Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hội thảo giới thiệu mô hình sản xuất một số giống dâu tây mới

Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa tại thành phố Đà Lạt đã tổ chức hội thảo đầu bờ giới thiệu mô hình sản xuất một số giống dâu tây mới thuộc dự án “Phát triển mô hình các giống dâu tây lai tạo có triển vọng cho nông dân ở các vùng cao nguyên Việt Nam”. Tham dự hội thảo có các chuyên gia trong và ngoài nước, các ngành liên quan và các doanh nghiệp, nông hộ trên địa bàn thành phố Đà Lạt.



Tại mô hình sản xuất dâu tây của Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa, các chuyên gia khoa học nông nghiệp đã giới thiệu đặc điểm sinh thái, hiệu quả kinh tế của một số giống dâu tây mới được lai tạo gồm các giống dâu tây: PS 1.07, PS 7.01, PS 8.07, PS 8.10, PS 8.14, PS 17.04. Các giống dâu PS 1.07, PS 7.01 có thời gian ra hoa khoảng 70 - 72 ngày, thời gian quả chín từ 28 - 30 ngày, quả dạng hình thận, hình trứng, khá cứng, màu đỏ khi chín, độ brix từ 10,1 - 10,6%, vị thơm, đậm đà, số quả trung bình/cây đạt 30 - 35 quả, năng suất đạt 25 - 30 tấn/ha, chống chịu bệnh thán thư, phấn trắng tốt. Các giống còn lại có thời gian ra hoa khoảng 76 - 78 ngày, thời gian quả chín 30 - 32 ngày, quả dạng hình nón, hình thoi, khá cứng, màu đỏ khi chín, độ brix từ 11,8 - 14%, vị thơm, đậm đà. Năng suất đạt từ 25 - 32 tấn/ha tùy giống, chống chịu bệnh thán thư, phấn trắng tốt. Đặc biệt, trong nhóm các giống dâu tây mới, nổi bật lên giống dâu tây PS 8.10 có độ brix lên đến 14%, năng suất đạt trên 32 tấn quả/1 ha.  

Đây là kết quả phối hợp nghiên cứu giữa Trung tâm Nghiên cứu khoai tây, rau và hoa và Trung tâm Nông nghiệp Quốc tế Hàn Quốc (Kopia)  - Tổng Cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc (RDA) trên cơ sở chọn tạo các giống dâu đang canh tác tại Đà Lạt và giống dâu Hàn Quốc. Các mô hình dâu tây mới được canh tác theo hướng hữu cơ, có nuôi ong và sử dụng quạt gió để tăng khả năng thụ phấn cho cây dâu.

Với những thành công bước đầu từ mô hình điểm, thời gian tới, ngành chức năng sẽ nhân rộng việc sản xuất các giống dâu tây mới năng suất, chất lượng cao, kháng bệnh tốt ra các vùng canh tác phù hợp. Hội thảo cũng là dịp để nông dân thành phố Đà Lạt được gặp gỡ, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực canh tác dâu tây với các chuyên gia trong và ngoài nước./.

Bùi Hằng - TTKN Lâm Đồng