Nuôi chim bồ câu nhốt lồng sẽ bố trí chuồng nuôi ở nơi cao ráo, thoáng mát, yên tĩnh và không có gió lùa. Chuồng trại thường xuyên được vệ sinh sạch sẽ. Mỗi ngày, cho chim ăn hai lần vào buổi sáng và buổi chiều, nước uống của chim phải sạch sẽ và được thay hàng ngày. Thức ăn chủ yếu của chim bồ câu là ngô và cám viên. Trung bình, một cặp chim bồ câu nuôi con ăn khoảng 150 - 200g thức ăn/ngày. Anh thường xay ngô thành 3 - 4 mảnh/hạt để chim lấy thức ăn dễ dàng hơn và giảm được 60 - 70% thức ăn ngô rơi vãi. Chim bồ câu Pháp rất dễ nuôi, sức đề kháng cao, ít bệnh, sinh sản nhanh và dễ tiêu thụ, trọng lượng chim ra ràng (28 ngày tuổi) từ 500 - 600g/con. Chim nuôi khoảng 6 tháng là bắt đầu sinh sản, một cặp chim bồ câu có thể đẻ tới 7 - 8 lứa/năm, mỗi lứa 2 trứng. Thời gian ấp trứng trung bình từ 18 – 20 ngày. Sau khi chim nở khoảng 20 - 28 ngày thì xuất bán chim thịt và khoảng 2 tháng đối với chim giống. Trung bình mỗi tháng, anh Công xuất bán ra thị trường khoảng 500 đôi chim thịt và chim giống. Bằng cách lấy ngắn nuôi dài, chỉ với 80 đôi chim bồ câu Pháp sinh sản ban đầu từ năm 2015, sau 2 năm anh Tuấn đã có 1.600 đôi chim giống. Hiện nay, mỗi tháng trang trại chim bồ câu Pháp của anh Tuấn cung ứng ra thị trường từ 800 – 1.000 đôi chim thương phẩm với giá bán trung bình 140.000 đồng/đôi, 250.000 đồng/đôi chim giống đạt doanh thu trên 100 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư cho thu lãi khoảng 25 - 30 triệu đồng/tháng.
Chim bồ câu Pháp có sức đề kháng tốt, dễ nuôi, không kén thức ăn. Tuy nhiên, muốn chim sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất ổn định thì quan trọng nhất là khâu chọn giống; hệ thống chuồng nuôi phải cao ráo, khô thoáng, ấm về mùa đông, mát về mùa hè và cung cấp đủ lượng thức ăn 2 lần/ngày. Ngoài tuân thủ quy trình nuôi bồ câu sinh sản, anh Tuấn còn áp dụng kỹ thuật “dồn trứng” nhằm tăng sản lượng chim xuất chuồng và kéo dài chu kỳ khai thác chim thương phẩm trên đàn chim bố mẹ. Theo đó, sẽ giảm tỷ lệ khẩu phần ăn công nghiệp, tăng thức ăn ngô, thóc và ghép trứng của 3 đôi chim đẻ cho 1 đôi chim ấp (mỗi chim mái ấp 3 quả). Sau đẻ sẽ có hơn 30% số chim trong đàn không phải ấp trứng lại tiếp tục đẻ.
Trong quá trình nuôi, anh Tuấn luôn bố trí một chuồng nuôi chim hậu bị để có nguồn thay thế chim hỏng hoặc mở rộng trại nuôi. Chim nuôi hậu bị cần chọn các chim con khoẻ mạnh, nhanh nhẹn, đồng đều, không dị tật, không nhiễm bệnh... Dự định trong thời gian tới anh sẽ mở rộng thêm hệ thống lồng chim, nâng tổng đàn lên 2.200 đôi chim sinh sản. Đồng thời đầu tư dây chuyền tự động hóa toàn bộ khâu thu dọn vệ sinh và cho chim ăn uống, giúp giảm 80% công lao động, tiết kiệm chi phí chăn nuôi.
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã xuất hiện nhiều mô hình nuôi chim bồ câu mang lại hiệu quả kinh tế cao, tập trung ở các huyện Tiên Lữ, Ân Thi, Kim Động, Phù Cừ... Đây là mô hình chăn nuôi hiệu quả, nhất là với các gia đình kinh tế còn khó khăn, đồng thời là cách tăng thu nhập ổn định cho những người hết tuổi lao động.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hưng Yên năm 2017, toàn tỉnh có trên 86.000 con chim bồ câu các loại, trong đó phần lớn là giống chim bồ câu Pháp, số lượng chim xuất bán đạt trên 323.000 con, tương đương gần 170 tấn… Do chim bồ câu Pháp dễ nuôi, khả năng thích nghi tốt, ít bệnh tật, ít tốn công chăm sóc và cần vốn đầu tư ít. Trong bối cảnh sản xuất chăn nuôi gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh, giá thức ăn tăng, người chăn nuôi bỏ chuồng nhiều thì mô hình nuôi bồ câu Pháp đã mở ra hướng đi mới do chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro. Tuy nhiên, người chăn nuôi mong muốn các cơ quan chức năng có định hướng về thị trường, tư vấn kỹ thuật chuồng trại và chăm sóc để mô hình phát triển bền vững, cho hiệu quả kinh tế cao nhất./.
TT (Nguồn báo Hưng Yên)