Huyện Lạc Thuỷ hiện có 996 ha cây ăn quả có múi, trong đó diện tích trồng cam là 668 ha, bưởi 253 ha, chanh đào 55 ha và tập trung chủ yếu ở các xã: Phú Thành, Liên Hòa, Thị Trấn Thanh Hà, xã Cố Nghĩa, Lạc Long và Đồng Tâm. Với các giống cam được trồng chủ yếu cam lòng vàng, cam đường canh, cam V2… Đây là những giống cam cho năng suất và giá trị kinh tế cao.
Ông Hoàng Đình Chính – Phó trưởng phòng Nông nghiệp huyện Lạc Thủy đánh giá: Có thể nói, cây có múi, nhất là cây cam Lạc Thủy đã và đang khẳng định được thương hiệu, hiệu quả. Đặc biệt, trong năm 2016 huyện đã ban hành Quyết định số 1047 Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp Lạc Thủy đến năm 2020. Trong đó chú trọng cải tạo vườn tạp phát triển cây ăn quả… nên phong trào trồng cây ăn quả của người dân trên địa bàn phát triển mạnh và tập trung chủ yếu là cam và bưởi. 1 ha cam cho năng suất trung bình từ 25 – 30 tấn/ha, với giá bán từ 20.000 – 25.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí chủ trang trại trồng cam thu về 300 – 350 triệu đồng/ha. So với cây trồng khác thì cây ăn quả có múi đem lại hiệu quả cao gấp nhiều lần trên một đơn vị canh tác.
Xác định trồng cây ăn quả có múi là một trong những hướng đi chủ lực trong phát triển kinh tế, tạo thương hiệu và mở ra cơ hội làm giàu cho người dân, ngày 12/11/2017 sản phẩm cam Lạc Thủy được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ KHCN cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể “Cam Lạc Thủy”. Đây sẽ là đòn bẩy giúp cam Lạc Thủy được nhiều nơi biết đến, đồng thời sẽ mở rộng được thị trường.
Nhằm phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, từ nay đến năm 2025 huyện sẽ tiếp tục mở rộng diện tích lên 1.600 ha cây ăn quả có múi. Song song với đó, huyện chú trọng công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật đến các chủ trang trại, các nhà vườn để nâng cao mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Đặc biệt vấn đề an toàn thực phẩm phải được đảm bảo và hướng sản xuất theo hướng sản phẩm hữu cơ, dư lượng thuốc BVTV, dư lượng đạm trong các loại cây ăn quả nằm trong chỉ giới cho phép… /.
NT (Theo TTKNQG)