Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hiệu quả từ những mô hình không bỏ ruộng hoang

Cùng với quá trình đô thị hóa, người dân ngoại thành có nhiều cơ hội việc làm hơn và thu nhập cũng khá cao. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp lại vất vả, nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp…, nên thời gian qua, không ít nông dân đã bỏ ruộng hoặc không tâm huyết với nghề nông.



Để không lãng phí nguồn lực đất đai, tạo ra giá trị kinh tế từ đồng ruộng, nhiều tập thể, cá nhân đã triển khai những mô hình mới, bước đầu mang lại hiệu quả cao, khắc phục được tình trạng bỏ hoang đồng ruộng.

“Mượn ruộng” để sản xuất

Nếu như nhiều vụ mùa trước, cánh đồng của xã Duyên Thái, huyện Thường Tín có nhiều khu vực còn bị bỏ không. Thì nay, trong vụ xuân này, 100% diện tích cấy lúa đã được phủ kín.

Ông Tạ Văn Luyến (thôn Duyên Trường, xã Duyên Thái) cho biết: “Công việc đồng áng trước đây rất nặng nhọc, chi phí thuê máy, lao động, vật tư sản xuất... cũng cao, nên hầu như không có lãi. Chính vì vậy, gia đình đã bỏ nhiều vụ, không sản xuất. Tuy nhiên, vụ xuân năm nay, hợp tác xã đưa máy móc vào làm đất, gieo cấy; còn nhận làm tất cả các khâu dịch vụ cho người dân, như chăm sóc, bón phân, bảo vệ thực vật và thu hoạch, nên gia đình tôi đã xin hợp tác xã tham gia 6,5 sào”.

Giám đốc Hợp tác xã Thương mại, dịch vụ, tổng hợp Duyên Thái Nguyễn Quang Y thông tin, vụ xuân năm 2024, lần đầu tiên hợp tác xã triển khai mô hình “mượn ruộng” của dân để sản xuất, với tổng diện tích 30 mẫu. Với diện tích này, hợp tác xã đã đưa máy móc vào sản xuất theo hình thức cánh đồng mẫu lớn, phân chia thành 2 mô hình: Vàn cao (chiếm 50% diện tích) cấy 2 vụ lúa, sử dụng máy cấy; vàn trũng cấy một vụ lúa bằng hình thức gieo sạ và 1 vụ cá. Do cơ giới hóa sản xuất nên việc triển khai cấy xuân diễn ra nhanh gọn. Cây lúa cấy máy đều, rảnh thưa và bám vào đất sâu hơn so với cấy tay, nên sinh trưởng, phát triển tốt hơn.

Để giảm chi phí sản xuất, hợp tác xã đã liên hệ với Công ty Phân bón Lâm Thao để mua với số lượng lớn, giá thấp hơn nhiều so với mua từ đại lý. Tương tự, chi phí thuê nhân công chăm sóc, làm cỏ diện tích lớn cũng giảm hơn so với các hộ tự thuê làm 1-2 sào.

“Thấy cấy máy hiệu quả, nhiều hộ đã đăng ký với hợp tác xã nhận ruộng làm theo mô hình liên kết. Sau khi thu hoạch vụ xuân xong, chúng tôi sẽ đánh giá hiệu quả để nhân rộng. Hy vọng, thành công của mô hình này sẽ truyền cảm hứng cho người dân không bỏ ruộng hoang”, ông Nguyễn Quang Y bày tỏ.

Nếu như ở xã Duyên Thái, việc “mượn đất” của dân để sản xuất đã mang lại những kết quả bước đầu, thì tại huyện Ứng Hòa, nơi được mệnh danh là “vựa” lúa của thành phố, thời gian qua, chính quyền cũng đã có nhiều hỗ trợ để nâng cao giá trị sản xuất, khích lệ người dân bám đồng ruộng.

Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch, vụ xuân 2024, huyện tiếp tục hỗ trợ chi phí cấy máy, phun thuốc bảo vệ thực vật đối với địa phương đăng ký thực hiện mô hình lúa chất lượng cao J02. Đến nay, huyện Ứng Hòa đã cấy được 8.178 ha; trong đó, diện tích cấy lúa giống J02 là gần 6.000 ha, tăng hơn 1.430 ha so với cùng kỳ năm 2023.

“Với việc sản xuất cánh đồng mẫu lớn, quy trình sản xuất lúa chất lượng cao, có liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, nên sản xuất nông nghiệp hiệu quả, nông dân canh tác hết diện tích”, ông Phạm Văn Hoạch cho biết thêm.

Đây chỉ là 2 trong số nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo ở các địa phương, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân gắn bó với sản xuất, không bỏ ruộng hoang.

Sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm

Giám đốc Hợp tác xã Thương mại, dịch vụ, tổng hợp Duyên Thái Nguyễn Quang Y cho rằng, có được kết quả như hiện nay là nhờ sự chỉ đạo bài bản của Đảng ủy, UBND xã. Nhận thấy Duyên Thái là xã có nghề sơn mài phát triển, người dân không mặn mà với sản xuất nông nghiệp, ruộng bỏ hoang có chiều hướng gia tăng, từ cuối năm 2023, Đảng ủy xã đã xây dựng nghị quyết chuyên đề, giao hợp tác xã triển khai thực hiện mô hình “mượn ruộng” của dân để sản xuất.

“Đảng ủy xã chỉ đạo hợp tác xã tuyên truyền, vận động người dân cho mượn ruộng, rồi đưa máy móc vào sản xuất. Giá dịch vụ làm đất, cấy, chăm sóc lúa… thu ở mức hợp lý nhất để khích lệ người dân. Chính nhờ sự chỉ đạo sát sao, cụ thể đó, chúng tôi đã có được mô hình như hôm nay”, ông Nguyễn Quang Y cho hay.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Phạm Văn Hoạch thông tin thêm, bên cạnh hỗ trợ cấy máy và phòng trừ sâu bệnh…, huyện đã xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến lúa gạo giữa nông dân và hợp tác xã. Việc tham gia mô hình liên kết sản xuất giúp nông dân giảm bớt khó khăn trong đầu tư sản xuất ban đầu, yên tâm vì vẫn thâm canh lúa trên chính đồng ruộng của mình; còn hợp tác xã có đầu vào ổn định, chất lượng để chế biến.

Theo Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội, dù vẫn còn nhiều khó khăn, song những mô hình hay, cách làm mới đang giúp thu nhập người nông dân tốt hơn, góp phần hạn chế tình trạng bỏ ruộng hoang, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp. Thời gian tới, các ngành, địa phương cần phân tích, đánh giá và rút ra bài học kinh nghiệm từ những mô hình, cách làm, biện pháp đã chứng minh hiệu quả trong thực tiễn để nhân rộng. Các địa phương cần tạo điều kiện, khuyến khích những người có tâm huyết, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã có năng lực tài chính, kỹ thuật, quản trị được thuê gom, tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.../.

NT (Theo Báo HNM)