Hệ thống tổ chức Khuyến nông của các thành viên Câu lạc bộ hiện không đồng nhất xuyên suốt từ cấp tỉnh, thành phố đến quận, huyện do sắp xếp bộ máy tổ chức của địa phương, nhiều thành viên đã và đang sáp nhập hoặc đổi tên thành Trung tâm dịch vụ.Các thành viên trong CLB cũng đã vượt qua khó khăn (không đồng nhất về tổ chức bộ máy) vẫn cố gắng duy trì và phát triển Câu lạc bộ ngày càng lớn về số lượng và hoạt động ngày một có hiệu quả. Nhân kỳ họp giao ban CLB lần này, các thành viên có dịp trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về kết quả hoạt động khuyến nông đô thị 09 tháng năm 2019 và 03 tháng cuối năm 2019 với các nội dung được chú trọng như: phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp an toàn vệ sinh thực phẩm, các mô hình nông nghiệp đô thị ứng dụng công nghệ cao phù hợp với từng vùng sinh thái của từng địa phương, sản xuất nông nghiệp thích ứng biến đổi khí hậu, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và xúc tiến thương mại.
Được biết, trong 09 tháng các thành viên trong CLB Khuyến nông đô thị đã tổ chức 1.000 lớp tập huấn, đào tạo nghề, huấn luyện nghiệp vụ với hơn 40.000 lượt người tham dự. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên, quan trọng luôn được các thành viên CLB đặc biệt quan tâmduy trì, cải tiến và đổi mới về nội dung, hình thức cho phù hợp với tình hình sản xuất nông nghiệp đô thị và đáp ứng với nhu cầu thực tế đa dạng của người dân và xu hướng hội nhập quốc tế; Hoạt động thông tin tuyên truyền tư vấn, khuyến nông, thông qua báo in, internet, phát thanh, truyền hình, tư vấn trực tiếp, hội nghị, hội thảo, diễn đàn, hội thi, hội chợ,… nhằm giúp cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp, người dân, khuyến nông viên cơ sở của các địa phương nắm bắt kịp thời những chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước và địa phương về nông nghiệp - nông dân - nông thôn,… Hoạt động triển khai thực hiện các Chương trình, Đề án, dự án, mô hình đa dạng thuộc các lĩnh vực trồng trọt, lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản trong đó có các dự án, mô hình có qui mô lớn, có sản lượng hàng hóa, gắn với phát triển nông nghiệp đô thị, tiêu biểu như: Mô hình sản xuất mạ khay, mô hình trồng khoai tây vụ đông xuân gắn với cơ giới hóa (TTKN Hà Nội); Mô hình sản xuất giống lúa HDT 10 an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm; mô hình sản xuất giống lúa Sơn Lâm 1 an toàn gắn với tiêu thụ sản phẩm; mô hình trồng cây Địa liền..... (TT Khuyến nông và PTNN công nghệ cao Bắc Ninh); mô hình trồng hoa lan rừng thủy tiên trong khuôn viên nhà đô thị; Chương trình phối giống nhân tạo bằng các giống bò chuyên thịt (BBB, Charolais), …(Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Bình Phước).... Xây dựng các mô hình trồng rau theo qui trình VietGAP, trồng lan Dendrobium, Mokara, nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh, nuôi cua thương phẩm bằng con giống sinh sản nhân tạo (TTKN TP.HCM)…
Nhìn chung, hoạt động khuyến nông của các thành viên trong CLB đã có sự dịch chuyển phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp đô thị, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng đô thị, xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nâng cao giá trị gia tăng và góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển sản xuất theo hướng an toàn bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, là năm đầu tiên triển khai thực hiện nghị định 83/2018/NĐ-CP nên nông dân còn e ngại với nội dung đối ứng 50% giống, việc chọn hộ và hình thức hỗ trợ khó khăn. Các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định 83/2018/NĐ-CP chưa ban hành kịp thời, định mức kinh tế kỹ thuật chưa bổ sung cập nhật phù hợp. Một số nội dung chính sách về khuyến nông, khuyến khích phát triển nông nghiệp của Trung ương, tỉnh, thành phố chưa phù hợp với mục tiêu phát triển các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, các mô hình khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ, mô hình ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, cơ chế chính sách hỗ trợ cho ứng dụng công nghệ tiên tiến, loại hình nông nghiệp đô thị còn hạn chế nên khó khăn khi xây dựng mô hình.
Theo Bà Vũ Thị Hương – Chủ nhiệm CLB nhấn mạnh: qua ý kiến của các thành viên trong CLB nhìn nhận rằng trình độ cán bộ khuyến nông hiện nay còn hạn chế trong chuyển giao tư vấn tiến bộ khoa học kỹ thuật. Ngoài học tập Khuyến nông TP.HCM đưa cán bộ đi tham quan học tập trong và ngoài nước (tùy vào điều kiện địa phương) thì liên kết với các doanh nghiệp đang thực hiện mô hình nông nghiệp công nghệ cao để gửi cán bộ khuyến nông tới đó để đào tạo, tập huấn cho đội ngũ cán bộ khuyến nông từ đó giúp nâng cao tay nghề, đây là một trong giải pháp hiệu quả trong tình hình hiện tại; Bên cạnh đó, với chức năng nhiệm vụ của mình, tùy vào điều kiện cụ thể từng địa phương, Khuyến nông cần tham mưu cho các cơ quan nhà nước lựa chọn ra được sản phẩm gì là chủ lực, có giá trịkinh tế cao của địa phương để phát triển ứng dụng công nghệ cao, chứ không phải tất cả sản phẩm nông nghiệp đều phải thực hiện công nghệ cao. Ngoài ra, cần áp dụng công nghệ cao vào khâu thu hoạch, bảo quản và chế biến nông sản, vì đây là khâu hiện yếu nhất trong tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ. Về tổ chức bộ máy, sắp tới trong hội nghị giao ban với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chúng tôi sẽ trao đổi và đề xuất nên giữ lại hệ thống khuyến nông từ trung ương đến điạ phương để giúp hoạt động khuyến nông được xuyên suốt và đạt kết quả cao nhất. Với các thành viên cần tăng cường giao lưu trao đổi, chia sẻ thông tin, kỹ thuật, kinh nghiệm hoạt động, các mô hình sản xuất hiệu quả, cách làm mới, cách làm hay để các thành viên trong CLB áp dụng trên điều kiện tự nhiên và tiềm năng sẳn có của mỗi vùng.
Tại hội nghị này, chính thức kết nạp Trung tâm Khuyến nông Đắk Lắk tham gia vào Câu Lạc bộ. Đến nay, CLB Khuyến nông đô thị đã có 22 thành viên thuộc 22 tỉnh, thành trên cả nước. Kết thúc Hội nghị, Ban Chủ nhiệm trao cờ cho Trung tâm Khuyến nông Thừa Thiên Huế - đơn vị chủ trì đăng cai tổ chức giao ban CLB Khuyến nông đô thị lần 1 vào tháng 04 năm 2020./.
Vân Tâm - TTKN TP HCM