THU HOẠCH VỤ LÚA CHÍNH
- Đối với những diện tích lúa bị ngập úng nặng, không có khả năng cho thu hoạch: Cần tập trung nguồn lực tiêu úng. Khuyến cáo chuyển đổi sang gieo trồng cây rau màu, cây hàng năm khác có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện canh tác của các địa phương.
- Đối với diện tích lúa đã đến thời kỳ thu hoạch (chín trên 85%): Cần tranh thủ thời tiết thuận lợi thu hoạch với phương châm “xanh nhà hơn già đồng”.
- Với diện tích lúa đang ở giai đoạn trỗ - chín sữa - chín sáp: Sau khi tháo cạn nước trong ruộng, tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3 - 4 gốc lúa lại với nhau bằng dây mềm (dây chuối/rơm nếp/nylon) thành hình chân kiềng để tạo thế đứng vững cho cây lúa vào chắc và chín.
- Đối với diện tích lúa đang ở giai đoạn làm đòng, chuẩn bị trỗ: cây lúa bị gẫy thân có thể sản xuất lúa chét. Cần khẩn trương tháo nước tiêu úng thường xuyên.
KỸ THUẬT SẢN XUẤT VỤ LÚA CHÉT
- Rửa bùn đất bám trên thân, lá lúa và cắt lúa
- Trong quá trình rút nước có thể dùng cành cây kéo lướt nhẹ trên mặt ruộng hoặc té nước để làm sạch bùn đất, rong rêu trên thân, lá lúa.
- Dùng liềm cắt sát gốc thân lúa (để lại gốc rạ 15 – 20 cm so với mặt ruộng)
- Bón phân
Tổng lượng phân bón đầu vào (tính cho diện tích 01 ha): 100 kg Đạm Urê + 80-90 kg Kali Clorua được chia làm 2 lần bón.
- Lần 1: bón 70 kg Đạm Urê, 80-90 kg Kali Clorua sau khi cắt lúa vụ chính từ 3-4 ngày để nuôi dưỡng mầm.
- Lần 2: Bón 30 kg Đạm Urê sau 20 ngày cắt lúa vụ chính để đón đòng và thúc đẩy quá trình vào chắc bông lúa chét.
- Quản lý nước cho lúa chét
Một hoặc hai ngày sau khi cắt lúa vụ chính, tưới một lượng nước nhỏ vào ruộng để tạo và giữ ẩm cho đất (láng mặt ruộng với mực nước 1-3 cm). Sau khi bón phân lần 1 (sau 3-4 ngày cắt lúa vụ chính) cho đến giai đoạn lúa làm đòng tiến hành tưới khô - ướt xen kẽ. Lưu ý, giai đoạn trỗ bông cần mức nước 3-5 cm liên tục khoảng 10 ngày để đảm bảo quá trình thụ phấn được diễn ra thuận lợi. Tháo nước 7 ngày trước khi thu hoạch vụ lúa chét.
- Kiểm soát dịch bệnh, sâu bệnh và cỏ dại
Kiểm tra đồng ruộng thường xuyên để phát hiện sâu bệnh hại và phòng trừ sâu bệnh kịp thời. Thông thường, thiệt hại do sâu, bệnh và cỏ dại sẽ ít hơn so với canh tác vụ lúa chính.
- Thu hoạch, phơi sấy và bảo quản
- Thu hoạch bằng máy khi có 85-90% số hạt trên bông đã chín. Nên cắt ở vị trí khoảng ở giữa thân cây lúa để giảm thất thoát trong và sau thu hoạch.
- Hạt sau thu hoạch cần phơi khô và làm sạch hạt ngay để đảm bảo chất lượng. Nếu có điều kiện nên sấy khô và làm sạch hạt bằng máy để sản phẩm có chất lượng cao và đồng đều. Phơi/sấy khô hạt đến độ ẩm 13-14% để làm lúa ăn.
- Bảo quản: Dùng bao nilon dày chuyên dụng và bảo quản chân không dồn hạt vào 75-80% thể tích bao rồi dùng máy hút hết không khí và hàn kín miệng bao. Xếp bao thành khối trên kệ và để nơi khô ráo./.
NT (Theo TTKNQG)