dê

Có thể dùng một trong các thuốc sau:

- Thuốc Fasciolid - 25: liều 0,04 ml/kg TT (tương đương với 1 mg hoạt chất /kg TT), tiêm dưới da.

- Thuốc Dertil: liều 8 - 9 mg/kg TT, cho uống.

-Thuốc Albendazol: liều 50 mg/kg TT, cho uống.

* Phòng trị bệnh sán dây cho dê

- Thuốc Niclosamid: liều 20 mg/kg TT, cho uống.

* Phòng trị bệnh ngoại kí sinh trùng (ve, rận)

Phun định kì 2 tuần/lần cho dê bằng một trong các thuốc: Abuitox, Amitaz, Han Iodine

Ngoài các vấn đề trên, cần chú ý thực hiện đầy đủ và nghiêm túc công tác kiểm dịch khi vận chuyển của cơ quan có thẩm quyền để khống chế sự lây lan dịch bệnh từ bên ngoài vào cơ sở chăn nuôi dê và ngược lại./.

Vương Thị Chung – Trạm KN Thạch Thất