Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội: Ngăn chặn nạn chuột cắn phá lúa Xuân

Cứ bước vào giai đoạn lúa đẻ nhánh, chuẩn bị làm đòng, bà con nông dân nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội lại thường trực nỗi lo chuột phá hoại. Nhiều giải pháp đã được ngành nông nghiệp triển khai nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại từ đối tượng dịch hại này.



Chuột đang gây hại cục bộ

Vụ Xuân năm nay, chị Đỗ Thị Hoà ở thôn Thế Trạch, xã Mai Đình (huyện Sóc Sơn) canh tác 3 sào lúa. Thời điểm này, những diện tích lúa của gia đình chị Hoà đang bước vào giai đoạn đẻ nhánh, chuẩn bị làm đòng.

“Đây là thời điểm chuột bắt đầu gây hại mạnh nên chúng tôi phải tiến hành phát quang bờ bụi, làm sạch cỏ ven bờ. Sau đó, dùng bao bì, túi nilon rào quanh bờ ruộng để ngăn chặn, hạn chế chuột phá lúa…” - chị Hòa nói.

Xung quanh khu đồng nhà chị Hoà, nhiều hộ dân còn đặt cả bẫy bả để diệt chuột, phổ biến là bẫy bán nguyệt, bẫy lồng, bẫy dính… Không chỉ ban ngày, mà ban đêm nhiều bà con cũng phải đi thăm đồng để đuổi đánh chuột.

Theo Trưởng phòng Bảo vệ thực vật (Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội) Đỗ Kim Chung, vụ Xuân năm nay, toàn TP gieo cấy hơn 81.000ha lúa. Nhìn chung, các trà lúa đang sinh trưởng phát triển thuận lợi.

Mặc dù vậy, qua đánh giá sơ bộ, bà Chung cho biết hiện nay chuột đang gây hại cục bộ trên các trà lúa. Tỷ lệ trung bình từ 1 - 3% số dảnh, cục bộ có nơi bị ảnh hưởng đến 10 - 15% số dảnh.

Dù chưa thể thống kê cụ thể về mức độ ảnh hưởng nhưng tình trạng chuột cắn phá đang khiến nhiều người dân lo lắng. Đặc biệt là trước nhận định thời tiết tiếp tục ấm, ẩm xen kẽ các đợt không khí lạnh, thuận lợi cho các đối tượng gây hại, trong đó có chuột.

Diệt chuột phải tập trung, thường xuyên

Theo nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, chuột sẽ tiếp tục gây hại trên các trà lúa trong thời gian tới. Đặc biệt là ở những diện tích ven làng, gò đống, gần đường giao thông, xung quanh các trang trại chuyển đổi đa canh…

Trước nguy cơ chuột phá hoại, ngành nông nghiệp Hà Nội và các địa phương đang tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phòng, chống, diệt trừ chuột hại để bảo vệ cây trồng vụ Xuân, đặc biệt là hơn 81.000 ha lúa.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Cấn Văn Hồng cho biết, trên cơ sở văn bản hướng dẫn của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội ban hành hồi giữa tháng 3/2024, đơn vị đã triển khai đến các xã, thị trấn, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi để bà con nông dân biết, chủ động thực hiện.

“Để hỗ trợ nông dân bảo vệ lúa Xuân, vừa qua, Phòng Kinh tế đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đặt mua hàng chục ngàn bẫy chuột để cấp phát miễn phí cho người dân…” - ông Cấn Văn Hồng thông tin thêm.

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Lưu Thị Hằng cho biết, chuột là đối tượng dịch hại nguy hiểm, có thể phá hoại vào bất cứ giai đoạn nào của cây lúa, đặc biệt là vào thời điểm trổ đòng. Chuột cũng có đôi răng cửa phát triển và luôn dài ra; do đó để tồn tại, chúng phải gặm nhấm mọi vật để mài răng.

“Hiện, Chi cục đang phối hợp với các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình chuột gây hại để kịp thời đưa ra những khuyến cáo giải pháp phòng, chống cho bà con. Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương coi việc diệt chuột là giải pháp cần được thực hiện thường xuyên, liên tục và tiến hành tập trung…” - bà Lưu Thị Hằng chia sẻ thêm.

Trong trường hợp buộc phải sử dụng biện pháp hoá học (khi chuột phá hoại mạnh), Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội khuyến cáo người dân chỉ sử dụng bả, thuốc trong danh mục thuốc BVTV được phép lưu hành tại Việt Nam. Trong đó, ưu tiên sử dụng các loại thuốc sinh học, ít độc hại, có chứa hoạt chất Bromadiolone, Warfarin, Brodifacoum hoặc Coumatetralyl… để bảo vệ sức khoẻ bản thân và không gây tác hại đến môi trường./.

NB (Theo Báo KT & ĐT)