Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hiệu quả mô hình “Phát triển vùng sản xuất nguyên liệu khoai tây hàng hóa tập trung gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm vụ Đông 2022”

Với mục tiêu xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất khoai tây hàng hóa gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm góp phần hoàn thành tiêu chí số 13.1,13.3,13.8 Tổ chức sản xuất tại xã nông thôn mới kiểu mẫu về đích năm 2022. Vụ Đông năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã thực hiện mô hình “Phát triển vùng sản xuất nguyên liệu khoai tây hàng hóa tập trung gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm vụ Đông 2022” với quy mô 15 ha, giống khoai được chọn là giống khoai Atlantic – Hà Lan, tại xã An Hòa, huyện An Dương, thành phố Hải Phòng. Đặc biệt đây là mô hình giúp địa phương hoàn thành tiêu chí 13.1, 13.3,13.8 về mô hình Tổ chức sản xuất tại xã nông thôn mới kiểu mẫu về đích năm 2022.



Trong quá trình triển khai mô hình đã áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, trồng, chăm sóc đến thu hoạch giúp giảm công lao động. Bên cạnh đó, mô hình sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh cải tạo đất làm tăng chất lượng mẫu mã củ - điều này rất có ý nghĩa khi áp dụng cơ giới cho cây khoai Tây vì chỉ bón một lần duy nhất cho cả vụ, giảm chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với sử dụng phân bón truyền thống.

Tham gia mô hình, người dân được cán bộ Trung tâm tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ 50% củ giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Bên cạnh đó, Trung tâm còn là cầu nối giữa người nông dân với đơn vị bao tiêu sản phẩm với giá cao hơn ngoài sản xuất đại trà.

Qua theo dõi mô hình cho thấy giống khoai Atlantic sinh trưởng, phát triển khỏe cho năng suất cao đạt 22-25 tấn/ha, cao hơn giống đối chứng trên 7 tấn/ha, tương đương tăng trên 30%, củ thương phẩm dễ bán, được giá và có thị trường xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc để chế biến các món ăn.  Vì vậy, hiệu quả kinh tế tăng 1,5 - 2 lần so với sản xuất khoai Tây truyền thống tại địa phương. Toàn bộ sản phẩm sau thu hoạch được doanh nghiệp bao tiêu với giá cao, ổn định nên người dân rất phấn khởi và yên tâm sản xuất.

Trong thời gian triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng đã phối hợp với Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Hà Nhuận tổ chức 02 lớp tập huấn trong mô hình với 80 người tham dự; tổ chức 01 hội nghị thăm quan nhân rộng mô hình,và tổ chức  hội nghị tổng kết cho 50 người tham dự. Thông qua đó, giúp nông dân địa phương nắm được quy trình sản xuất; đồng thời, đây là những mô hình điểm để người dân đến tham quan, học tập.

Kết quả của mô hình đã góp phần thay đổi phương thức canh tác, tạo sự ổn định trong sản xuất, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân, bảo vệ môi trường sinh thái, sức khoẻ cho người sản xuất và người tiêu dùng, giảm ô nhiễm môi trường, đáp ứng nhu cầu của nông dân, góp phần giải quyết khó khăn về đầu ra sản phẩm trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, từng bước tạo vùng nguyên liệu lớn cho các nhà máy chế biến và thực hiện thắng lợi các mục tiêu của ngành đã đề ra./.

Nguyễn Hương Giang - TTKN Hải Phòng