100% chuỗi nông sản bảo đảm chất lượng
Hà Nội hiện có khoảng 10 triệu dân đang sinh sống, làm việc, học tập trên địa bàn và hằng năm đón hàng triệu du khách trong nước, quốc tế tham quan nên nhu cầu tiêu dùng nông sản của thành phố là rất lớn.
Ước tính nhu cầu tiêu dùng đối với một số nhóm hàng nông lâm thủy sản thiết yếu của thành phố Hà Nội như sau: Gạo khoảng 96.650 tấn/tháng, thịt lợn khoảng 19.500 tấn/tháng, thịt bò khoảng 5.350 tấn/tháng, thịt gà khoảng 6.500 tấn/tháng, trứng gia cầm khoảng 130 triệu quả/tháng, thủy sản khoảng 19.250 tấn/tháng, thực phẩm chế biến nông lâm thủy sản khoảng 5.420 tấn/tháng, rau củ khoảng 107.500 tấn/tháng, trái cây khoảng 56.000 tấn/tháng.
Hà Nội cơ bản đáp ứng đối với các sản phẩm thịt gia cầm, trứng gia cầm; nông sản thực phẩm khác khả năng đáp ứng khoảng 60%. Lượng hàng hóa nông sản còn thiếu cùng sản phẩm đặc sản vùng miền phục vụ nhu cầu người dân Thủ đô, khách du lịch được các kênh phân phối, doanh nghiệp, siêu thị, đơn vị Hà Nội khai thác từ các tỉnh, thành phố và một phần nhập khẩu.
Thực hiện Chương trình phối hợp giai đoạn 2021-2025, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội phối hợp với 43 tỉnh, thành phố trên cả nước đã xây dựng và phát triển 997 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (tăng 51 chuỗi so với năm 2022 và 211 chuỗi so với giai đoạn 2015-2020). 100% số chuỗi cung cấp từ các tỉnh, thành phố, của Hà Nội đều được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hoặc tương đương, trong đó, 40% số chuỗi cung ứng sản phẩm cho thành phố Hà Nội có ít nhất 1 công đoạn được chứng nhận sản xuất theo một trong các tiêu chuẩn VietGAP, HACCP, ISO22000, hữu cơ.
Các chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản cho thành phố Hà Nội có khả năng cung ứng trên 92.623 tấn rau, củ, quả/tháng, trên 13.198 tấn thịt/tháng; trên 31,3 triệu quả trứng/tháng; trên 11.350 tấn thủy sản/tháng; trên 232.522 tấn gạo, lương thực, nông sản khác/tháng.
Công tác xây dựng và phát triển chuỗi cung ứng bảo đảm an toàn thực phẩm giúp tăng cường mối liên kết giữa các cơ sở sản xuất, sơ chế, chế biến với hệ thống phân phối, giúp cơ sở sản xuất chủ động được đầu ra và nguồn hàng, hình thành các chuỗi liên kết bền vững, ổn định.
Đẩy mạnh giám sát chất lượng theo chuỗi
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác phối hợp quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố vẫn còn khó khăn như: Một số chuỗi liên kết chưa hoàn chỉnh, quy mô liên kết vừa và nhỏ, chủ yếu là sản phẩm tươi sống, còn thiếu sản phẩm chế biến sâu, chất lượng cao, việc liên kết giữa các doanh nghiệp với người sản xuất đôi khi chưa chặt chẽ. Các chuỗi và số lượng sản phẩm nông sản được đưa về tiêu thụ tại Hà Nội chưa đồng đều giữa các địa phương do việc thực hiện quy hoạch vùng sản xuất ở một số địa phương chưa được quan tâm, chưa có nhiều vùng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, HACCP...
Để nâng cao chất lượng nông lâm thủy sản đưa về Hà Nội trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 và những năm tiếp theo, ngành Nông nghiệp Hà Nội tập trung phối hợp với một số tỉnh, thành phố có lượng sản phẩm lớn đưa về Hà Nội tổ chức kết nối trực tiếp giữa vùng sản xuất nông nghiệp các tỉnh, thành phố và cơ sở chế biến, kinh doanh, hệ thống phân phối thực phẩm của Hà Nội nhằm hình thành các chuỗi cung ứng bền vững; phối hợp với Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ban hành văn bản hướng dẫn xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng nông, lâm, thủy sản theo chuẩn quốc tế, tư vấn cho thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố tham gia Chương trình phối hợp hoàn thiện cơ chế, chính sách, phát triển chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản chất lượng, an toàn và nâng cấp, phát triển chuỗi giá trị ngành hàng.
Bên cạnh đó, các tỉnh, thành phố chủ động phối hợp, thông tin hai chiều về những vấn đề nóng như: Tình hình dịch bệnh, các cơ sở an toàn dịch bệnh, đủ điều kiện vệ sinh thú y, công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm để thuận lợi trong công tác quản lý. Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh công tác kiểm tra điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản; duy trì chương trình giám sát các sản phẩm sơ chế, chế biến, kinh doanh nông lâm thủy sản trên diện rộng; cảnh báo, đánh giá nguy cơ về an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố; tiếp tục phát triển, duy trì Hệ thống truy xuất nguồn gốc nông lâm thủy sản thực phẩm thành phố Hà Nội (check.hanoi.gov.vn).
Để thuận lợi cho việc quản lý an toàn thực phẩm ở địa phương, Hà Nội đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng phần mềm hệ thống thông tin dùng chung của các đơn vị thuộc Bộ, địa phương để kết nối, chia sẻ thông tin, cung - cầu sản phẩm nông lâm thủy sản giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thu mua, chế biến, phân phối sản phẩm và các vùng nguyên liệu nông lâm thủy sản trên toàn quốc. Bộ Nông nghiệp & PTNT tăng cường giới thiệu các doanh nghiệp lớn, có năng lực đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giết mổ, chế biến, chợ đầu mối nông sản… trên địa bàn thành phố./.
NB (Theo Báo HNM)