Tuy nhiên, để tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia súc, gia cầm; góp phần ngăn chặn và khống chế có hiệu quả các dịch bệnh nguy hiểm như: Lở mồm long móng gia súc, Cúm gia cầm, Tai xanh lợn, Viêm da nổi cục trâu, bò, Dại chó, mèo và một số bệnh truyền nhiễm khác ở gia súc, gia cầm đảm bảo cho chăn nuôi trên địa bàn huyện phát triển theo hướng bền vững và an toàn. Vừa qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện đã tham mưu UBND huyện Hoài Đức ban hành kế hoạch tiêm phòng vắc xin đại trà cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1 năm 2024. Cụ thể như sau:
Đàn gia cầm, tiêm phòng từ ngày 12/3 đến ngày 21/3/2024, các loại vắc xin tiêm phòng là cúm gia cầm, newcastle, gumboro, tụ huyết trùng, CRD,… (thành phố hỗ trợ vắc xin cúm gia cầm đối với đàn gia cầm sinh sản).
Đối với đàn lợn, thời gian tiêm phòng từ ngày 22/3 đến ngày 31/3/2024, các loại vắc xin tiêm phòng là dịch tả, đóng dấu, tai xanh, lở mồm long móng (trong đó Thành phố hỗ trợ vắc xin dịch tả (Nhật), tai xanh và LMLM đối với đàn lợn nái và đàn lợn đực giống).
Đàn trâu, bò tiêm phòng vắc xin lở mồm long móng từ ngày 01/4 đến ngày 05/4/2024, tiêm vắc xin viêm da nổi cục từ ngày 12/4 đến ngày 16/4/2024 (thành phố hỗ trợ vắc xin LMLM, viêm da nổi cục).
Đàn chó, mèo tiêm vắc xin Dại từ ngày 17/4 đến ngày 26/4/2023.
Để đợt tiêm phòng đạt hiệu quả cao, UBND các xã, thị trấn cần tập trung huy động đủ nhân lực, chuẩn bị đủ vật tư, trang thiết bị cần thiết, bảo đảm thực hiện tốt kế hoạch tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đợt 1 (vụ Xuân - Hè) năm 2024. Ngoài ra, việc tiêm phòng đại trà vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm phải được thực hiện đồng loạt, thống nhất trên địa bàn huyện, đạt tỷ lệ tiêm phòng và tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng theo quy định. Cụ thể: (1) Tỷ lệ tiêm phòng đối với các bệnh bắt buộc tiêm phòng phải đạt trên 80% tổng đàn thuộc diện bắt buộc phải tiêm phòng; (2) Đối với bệnh dại phải tiêm phòng đạt trên 90% tổng đàn chó, mèo. Tỷ lệ bảo hộ sau tiêm phòng đối với các loại vắc xin phải đạt trên 70%.
Đối với đàn gia súc, gia cầm nuôi thương phẩm không được Thành phố hỗ trợ vắc xin tiêm phòng đề nghị các chủ hộ chăn nuôi phải chấp hành nghiêm việc mua, tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm theo đúng quy định. Ngoài ra, hàng tháng các chủ nuôi vật nuôi tiếp tục tổ chức tiêm phòng bổ sung cho các đàn gia súc, gia cầm mới phát sinh, mới nhập về hoặc đã hết thời gian miễn dịch để kịp thời phòng bệnh cho đàn vật nuôi.
Bên cạnh đó, để nâng cao hiệu quả tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện lưu ý cán bộ tiêm phòng, người chăn nuôi một số lưu ý như sau:
Một là, lứa tuổi tiêm phòng vắc xin:
- Tiêm vắc xin Viêm da nổi cục cho trâu bò từ 4 tháng tuổi trở lên;
- Tiêm vắc xin Lở mồm long móng nhị giá A,O cho trâu, bò từ 2 tháng tuổi trở lên;
- Tiêm vắc xin Lở mồm long móng type O, Dịch tả lợn Nhật, Tai xanh cho đàn lợn nái và lợn đực giống.
- Tiêm vắc xin Cúm gia cầm cho đàn gà, vịt, ngan sinh sản.
- Tiêm phòng vắc xin Dại cho đàn chó, mèo khỏe mạnh, từ 3 tháng tuổi trở lên. Đối với chó, mèo ốm hoặc dưới 3 tháng tuổi thì tổ chức tiêm bổ sung vào các tháng tiếp theo. Cấp giấy chứng nhận tiêm phòng bệnh Dại và cập nhật sổ quản lý đàn chó, mèo theo quy định. Khi tiêm phòng xong cần hướng dẫn chủ nuôi nhốt chó, mèo để theo dõi, nếu thấy con vật có biểu hiện bất thường thì khai báo ngay với nhân viên chăn nuôi, thú y hoặc chính quyền xã để xử lý kịp thời.
Hai là, chuẩn bị vắc xin, dụng cụ, bảo hộ lao động:
- Chuẩn bị đầy đủ số lượng, chủng loại vắc xin, đáp ứng nhu cầu tiêm phòng trên địa bàn thôn, xã.
- Chuẩn bị các loại dụng cụ tiêm phòng:
+ Thùng/hộp bảo ôn có đủ đá khô hoặc túi đá buộc kín để bảo quản vắc xin trong quá trình đi tiêm;
+ Bơm tiêm, kim tiêm (có đủ kích cỡ phù hợp với từng loại, lứa tuổi, trọng lượng của vật nuôi); Pank, kéo; Dụng cụ để luộc, sát trùng bơm tiêm, kim tiêm, dụng cụ;
+ Túi ni lông đựng rác thải (như: bảo hộ lao động, vỏ lọ vắc xin, bơm tiêm, kim tiêm… đã qua sử dụng).
- Chuẩn bị đầy đủ bảo hộ lao động cho người trực tiếp tham gia tiêm phòng và bắt giữ vật nuôi bao gồm: khẩu trang, găng tay, quần áo bảo hộ, ủng, bình xịt sát trùng trước, sau khi vào hộ chăn nuôi tiêm phòng.
- Chuẩn bị các loại giấy tờ có liên quan: Danh sách thống kê; Danh sách tiêm phòng, Giấy chứng nhận tiêm phòng, bút viết…
- Chuẩn bị các loại thuốc chống sốc để xử lý khi có sự cố xảy ra trong và sau khi tiêm phòng.
Ba là, những lưu ý trước khi tiêm phòng:
- Kiểm tra cẩn thận tình trạng sức khỏe của đàn vật nuôi trước khi tiêm, theo dõi sức khoẻ đàn vật nuôi trước, trong và sau khi tiêm. Không tiêm phòng cho gia súc, gia cầm chưa đủ tuổi tiêm, đang có biểu hiện ốm, gầy yếu, mới ốm khỏi hoặc đang ở giai đoạn đầu (hoặc cuối) thai kỳ …
- Kiểm tra toàn bộ các lọ vắc xin. Không sử dụng những lọ vắc xin đã bị rạn, vỡ, vắc xin bị biến đổi màu sắc và tính chất vật lý. Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất trước khi sử dụng vắc xin tiêm phòng cho vật nuôi.
Bốn là, những lưu ý trong khi tiêm phòng:
- Đảo đều lọ vắc xin trước khi lấy vắc xin tiêm cho con vật, không lắc mạnh vắc xin để tránh làm sủi bọt ảnh hưởng đến liều lượng vắc xin.
- Lấy đủ lượng vắc xin theo Hướng dẫn của Nhà sản xuất, không tùy tiện tăng, giảm liều lượng vắc xin.
- Sát trùng vị trí tiêm.
- Tiêm phòng đúng đối tượng được hỗ trợ, đúng thời gian, đúng liều lượng, đúng đường tiêm.
- Thay kim tiêm mới khi tiêm đàn mới (ô chuồng mới).
- Trong quá trình tiêm phòng, chú ý đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi. Người tham gia tiêm phòng được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, vệ sinh cá nhân, sát khuẩn chân, tay để bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh theo quy định.
- Không để vắc xin rơi rớt ra môi trường. Nếu làm rơi vãi ra môi trường cần sát trùng ngay. Vắc xin thừa phải bơm vào lọ vắc xin, không bơm ra ngoài chuồng nuôi.
Năm là, những lưu ý sau khi tiêm phòng:
Hướng dẫn chủ hộ chăm sóc, nuôi dưỡng tốt gia súc, gia cầm sau khi tiêm phòng để đạt miễn dịch tối đa và can thiệp kịp thời khi có sự cố. Hướng dẫn các hộ chăn nuôi chó, mèo ký cam kết chấp hành các quy định về phòng, chống bệnh Dại động vật.
Người chăn nuôi cần lưu ý, để chăn nuôi có hiệu quả, ngoài việc tiêm phòng vắc xin cũng cần thực hiện các biện pháp như: định kỳ vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường, dụng cụ chăn nuôi; chăm sóc, nuôi dưỡng tốt; mua con giống ở những cơ sở có uy tín, có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan thú y và các điều kiện vệ sinh thú y khác nhằm chủ động bảo vệ đàn vật nuôi trước dịch bệnh, góp phần phát triển chăn nuôi trên địa bàn huyện theo hướng bền vững, an toàn./.
Trung Xuân