Skip Ribbon Commands
Skip to main content

Hà Nội: Hướng phát triển kinh tế mới từ ngô sinh khối

Sự phát triển của lĩnh vực chăn nuôi kéo theo nhu cầu thức ăn thô xanh ngày một lớn hơn. Trồng ngô sinh khối được xem là giải pháp có thể đáp ứng được nhu cầu thiếu hụt cho các trang trại chăn nuôi tại Hà Nội.



Hỗ trợ sát sườn chủ thể

Vụ Đông năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội phối hợp cùng huyện Mê Linh triển khai mô hình sản xuất ngô sinh khối trên đất hai lúa tại khu đồng Mả Lãnh thuộc hai thôn Yên Thị và Yên Trung (xã Tiến Thịnh). Quy mô sản xuất 10 ha.

Trước đó, để có được 10ha đất nông nghiệp hai lúa, ông Nguyễn Thế Lâm, nông hộ xã Tiến Thịnh tham gia mô hình điểm, đã thuê thầu của hàng trăm hộ dân khác trên địa bàn hai thôn Yên Thị, Yên Trung. Việc thuê thầu được thực hiện thông qua hợp đồng, có sự giám sát của chính quyền địa phương.

Từ đầu vụ Đông 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã cấp hỗ trợ 140kg ngô giống cho hộ ông Nguyễn Thế Lâm. Bên cạnh đó là hàng chục tấn phân bón Đạm, Urê, Lân, Kali, phân hữu cơ sinh học và thuốc bảo vệ thực vật sinh học. 

Số lượng vật tư cần thiết còn thiếu, ông Nguyễn Thế Lâm thực hiện việc mua đối ứng với tỷ lệ 50% tổng lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Điều này nhằm nâng cao trách nhiệm của chủ thể tham gia mô hình. Vật tư phục vụ mô hình bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng theo yêu cầu.

Cùng với hỗ trợ về vật tư nông nghiệp, hộ ông Nguyễn Thế Lâm còn được tập huấn, hướng dẫn thường xuyên kỹ thuật chăm sóc, phòng chống sâu bệnh hại trên cây ngô sinh khối. Một cán bộ chuyên trách cũng được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh ký hợp đồng để chịu trách nhiệm chỉ đạo kỹ thuật mô hình.

Giá trị kinh tế tiềm năng

Theo bà Nguyễn Thị Chinh - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh, vừa qua, đại diện Trung tâm Khuyến nông Hà Nội và một số đơn vị thuộc huyện Mê Linh đã tổ chức nghiệm thu mô hình sản xuất ngô sinh khối vụ Đông trên đất hai lúa mà gia đình ông Nguyễn Thế Lâm là chủ thể triển khai.

Theo đó, đoàn đánh giá hộ ông Lâm đã thực hiện trồng, chăm sóc diện tích ngô sinh khối theo đúng quy trình kỹ thuật và hướng dẫn. Ngô sinh trưởng khoẻ; thân, lá phát triển mạnh, bản lá rộng; đồng thời chống chịu tốt với bệnh khô vằn, sâu đục thân, rệp cờ. Tỷ lệ cây sống đạt trên 90%.

“Với tiến độ phát triển hiện nay, dự kiến ngô sinh khối cho năng suất khoảng 55 tấn/ha. Trừ chi phí sản xuất, loại cây trồng này có thể cho lợi nhuận hơn 22,3 triệu đồng/ha mỗi vụ…” - bà Nguyễn Thị Chinh thông tin thêm.

Đáng chú ý, hiện nay, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mê Linh đã liên kết với Công ty CP ngô sinh khối Việt Nam thu mua toàn bộ khối lượng ngô sinh khối sản xuất ra. Điều này giúp hộ ông Nguyễn Thế Lâm không phải lo lắng vấn đề tiêu thụ, yên tâm sản xuất.

Thực tế cho thấy, ngô sinh khối là loại cây ngắn ngày, có ưu thế là trồng được 3 vụ/năm, cho sản lượng cao nên hiệu quả kinh tế tốt hơn so với trồng ngô truyền thống lấy bắp. Mô hình còn giúp khai thác hiệu quả quỹ đất nông nghiệp hai lúa thường xuyên bị bỏ, không canh tác vào vụ Đông tại huyện Mê Linh cũng như nhiều địa phương khác trên địa bàn Hà Nội.

Dù vẫn còn một số hạn chế như chưa có giống chuyên dụng, hay việc áp dụng cơ giới hoá vào sản xuất khó khăn do quy mô sản xuất hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún, nhưng với những lợi ích đem lại, triển vọng phát triển cây ngô sinh khối là rất lớn. Đây cũng được xem là hướng phát triển kinh tế mới, tăng thu nhập cho người nông dân tại Hà Nội./.

NB (Theo Báo KTĐT)