Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hiệu quả Dự án xây dựng mô hình chăn nuôi vịt chuyên thịt VCN/TP-SD, ngan giá trị kinh tế cao VCN/TP-VS7 theo hướng an toàn sinh học trong nông hộ tại Đồng bằng sông Hồng

Thực hiện chiến lược phát triển chăn nuôi gia cầm đến năm 2020 của Chính Phủ về việc “Đẩy nhanh việc đổi mới và phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng trang trại, công nghiệp và nuôi chăn thả có kiểm soát” đồng thời đáp ứng nhu cầu thực phẩm ngày càng tăng của xã hội. Từ năm 2016- 2018 vừa qua, Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương đã thực hiện dự án “ Xây dựng mô hình chăn nuôi vịt chuyên thịt VCN/TP-SD, ngan giá trị kinh tế cao VCN/TP-VS7 theo hướng an toàn sinh học trong nông hộ tại đồng bằng sông Hồng” tại 6 tỉnh, thành phố là Hà Nội, Hà Nam, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định và Bắc Ninhvới quy mô 60.000 con vịt (VCN/TP-SD) và 120.000 con ngan VCN/TP-VS7.



Sau 3 năm triển khai tại 6 tỉnh dự án đã xây dựng được 54 điểm trình diễn với 360 hộ tham gia. Dự án cũng đã mở 18 lớp tập huấn kỹ thuật, chăm sóc nuôi dưỡng phòng bệnh trên đàn vịt, đàn ngan cho các hộ tham gia, ngoài ra dự án cũng mở 36 lớp đào tạo ngoài mô hình và tổ chức 36 lần tham quan mô hình trình diễn với 1080 đại biểu tham dự. Các hộ tham gia dự án đều được hỗ trợ cấp vaccine, thuốc sát trùng và một phần thức ăn.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Thị Nga, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu gia cầm Thụy Phương- chủ nhiệm dự án cho biết sau 3 năm thực hiện dự án thì các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đều đạt và vượt so với yêu cầu: Tỷ lệ nuôi sống trên đàn vịt đạt 97,47%, khối lượng xuất chuồng 3,53 kg/con, lượng thức ăn tiêu thụ 2,66 kg/1kg tăng khối lượng. Tỷ lệ nuôi sống trên đàn ngan đạt 95,53 %, khối lượng cơ thể ngan mái đạt 2,57 kg/con lúc 10 tuần tuổi và ngan trống đạt 4,53 kg/con lúc 12 tuần tuổi, lượng thức ăn tiêu thụ 2,93kg/1kg tăng khối lượng. Qua dự án người chăn nuôi ngan, vịt đã nắm được quy trình đảm bảo an toàn sinh học.

 Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh trong 3 năm dự án được triển khai tại 60 hộ  của 9 xã trong huyện Lương Tài với quy mô 10.000 con vịt và 20.000 con ngan. Tính hiệu quả kinh tế trên sự chênh lệch giữa thu chi thông qua theo dõi tại các mô hình của dự án trên địa bàn tỉnh thì hiệu quả của đàn vịt trong dự án cho lãi khoảng 150 triệu đồng, còn hiệu quả của đàn ngan cho lãi khoảng 770 triệu đồng.

 Theo ông Đoàn Đình Hường, xã Trung Chính, huyện Lương Tài  một hộ tham gia mô hình cho biết: Trước đây gia đình tôi thường nuôi ngan Pháp, nhưng bắt giống thường qua lái buôn, không được tiêm phòng đầy đủ và kỹ thuật nuôi thường theo kinh nghiệm là chính nên ngan rất hay bị bệnh và bị rụng lông nên hiệu quả rất thấp, nhiều lứa bị thua lỗ. Tham gia dự án gia đình ông được cấp 500 con ngan VCN/TP- VS7. Trải qua thời gian nuôi, ông Hường đánh giá, giống ngan này khỏe mạnh, ít bệnh tật nên tỷ lệ sống rất cao trên 97%. Ngan sinh trưởng ổn định, cho năng suất cao, chất lượng thịt tốt và bán được giá hơn.  

Ông Vũ Thái Ninh, GĐ Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh cho biết địa phương vẫn tập trung phát triển chăn nuôi dù gặp nhiều khó khăn về đất sản xuất. Bắc Ninh là tỉnh nhỏ hẹp, diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp ngày một thu hẹp, nhường chỗ cho các loại hình công nghiệp, dịch vụ. Bù lại, địa phương này có nhiều diện tích ao hồ, kênh rạch, là điều kiện vô cùng thuận lợi cho phát triển chăn nuôi thủy cầm.

Theo đánh giá của bà Hạ Thúy Hạnh, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tại hội nghị tổng kết dự án khẳng định thủy cầm đang đóng vai trò quan trọng trong ngành chăn nuôi. Qua theo dõi, dự án đã đạt được những kết quả tích cực, thúc đẩy ngành chăn nuôi thủy cầm ở nhiều địa phương. Thời gian tới, cần tạo điều kiện cho các đơn vị nhập thêm giống thủy cầm mới, năng suất, chất lượng để tiến hành nghiên cứu, chọn tạo và nhân giống./.

Nguyễn Công Cường - Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh