Đến nay, mặc dù mô hình đã kết thúc song từ những con giống ban đầu được hỗ trợ các hộ tham gia mô hình đã phát triển, mở rộng quy mô đàn dê để phát triển kinh tế gia đình.
Tại huyện Thạch Thất, mô hình chăn nuôi dê sinh sản được Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai thực hiện tại hai xã miền núi là Yên Bình và Yên Trung năm 2016. Mô hình có quy mô 56 con dê, với 8 hộ tham gia. Tham gia mô hình bà con nông dân được hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn kỹ thuật và con giống. Con giống có trọng lượng bình quân là 30kg/con dê đực, 20kg/con dê cái. Mỗi hộ được giao 6 con dê cái và 1 con dê đực. Anh Nguyễn Văn Long, thôn Thung Mộ, xã Yên Bình cho biết: tuy đây là lần đầu tiên nuôi dê, ban đầu cũng gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật nuôi và cách phòng, trị bệnh cho dê nhưng được sự quan tâm, hướng dẫn sát sao của cán bộ kỹ thuật Trạm khuyến nông huyện nên đàn dê của anh đã sinh trưởng, phát triển tốt. Sau khi mô hình kết thúc anh thấy chăn nuôi dê phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình nên anh tiếp tục nhân giống mở rộng số lượng đàn để chăn nuôi. Đến nay, đàn dê đã bước vào lứa sinh sản thứ 4. Từ 6 con giống ban đầu được hỗ trợ anh đã phát triển đàn dê lên 31 con, trong đó, anh đã xuất bán15 con dê đực cho lợi nhuận hơn 20 triệu đồng.
Thực tế cho thấy, mô hình có vốn đầu tư ít, có thể tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi trong gia đình và thức ăn có sẵn như cỏ, lá cây rừng và phụ phẩm nông nghiệp như thân, lá cây ngô, lạc. 1 con dê cái có thể sinh sản bình quân từ 2 lứa/năm, mỗi lần sinh từ 1-2 con. Khoảng từ 5 tháng trở lên, dê sẽ cho xuất chuồng. Giá thịt dê hơi trên thị trường hiện nay dao động khoảng 120 -150 nghìn đồng/kg, dê giống khoảng 160 nghìn đồng/kg, như vậy nuôi dê cho thu lợi nhuận khá cao so với các loại vật nuôi khác. Chị Nguyễn Thị Lan – thôn Thung Mộ, xã Yên Bình được cho là người nuôi dê “mát tay” nhất trong số 5 hộ trên địa bàn xã được tham gia mô hình. Từ 1 con dê đực và 6 con dê cái được Trung tâm Khuyến nông hỗ trợ cấp giống ban đầu, đến nay sau 3 lứa sinh nở, đàn dê nhà chị đã phát triển được 55 con do dê sinh đôi, sinh ba chiếm tỷ lệ cao, hơn nữa chị cũng đã quen cách chăm sóc, “bắt bệnh” cho dê nên đàn dê không bệnh tật, 100% dê con sau sinh đều sống khỏe mạnh.
Thành công của mô hình sẽ góp phần giúp cho chính quyền địa phương lựa chọn và nhân rộng mô hình phù hợp với điều kiện thực tế tại địa phương, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, đồng thời thúc đẩy chương trình xóa đói giảm nghèo tại các xã miền núi. Là đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp triển khai và hỗ trợ người dân trong quá trình thực hiện mô hình, ông Nguyễn Bùi Hải –Trạm trưởng, Trạm Khuyến nông huyện Thạch Thất cho rằng việc chuyển giao TBKT, tạo dựng cho người dân đặc biệt là người dân thuộc các xã miền núi một phương thức sản xuất hợp lý và hiệu quả là việc không dễ. Mô hình dê sinh sản đã được người dân trên địa bàn 2 xã Yên Bình và Yên Trung tiếp tục duy trì, phát triển và mở rộng quy mô. Cho thấy mô hình rất cần được tiếp tục triển khai trên địa bàn các xã miền núi khác.
Xã Yên Bình là một xã miền núi của huyện Thạch Thất, những năm gần đây, xã Yên Bình đã tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả kinh tế. Ông Đặng Hồng Ngọc – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Bình, huyện Thạch Thất cho biết: Từ sự đầu tư có trọng điểm của thành phố và huyện, kết hợp lồng ghép nhiều chương trình mục tiêu quốc gia,... đã giúp cho tốc độ tăng trưởng kinh tế trên địa bàn xã năm sau luôn cao hơn năm trước và vượt kế hoạch đề ra. Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân 180 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2017 đạt 42 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn 2,06%. Chính quyền địa phương rất ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả của các mô hình khuyến nông đã được triển khai trên địa bàn xã, như mô hình dê sinh sản, bò sinh sản,...
Từ mục đích ban đầu khi triển khai mô hình là nhằm khai thác lợi thế, tiềm năng tại một số xã thuộc vùng miền núi của huyện Thạch Thất, mở ra hướng sản xuất chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với quy hoạch phát triển chăn nuôi nông hộ của địa phương, mô hình khuyến nông chăn nuôi dê sinh sản tại xã Yên Bình đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, giá trị quan trọng nhất mà mô hình đạt được đó là mô hình đã thay đổi được tập quán canh tác của người dân, mở ra hướng sản xuất mới vừa phù hợp với điều kiện thực tế vừa nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống cho bà con các xã miền núi./.
Lưu Phượng