- Chế độ nước tưới:
Sau cấy đến lúa đẻ nhánh rộ luôn duy trì mực nước 2 - 3cm đều khắp mặt ruộng giúp lúa nhanh bén rễ hồi xanh và tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa đẻ nhánh tốt. Khi lúa đạt số nhánh tối đa (7 - 8 nhánh/khóm) tiến hành rút nước lộ ruộng, phơi khô mặt ruộng từ 5 - 7 ngày thì đưa nước trở lại, sau đó đưa và rút nước xen kẽ theo từng giai đoạn sinh trưởng phát triển của cây.
- Tỉa dặm:
- Một số diện tích lúa cấy hiện nay bị mất khoảng do ốc bươu vàng, chuột cắn phá, rong rêu dày đặc chùm kín lúa, cây yếu... cần dặm tỉa kịp thời, đảm bảo mật độ hợp lý theo từng chân ruộng và giống lúa.
- Dặm tỉa càng sớm càng tốt nên kết thúc trước khi cây lúa đẻ nhánh.
- Kỹ thuật chăm sóc:
- Tất cả các trà lúa đều phải bón phân thúc sớm, tập trung, không bón phân nhiều lần đặc biệt là bón phân đạm muộn làm cho lúa đẻ nhánh lai rai, sinh ra nhiều nhánh vô hiệu.
- Với những chân ruộng cao mất nước thường xuyên cần điều tiết nước hợp lý (3 - 5 cm) để cây lúa sinh trưởng phát triển thuận lợi.
- Với ruộng lúa bị ốc bươu vàng cắn phá: Mật độ ốc từ 2con/m2 trở lên thì bắt thủ công bằng tay hoặc xử lý bằng thuốc hóa học như Pazol 700WP, Dioto 250EC, Nel super (R) 700WP....
- Đối với diện tích ruộng trũng, đất chua, ruộng có rong rêu: Lúa đẻ nhánh muộn và đẻ ít cần sử dụng 10 - 15 kg vôi bột hoặc 0,5 - 0,7 kg Sun-phát đồng/sào để khử chua, diệt rong rêu, giữ mực nước ruộng cạn hoặc chỉ đủ ẩm từ 2 - 3 ngày, kết hợp với làm cỏ sục bùn để giải phóng khí độc (kể cả những ruộng lúa đã phun thuốc trừ cỏ), sử dụng phân bón qua lá chuyên dùng cho lúa, loại kích thích rễ để phun. Khi cây lúa hồi phục trở lại mới tiến hành bón phân thúc lần 1.
- Khi chăm sóc lúa nếu phát hiện thấy cây bị dị dạng như: Thân ngắn, bản lá dày, lá xoăn, màu lá xanh thẫm...nếu ít thì nhổ và vùi cây sâu xuống ruộng, nếu nhiều thì báo cho cán bộ kỹ thuật địa phương để có hướng xử lý kịp thời.
- Cần điều tiết nước đúng, đủ cho từng thời kỳ sinh trưởng của cây.
- 4. Kỹ thuật bón phân: Tùy từng chân ruộng, nhu cầu của từng giống lúa để định lượng phân bón thúc lần 1 cho phù hợp.
4.1. Diện tích lúa cấy từ ngày 6/02 đến ngày 20/02/2018:
Những ruộng lúa chưa bón thúc lần 1 thì khẩn trương bón phân thúc với kết hợp cào cỏ sục bùn phá váng và tỉa dặm những diện tích mất khoảng.
4.2. Diện tích lúa cấy từ ngày 21/02 đến đầu tháng 3/2018:
4.2.1. Đối với lúa cấy truyền thống:
* Lúa thuần (Thiên ưu 8, Kim cương 111, Khang dân 18, Bắc thơm số 7, RVT, HDT 8, nếp các loại...) với lượng phân bón/sào như sau:
- Đạm urê: 3 - 4 kg
- Kali : 2 - 2,5 kg
* Đối với lúa lai (Nhị Ưu 838, GS9, TH3-4,...) với lượng phân bón/sào như sau:
- Đạm urê: 3 - 4 kg
- Kali: 2,5 - 3 kg
Hoặc sử dụng phân bón NPK chuyên bón thúc cho lúa (lượng bón theo hướng dẫn ghi trên bao bì của nhà sản xuất)
4.2.2. Đối với lúa cấy theo phương pháp hiệu ứng hàng biên:
* Lượng phân thúc lần 1/sào:
- Lân: 10 - 15 kg
- Đạm ure: 2 - 3 kg
* Hoặc sử dụng NPK thúc lần 1/sào:
- NPK (12:5:10): 7 - 9 kg.
- Đạm ure: 2 - 2,5 kg.
(Riêng lúa lai lượng phân bón tăng 5 - 10% so với lượng phân như trên)
4.3. Cách bón:
- Bón hết lượng phân như khuyến cáo ở trên, bón khi lá lúa khô ráo, trời râm mát.
- Với phương pháp cấy lúa hiệu ứng hàng biên không bón lót, chỉ bón thúc khi lúa bắt đầu bén rễ hồi xanh và khi lúa đứng cái chuyển phân hóa đòng, bón phân theo dọc hàng sông nhỏ, không bón ra hàng sông lớn để tránh lãng phí, tăng hiệu quả sử dụng phân.
- Bón phân thúc lần 1 trước sau đó kết hợp dặm tỉa, cào cỏ sục bùn phá váng ngay, giúp cho lúa đẻ nhánh nhiều và tập trung có tác dụng diệt cỏ dại, giải phóng khí độc trong đất, vùi phân tránh mất đạm, bổ sung ôxy cho rễ, làm đứt rễ già và kích thích ra rễ mới.
- Phòng trừ sâu bệnh:
Thường xuyên kiểm tra thăm đồng để diệt ốc bươu vàng, chuột và phòng trừ sâu bệnh kịp thời theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn địa phương./.
Nguyễn Thị Thanh Hiếu