Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hiệu quả bước đầu đề tài "Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất lúa nếp cái Hoa Vàng thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh"

Giống lúa nếp cái Hoa vàng được coi là một đặc sản nông nghiệp nước ta, giống nếp đặc biệt này thơm ngon người dân thường dùng nấu xôi, nấu rượu, làm tương, làm các loại bánh có sử dụng gạo nếp,… Do vậy giá trị của loại lúa nếp này thường cao gấp 4 lần giống lúa tẻ, gấp 2 lần các loại lúa nếp thông thường. Nhưng để sản phẩm lúa nếp có đầu ra ổn định thì trồng theo tiêu chuẩn VietGAP và đạt chất lượng cao đang là giải pháp tốt nhất cho sản xuất hiện nay.



Nhận thấy được điều đó, được sự quan tâm của Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Khoa học và Công nghệ, năm 2017 vừa qua Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh đã triển khai Đề tài khoa học "Nghiên cứu xây dựng mô hình sản xuất lúa nếp cái Hoa Vàng thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh". Đề tài được triển khai tại HTX Tân Tiến, Phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh và HTX  dịch vụ nông nghiệp Đình Bảng, TX Từ Sơn với quy mô 40 ha.

 

Để đảm bảo lúa trồng theo đúng tiêu chuẩn VietGAP thì việc lựa chọn vùng trồng là rất quan trọng và cần quan tâm đầu tiên. Vùng trồng có thể chịu ảnh hưởng của nhiều loại mối nguy như vi sinh vật, thuốc BVTV, kim loại nặng và các chất ô nhiễm khác từ vùng liền kề. Vì vậy, trước khi triển khai đề tài Trung tâm Khuyến nông đã khảo sát và đánh giá kỹ lưỡng về lịch sử cũng như các mối nguy sinh học, hoá học của vùng đất trước. Việc tổ chức lấy mẫu đất, nước theo phương pháp hiện hành và được thực hiện bởi người lấy mẫu đã qua đào tạo, cấp chứng chỉ. Mẫu được gửi phân tích, đánh giá về các chỉ tiêu hóa học, sinh học tại  phòng phân tích của công ty TNHH Công nghệ NHONHO đã được cấp giấy chứng nhận về điều kiện sản xuất an toàn. Các hộ tham gia đề tài cũng được tập huấn nắm được kỹ thuật về sản xuất lúa VietGAP và được khuyến cáo về việc áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý cây trồng tổng hợp (ICM) nhằm hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc  BVTV. Đặc biệt ở cả 2 điểm triển khai đề tài đều được cán bộ kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông hướng dẫn cấy lúa theo phương pháp “Hiệu ứng hàng biên” nhằm tạo độ thông thoáng để tăng khả năng đẻ nhánh của lúa và giảm thiểu được các đối tượng sâu bệnh hại.

 

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, chủ nhiệm HTX Tân Tiến, phường Vũ Ninh, TP Bắc Ninh cho biết: Nếp cái Hoa vàng là giống lúa nếp truyền thống nổi tiếng ở vùng đồng bằng Bắc bộ, hạt gạo tròn, dẻo, thơm mát thích hợp trồng trên đất vàn, vàn trũng. Ngoài ra đây còn  là giống lúa quý đã được người dân trong tỉnh trồng từ  lâu nhưng diện tích, năng suất còn hạn chế và ngày một thu hẹp. Việc áp dụng sản xuất lúa nếp cái Hoa vàng theo tiêu chuẩn VietGAP tạo thuận lợi cho việc quy vùng sản xuất tập trung đồng thời giúp người dân thuận tiện hơn trong các khâu chăm sóc lúa, giúp nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị của sản phẩm.

Kết quả sau vụ mùa triển khai nhận thấy giống lúa nếp cái Hoa vàng trong đề tài có tỷ lệ đồng đều cao, số hạt chắc trên bông cao, có khả năng chống chịu sâu bệnh khá. Chất lượng gạo thơm, dẻo hiệu quả kinh tế thu được cho lợi nhuận trên 1,5 triệu/sào cao hơn 2-3 lần so với các giống lúa thông thường. Sản phẩm sau khi thu hoạch đã được các kênh bao tiêu thu mua hết thay vì phải thấp thỏm chờ đợi giá cả thị trường như trước.

Sản xuất lúa nếp cái hoa vàng theo quy trình VietGAP vừa phát huy được lợi thế về truyền thống sản xuất lúa, gạo trên địa bàn tỉnh vừa giải quyết được vấn đề an toàn thực phẩm, vừa đảm bảo sức khoẻ cho người sản xuất, an toàn cho người tiêu dùng, bảo đảm an sinh xã hội, môi trường và là hướng đi đúng đắn cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh Bắc Ninh. Đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục có các chính sách hỗ trợ về sản xuất, sơ chế, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP trên điạ bàn tỉnh. Đồng thời có các biện pháp hỗ trợ xây dựng hạ tầng cho vùng sản xuất đáp ứng các tiêu chuẩn của quy trình VietGAP.

Công Cường

Trung tâm Khuyến nông Bắc Ninh