Trong chăn nuôi, một số trang trại ứng dụng camera giám sát, hệ thống cảm biến trong điều tiết khí hậu chuồng nuôi. Trong thủy lợi và phòng chống thiên tai: hệ thống điều khiển từ xa đóng mở cống thủy lợi; thiết bị cảm biến đo độ mặn, mực nước... Trong chế biến, tiêu thụ nông sản, nhiều hộ sản xuất triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp bằng tem gắn mã QR code...
Từ hiệu quả bước đầu đạt được là cơ sở để ngành nông nghiệp - phát triển nông thôn Hải Phòng tiếp tục tuyên truyển, mở rộng ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực, phấn đấu đến năm 2025, hơn 10% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong nông nghiệp được số hóa và thực hiện chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh; xây dựng tối thiểu 10 mô hình/lĩnh vực về ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; hơn 100 cơ sở sản xuất, chế biến nông sản có sản phẩm tham gia sàn giao dịch điện tử và truy xuất nguồn gốc; 500 cán bộ hợp tác xã, doanh nghiệp, chủ trang trại, người sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp có đủ kỹ năng tiếp cận chuyển đổi số...
Để đạt mục tiêu trên, quan điểm chuyển đổi số ngành nông nghiệp phải đáp ứng được yêu cầu về phát triển kinh tế, xã hội của thành phố Hải Phòng giai đoạn tới; gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu và tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa nông nghiệp, nông thôn; theo đúng quan điểm, chủ trương của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong thời gian tới, ngành nông nghiệp Hải Phòng sẽ xây dựng và triển khai các dự án chuyển đổi số trong quản lý, chỉ đạo sản xuất các lĩnh vực trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Các cơ quan chức năng thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT thực hiện việc số hóa, cập nhật dữ liệu: các vùng sản xuất, xây dựng bản đồ số, các đối tượng do cơ quan nhà nước đang quản lý, vận hành. Sở đề nghị chính quyền các cấp ích cực tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân, doanh nghiệp và toàn xã hội về chuyển đổi số; phổ biến cho người dân các kỹ năng cơ bản như: truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, dịch vụ công trực tuyến và bảo đảm an toàn thông tin cá nhân. Mỗi địa phương chủ động lựa chọn, xây dựng mô hình triển khai thử về chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng hình ảnh người nông dân sản xuất nông nghiệp 4.0.
Sở Nông nghiệp & PTNT Hải Phòng thực hiện linh hoạt các chính sách hiện hành của Trung ương và thành phố đối với xây dựng và nhân rộng các mô hình chuyển đổi số trong nông nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp, thủy sản; khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp số; đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp./.
Nguyễn Hương Giang - Trung tâm KN Hải Phòng