Bà Thêm chia sẻ: Khu ruộng rộng 5,4 ha bà thuê lại của các hộ dân ở liền kề xã Hoàn Long, rồi rủ bà Hoài (cùng xã) cùng đầu tư trồng ổi. Trong đó, bà Thêm trồng hơn 3 ha, bà Hoài gần 2 ha. Dù mới trồng vào năm 2020 nhưng sang năm 2021 ổi đã cho thu trên 150 tấn quả, giá trị ngót 1 tỷ đồng (bà Thêm được 650 triệu đồng, còn lại của bà Hoài).
Riêng từ đầu năm đến nay, bà Thêm đánh liều “bắt quả” trái vụ. Không ngờ ổi lại được giá cao hơn cùng kỳ năm trước tới 4.000 đồng/kg, vậy mà vẫn không còn quả để bán. Theo đó, mặc dù chỉ hái được già 20 tấn quả, bà Thêm cũng "rinh về" được 260 triệu đồng từ thương lái.
Bà Thêm cho biết: Thông thường từ sau tiết Lập xuân, các nhà vườn thâm canh ổi sẽ triệt hoa và ngắt bỏ quả non. Vì để lấy quả trong vụ này chất lượng ổi sẽ kém ngon và khó bán. Nhờ đó, ổi trái vụ của bà Thêm đã trở thành "của hiếm", được giá cao ngất ngưởng.
Theo bà Hoài: Ổi là cây sinh trưởng phát triển khỏe, khả năng chống chịu cao, dễ trồng, dễ thâm canh, ít sâu bệnh hại, nhanh cho khai thác quả kinh doanh. Bên cạnh đó, trồng ổi vốn đầu tư thấp, hiệu quả sản xuất ổn định hơn nhiều cây ăn quả khác như nhãn, chuối, bưởi... Trung bình trồng 1 sào 360 m2 ổi, trừ hết chi phí vật tư sẽ còn lãi từ 7 - 10 triệu đồng/năm (tùy khả năng thâm canh). Chỉ cần 2 lao động có thể trồng, chăm sóc 10 sào ổi, vẫn còn thời gian cho chăn nuôi gia cầm, tăng thêm thu nhập.
Để thâm canh ổi đạt hiệu quả cao, 2 hộ dân ở đây đã đưa vào sản xuất giống ổi lê Đài Loan. Mật độ trồng 40 cây/sào. Luống rộng 6 m, trồng so le nanh sấu 2 hàng cây trên luống. Giữa các luống có trục rãnh nước sâu 2 m, rộng 3m. Vườn trồng áp dụng tưới phun mưa tự động. Cắt cỏ vườn bằng máy.
Để trồng ổi trái vụ, cần tiến hành “bắt quả” từ tháng 2 - 3 âm lịch, bao gồm các bước: Tỉa bỏ các cành la, cành vượt, cành tăm, cành sâu bệnh và các cành mọc quá dày trong tán. Hớt bỏ các ngọn cành đến hết phần thân cành non. Mục đích kích thích cây sai hoa nhiều quả, tạo độ thông thoáng trong vườn, giảm tiêu hao dinh dưỡng, giảm phân bón và giảm sâu bệnh hại.
Cây bắt đầu ra hoa từ tháng 5, tháng 6 đậu quả. Lúc trái ổi non to bằng đầu ngón tay cái, phải triển khai bao trái bằng vật tư chuyên dùng (nịt cao su đen, túi nilon và túi lưới xốp trắng).
Bón phân cho 1 sào: Phân hữu cơ vi sinh 50kg (bón rãnh đào theo hình chiếu tán cây, sau lấp đất kín). NPK 16-16-8 bón định kỳ từ tháng 6 đến tháng 2 năm sau (mỗi tháng bón 2 lần, mỗi lần 7 - 8 kg rắc mặt luống rồi xới đất phủ kín). Từ tháng 2 - 6 vẫn bón liều lượng NPK như trên nhưng mỗi tháng chỉ bón 1 lần.
Phòng trừ sâu bệnh: Đối tượng gây hại nguy hiểm nhất trên cây ổi là ruồi vàng đục quả, khắc phục bằng bao trái kịp thời và triệt để. Các loại gây hại khác như, sâu róm, rệp sáp nên phun định kỳ 1 - 2 tháng/lần.
Lưu ý: Ngoài các đợt tỉa cành chính như trên, cần cắt tỉa hàng ngày kết hợp ngắt bỏ các quả kẹ, quả sâu bệnh, quả quá dày trên cành. Nếu ruộng ổi là đất mới, có thể giảm 40 - 50% lượng NPK bón trong 1 - 2 năm đầu. Thu hoạch khi trái ổi chuyển từ màu xanh lục sang màu xanh sáng. Ngắt lấy cả quả và túi bao trái giao cho thương lái hoặc người tiêu dùng sẽ dễ bán hơn.
Nói thêm về nguyên nhân thúc đẩy sản xuất ổi quy mô cánh đồng lớn, bà Thêm cho biết, trước đây bà chỉ làm 5 sào ổi trên diện tích ruộng khoán của gia đình. Từ năm 2020, được thăm quan mô hình VietGAP trên cây ổi của khuyến nông, bà Thêm thấy kỹ thuật thâm canh đơn giản, hiệu quả hơn rất nhiều so với cách làm phổ biến ở địa phương. Bà Thêm đã quyết định mở rộng diện tích sản xuất ổi để nâng cao hiệu quả kinh tế./.
NT (Theo nongnghiep.vn)