Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hiện trạng và một số giải pháp phát triển sản phẩm miến dong Bình Liêu

Năm 2017, với hơn 8.900 tấn củ đưa vào chế biến, sản lượng miến dong Bình Liêu đạt trên 600 tấn. Hình thức tiêu thụ miến dong chủ yếu qua hệ thống bán lẻ của thương lái và qua các kỳ hội chợ trong và ngoài tỉnh.



Năm 2017, với hơn 8.900 tấn củ đưa vào chế biến, sản lượng miến dong Bình Liêu đạt trên 600 tấn. Hình thức tiêu thụ miến dong chủ yếu qua hệ thống bán lẻ của thương lái và qua các kỳ hội chợ trong và ngoài tỉnh.

  Thực hiện chủ trương của tỉnh về quy hoạch các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, Đề án OCOP tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020, những năm vừa qua, huyện Bình Liêu đã tập trung phát triển vùng trồng dong riềng tập trung gắn với chế biến, xây dựng thương hiệu miến dong Bình Liêu. Do vậy, từ chỗ thiếu nguyên liệu, chỉ sản xuất theo thời vụ đến nay huyện đã chủ động được về nguyên liệu, công nghệ và sản xuất quanh năm. Tuy nhiên trong quá trình phát triển còn rất nhiều khó khăn cần giải quyết để đạt được các mục tiêu đã đề ra như: Về sản xuất dong riềng, năm 2017, toàn huyện Bình Liêu trồng được 257,9ha (đạt 129% kế hoạch). Tuy nhiên, do thời tiết mưa nhiều nên một số diện tích trồng bị ngập úng, dịch bệnh không cho thu hoạch do đó sản lượng củ dong chỉ đạt khoảng 8.309 tấn, năng suất đạt 39,79 tấn/ha. Về chế biến miến dong, theo kết quả báo cáo sản xuất năm 2017, toàn huyện thu mua, chế biến được khoảng 8.900 tấn củ (huyện Tiên Yên cung ứng khoảng 1.500 tấn) tập trung tại các cơ sở như xưởng chế biến miến Đồng Tâm 6.200 tấn, HTX Đình Trung 1.000 tấn, cơ sở Trần Đức Nghiệp 400 tấn, HTX Gia Hưng 150 tấn, HTX Khe Vằn 90 tấn, HTX Húc Động 150 tấn và các hộ gia đình chế biến nhỏ lẻ (40 hộ) khoảng 910 tấn. Về tiêu thụ miến dong, do hình thức tiêu thụ còn bị động, nhỏ lẻ, thiếu ổn định nên lượng miến đến nay còn tồn khoảng 200 tấn (chủ yếu dưới dạng tinh bột) và khả năng tiêu thụ rất chậm (khoảng 5 tấn/tháng). Do đó dẫn tới thu hồi vốn chậm và thanh toán tiền mua nguyên liệu cho người dân không kịp thời.

  Năm 2018, trên cơ sở kết quả rà soát, thống kê diện tích trồng dong riềng cho thấy huyện đã trồng được 345ha (bằng 115% kế hoạch), dự kiến sản lượng củ đạt 15.500 tấn. Sản lượng củ dự kiến đưa vào chế biến của riêng Bình Liêu khoảng 12.500 tấn cộng với việc bao tiêu khoảng 3.500 tấn củ cho nông dân của huyện Tiên Yên theo ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh. Vì vậy, tổng sản lượng củ dong đưa vào chế biến năm 2018 khoảng 16.000 tấn, gần gấp 2 lần so với sản lượng năm 2017. Để tiêu thụ hết lượng củ năm 2018 cho nhân dân, huyện Bình Liêu đã chủ động tổ chức gặp gỡ tất cả các cơ sở chế biến miến dong trên địa bàn huyện để bàn giải pháp mở rộng quy mô sản xuất và tìm kiếm thị trường, kênh tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, qua báo cáo khả năng thu mua, chế biến của các cơ sở hiện nay là hết sức khó khăn. Cụ thể, về đất đai, đa số các cơ sở chế biến ở trong khu dân cư nên thiếu đất để mở rộng sản xuất; kết cấu hạ tầng các cơ sở chế biến hiện tại không đáp ứng được nhu cầu chế biến, do đó cần phải nâng cấp hệ thống điện, nước có công suất lớn hơn, bên cạnh đó, cần phải đầu tư hệ thống xử lý chất thải bảo vệ môi trường. Về dây chuyền chế biến, 80% các cơ sở đều cần phải đầu tư nâng cấp hệ thống máy chế biến, đặc biệt là máy xát củ, máy tráng miến mới có thể đáp ứng được yêu cầu. Về vốn, đặc biệt là vốn lưu động để thu mua củ dong cho nhân dân rất khó khăn, dự kiến để thu mua hết 16.000 tấn củ cần khoảng 50 tỷ đồng, mặc dù hiện nay tỉnh đã ban hành Quyết định 4204/2015/QĐ-UBND ngày 24/12/2015 về chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp song hạn mức hỗ trợ lãi suất hiện nay chưa thực sự phù hợp.

  Hiện tại nguồn miến dong còn tồn từ vụ năm 2017 đến nay lớn trong khi tốc độ tiêu thụ lại chậm, mặt khác sản lượng dự kiến năm 2018 tăng gấp đôi. Do đó vấn đề xúc tiến thương mại cần được đặc biệt quan tâm. Việc đầu tư mở rộng thị trường tiêu thụ cần triển khai đồng bộ thông qua nhiều hình thức như bán hàng trực tuyến, xây dựng hệ thống bán lẻ, đưa vào hệ thống siêu thị và hướng tới xuất khẩu. Để khắc phục các khó khăn nêu trên, hoàn thành các mục tiêu năm 2018 cũng như định hướng phát triển trong các năm tiếp theo, các cấp ngành và huyện Bình Liêu cần thực hiện tốt một số nội dung như: (1) Ưu tiên bố trí nguồn lực từ các chương trình, để hỗ trợ các cơ sở đầu tư nâng cấp, mở rộng quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm, xử lý môi trường; (2) Hỗ trợ tập huấn nâng cao kiến thức về thị trường, xúc tiến thương mại, đàm phán, ký kết hợp đồng cho các cơ sở chế biến; (3) Tổ chức cho 100% các cơ sở chế biến ký cam kết sản xuất sản phẩm an toàn và thực hiện tốt các tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm theo quy định; (4) Tổ chức ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ giữa người sản xuất với các cơ sở chế biến trên địa bàn huyện cũng như cho 3 xã của huyện Tiên Yên; (5) Thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các đơn vị để phục vụ sản xuất, chế biến miến dong; (6) Hỗ trợ xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đưa sản phẩm miến dong vào các chuỗi cửa hàng, siêu thị trong và ngoài tỉnh./.

TTKN Quảng Ninh