Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hoài Đức: Phấn đấu gieo trồng vụ xuân 2024 đạt 2.220 ha

Theo kế hoạch số 12/KH-UBND ngày 05/01/2024 của UBND huyện Hoài Đức, tổng diện tích gieo trồng vụ xuân 2024 trên địa bàn huyện sẽ phấn đấu đạt 2.220 ha trong đó cây lúa phấn đấu gieo cấy 1.075 ha, năng suất lúa phấn đấu đạt 62 tạ/ha; sản lượng thóc: 6.665 tấn. Cây màu xuân 1.145ha, trong đó ngô diện tích 195 ha, rau các loại diện tích 650 ha, năng suất 260 tạ/ha, sản lượng 16.900 tấn; Đậu tương diện tích 10 ha, năng suất 22 tạ/ha, sản lượng 22 tấn; Lạc diện tích 5 ha, năng suất 27 tạ/ha, sản lượng 13,5 tấn; Đậu đỗ các loại diện tích 10 ha, năng suất 22 tạ/ha, sản lượng 22 tấn; Hoa các loại diện tích 180 ha; Cây hàng năm khác diện tích 94 ha.



Để thực hiện tốt kế hoạch vụ xuân năm 2024, UBND huyện yêu cầu các phòng, ban và các xã, thị trấn cần tập trung chỉ đạo thực hiện một số giải pháp chủ yếu như sau:

  1. Về giống lúa và cây màu: Xây dựng phương án sản xuất vụ xuân gắn với các vụ khác trong năm để tạo thành hệ thống luân canh hợp lý, hiệu quả, bền vững, vụ trước tạo điều kiện cho sản xuất ở vụ sau.

1.1. Giống lúa:

Nhóm giống lúa thuần chất lượng cơ cấu 65%, gồm các giống: BT7, HT1, JO2, Đài thơm 8, TBR225, VNR20, TBR279, DDB18, TBR89,… lúa nếp: nếp A Sào, nếp 97, nếp 87,…

Nhóm giống lúa thuần năng suất cơ cấu 35%, gồm các giống: Thiên ưu 8, TBR45, BC15 (kháng đạo ôn), Khang dân,…; Nhóm giống lúa lai (Nhị ưu 838, TH3-5, TH3-3,.. và giống khác).

1.2. Giống cây màu:

Sử dụng các giống ngô lai: NK6654, NK66, NK4300,…; ngô biến đổi gen: NK66Bt/Gt, NK4300Bt/Gt; các giống ngô nếp chất lượng cao: HN88, TBM18, HN99, VN2, VN6,… các giống ngô ngọt: Suger 75, Sakita, TN801, TN115,… các giống ngô rau: Pacfic116, LVN23,…;

Giống đậu tương gieo trồng chủ yếu là: DT84, DT2008,…;

Giống lạc MD7, MD9, L14, L18, L23, TB25, L27…;

Các giống cải ăn lá, cải bắp, cà rốt, bầu, bí lai, đậu đỗ các loại.

Cây ăn quả: Mở rộng diện tích các giống cây ăn quả có năng suất, chất lượng cao, các loại cây trồng có hiệu quả như: bưởi đường, bưởi diễn, ổi táo, nhãn chín muộn,… nhân rộng mô hình trồng nho mẫu đơn, nho hạ đen gắn với du lịch trải nghiệm,…

  1. Thời vụ gieo trồng:

2.1. Đối với cây lúa:

Gieo mạ: tập trung gieo từ ngày 20/01 đến 30/01/2024 (tức từ ngày 10/12 đến ngày 20/12 năm Quý Mão), trước Tết Nguyên Đán.

Chủ động các biện pháp kỹ thuật chống rét cho mạ: Thực hiện che phủ nilon đúng kỹ thuật cho 100% diện tích mạ xuân (chú ý thu gom nilon sau khi sử dụng tránh gây ô nhiễm môi trường); Thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài cần giữ đủ ẩm, bón thêm tro bếp, phân lân, tuyệt đối không bón đạm cho mạ. Có kế hoạch gieo mạ dự phòng với tỉ lệ 5 - 10% bằng các giống lúa ngắn ngày để ứng phó kịp thời nếu gặp điều kiện rét đậm, rét hại xảy ra. Mở rộng diện tích gieo sạ, mạ khay, cấy máy, diện tích gieo trồng lúa có áp dụng hệ thống canh tác lúa cải tiến (SRI).

Thời vụ cấy: Cấy tập trung trong tháng 02/2024, toàn huyện tập trung cấy từ ngày 04/02/2024 đến 29/02/2024.

Tùy thời gian sinh trưởng của từng giống, điều kiện thực tế của địa phương để bố trí thời vụ gieo cấy phù hợp theo nguyên tắc đảm bảo lúa phân hóa đòng và trỗ gặp thời tiết thuận lợi, tránh rét “nàng bân” khi lúa trỗ và lụt Tiểu mãn ở những vùng trũng thấp khi thu hoạch. Gieo sạ tập trung từ 12/02/2024 đến 24/02/2024. Không gieo mạ hoặc cấy vào những ngày rét đậm rét hại, nhiệt độ không khí dưới 150C. Không cấy mạ già.

2.2. Đối với cây màu: Tranh thủ đất có độ ẩm tiến hành gieo trồng sớm, tập trung gieo trồng xong trong tháng 2, đầu tháng 3 năm 2024.

  1. Công tác thủy lợi, làm đất:

- Tập trung, chỉ đạo lấy nước, làm đất xướng mạ và đổ ải xong trước ngày 15/01/2024 để triển khai gieo mạ từ ngày 20/01/2024.

- Lấy nước đổ ải, làm đất đại trà xong trong tháng 01/2024 và triển khai cấy vào đầu tháng 02/2024. Thực hiện tốt phương châm có nước đến đâu làm đất đến đấy để giữ nước.

- Thực hiện tốt công tác nạo vét kênh mương, làm thủy lợi nội đồng vụ đông xuân năm 2023 - 2024.

- Theo dõi thường xuyên thông tin trong việc xả nước tại các hồ thủy điện để vận hành các trạm bơm hết công suất, tranh thủ bơm nước khi mực nước các sông cao để giảm chi phí điện năng.

- Rà soát, chủ động có phương án chuyển đổi diện tích lúa vùng khó khăn về nước tưới sang cây trồng cạn sử dụng ít nước hơn như cây ngô, đậu tương, rau màu các loại tại những vùng dự báo khó khăn về nguồn nước tưới trong vụ xuân.

- Nghiêm túc thực hiện sự điều hành, phân phối nước theo dự chỉ đạo chung của Thành phố, huyện. Thực hiện tốt việc đưa nước phù hợp với lịch gieo cấy và chăm sóc lúa, không để lãng phí nước. Tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, kịp thời giải quyết các khó khăn ở các vị trí trọng điểm.

- Tập trung tuyên truyền, đôn đốc người dân chủ động lấy nước, làm đất giữ nước để khi mạ đến tuổi cấy có thể làm đất, cấy ngay đảm bảo cấy đúng thời vụ trong tháng 02/204.

  1. Thực hiện tốt các biện pháp thâm canh, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật: Sử dụng hạt giống có chất lượng tốt, gieo mạ thưa và chăm sóc đúng kỹ thuật. Dược mạ chọn vùng tập trung, chân ruộng cao, tiện chăm sóc, quản lý, phòng trừ sâu bệnh, chuột hại. Chỉ đạo chặt chẽ giữa khâu làm đất và gieo mạ. Mạ nhổ đến đâu cấy đến đó; Áp dụng hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI (cấy 1-2 dảnh/khóm, mật độ cấy 25-35 khóm/m2,…).

Mở rộng diện tích gieo sạ, cấy lúa bằng máy và diện tích áp dụng cơ giới hóa đồng bộ để giảm công lao động, tăng hiệu quả trong sản xuất.

Thực hiện làm cỏ, sục bùn kết hợp với bón phân thúc sớm tạo điều kiện cho lúa sinh trưởng và phát triển tốt ngay từ đầu vụ, đẻ nhánh tập trung. Bón phân cân đối, hợp lý, không bón thừa đạm. Sử dụng các loại phân bón NPK tổng hợp, phân bón chuyên dùng, tăng cường bón phân hữu cơ, bón theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại phân, từng loại đất, từng giống lúa; Bón đủ phân Kali cho lúa, nhất là giai đoạn đón đòng.

Chủ động điều tiết, cấp đủ nước theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa để cây lúa sinh trưởng, phát triển tốt.

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, theo dõi diễn biến sâu bệnh hại, tổ chức phòng trừ kịp thời những diện tích có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao theo hướng dẫn của Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện. Đặc biệt chú ý những vùng trước đây đã xảy ra ổ dịch (đạo ôn, rầy nâu, sâu cuốn lá, bạc lá, sâu đục thân, khô vằn,…) để chủ động các biện pháp canh tác ngay từ đầu vụ, phòng trừ dịch hại tổng hợp (IPM) tạo cho cấy lúa khỏe, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Phòng trừ sinh vật hại khi đến ngưỡng, theo nguyên tắc “4 đúng” và đảm bảo thời gian cách ly.

Tuyên truyền nhân dân không đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch gây ô nhiễm đến môi trường; tích cực hướng dẫn nông dân áp dụng các chế phẩm sinh học phun để làm hoai mục gốc rạ, rơm tại ruộng tận dụng làm phân bón.

Đối với cây rau màu: Thực hiện tốt các quy trình kỹ thuật của từng chủng loại cây trồng; Gieo trồng đúng thời vụ; Bón thúc, vun xới, đảm bảo tưới tiêu phù hợp để cây rau màu sinh trưởng thuận lợi. Áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất để giảm công lao động, tăng hiệu quả kinh tế. Phòng trừ sâu bệnh đúng kỹ thuật, chủ động áp dụng biện pháp IPM, đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn môi trường sinh thái./.

TX (TH)