Theo Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản công nghệ cao Đại Áng (huyện Thanh Trì) Nguyễn Văn Thiêm, với diện tích khoảng 60 ha, hợp tác xã đã nuôi thủy sản theo hướng công nghệ cao, an toàn. Theo đó, trong ao được trang bị thêm máy tạo sóng, máy sục khí, máy quạt nước, máy hút chất thải đáy. Các máy này liên tục hoạt động, tạo thành dòng sông trong ao. Các loại cá nuôi trong môi trường sạch này, gồm: Trắm, chép, rô phi, diêu hồng… Đến nay, mô hình đã sản xuất ổn định, sản lượng đạt khoảng 200 tấn cá/năm, cao hơn 1,8 lần so với nuôi truyền thống.
Còn theo ông Đoàn Ngọc Khuyên (xã Cẩm Lĩnh, huyện Ba Vì), năm 2015, gia đình ông chuyển sang nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghệ cao, đạt tiêu chuẩn hữu cơ. Với diện tích 3,5 ha, trước đây nuôi theo phương pháp truyền thống, cho thu hoạch 10 - 15 tấn cá/năm; còn nay nuôi theo hướng an toàn, năng suất từ 25 đến 30 tấn/năm, doanh thu đạt hơn 1 tỷ đồng.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Tạ Văn Sơn cho biết, mô hình nuôi thủy sản theo hướng VietGAP, hữu cơ, công nghệ cao đã được đẩy mạnh tại các huyện: Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Trì…, cho năng suất cao hơn 6 - 8 lần so với phương pháp nuôi truyền thống, giá trị trung bình đạt 3,5 tỷ đồng/ha. Không chỉ nâng cao chất lượng cá thương phẩm trên thị trường, các mô hình này còn giảm được nhiều rủi ro từ dịch bệnh và cung cấp nguồn thực phẩm an toàn.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện việc nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn vẫn còn gặp không ít khó khăn, như: Đầu ra còn bấp bênh, chưa xây dựng được thương hiệu...
Để tháo gỡ khó khăn cho nuôi trồng thủy sản hữu cơ, ông Nguyễn Bá Sáu, ở xã Thư Phú (huyện Thường Tín) cho rằng, các ngành chức năng cần hỗ trợ người nuôi trồng thủy sản về kỹ thuật, vốn, xây dựng chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm hữu cơ qua các kênh phân phối hiện đại. Cùng với đó, tăng cường tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào nuôi thủy sản theo hướng VietGAP và hữu cơ.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, trong giai đoạn 2022 - 2025, Hà Nội định hướng phát triển nuôi trồng thủy sản tại 6 huyện; trong đó có khoảng 47 ha tại huyện Mỹ Đức, 43 ha tại huyện Ba Vì, hai huyện Quốc Oai và Phú Xuyên (mỗi địa phương phát triển 22 ha thủy sản hữu cơ), huyện Chương Mỹ 21 ha và Phúc Thọ 5 ha. Để thực hiện hiệu quả mô hình này, Sở tiếp tục nghiên cứu, đề xuất thành phố ban hành một số chính sách riêng, nhằm khuyến khích nuôi trồng thủy sản hữu cơ.
Cùng với đó, để thúc đẩy nuôi trồng thủy sản, các huyện, thị xã cần nghiên cứu, xây dựng kế hoạch sản xuất theo lợi thế của từng địa phương; bố trí ngân sách để thực hiện nhiệm vụ phát triển nông nghiệp hữu cơ nói chung, nuôi trồng thủy sản nói riêng, tạo ra nguồn thực phẩm sạch, hướng tới xây dựng thương hiệu thủy sản Hà Nội./.
TA (Theo Báo HNM)